THỪA TÁC VIÊN VÀ HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH THỐNG HỐI

    Xem nhanh

VIII. THỪA TÁC VIÊN CỦA BÍ TÍCH THỐNG HỐI

Huius sacramenti minister 

 

Vì Đức Kitô đã trao cho các tông đồ thừa tác vụ giao hòa (x. Ga 20,23; 2Cr 5,18), nên các giám mục kế nhiệm các ngài và các linh mục là những cộng sự viên của các giám mục, tiếp tục thi hành thừa tác vụ này. Nhờ bí tích Truyền Chức, các giám mục và linh mục có quyền tha tội "nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần".

Khi được tha tội, chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh. Xưa nay giám mục, vị thủ lãnh hữu hình của Giáo Hội địa phương vẫn được coi là người chính thức có quyền và có chức vụ hòa giải: giám mục là người định đoạt kỷ luật bí tích thống hối ( CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 26). Các linh mục, cộng sự viên của giám mục, thực thi thừa tác vụ này trong phạm vi trách nhiệm được giám mục (hay bề trên dòng) hay Đức Giáo Hoàng ủy thác theo luật Hội Thánh.

Có một số tội nặng đặc biệt, ai phạm sẽ bị vạ tuyệt thông. Đây là hình phạt nặng nhất theo giáo luật, cấm không cho nhận lãnh các bí tích và hành xử một số tác vụ trong Hội Thánh. Theo giáo luật, chỉ có Đức Giáo Hoàng, giám mục địa phận hay vị linh mục được ủy quyền, mới có quyền tha vạ (Bộ Giáo Luật, 1331;1354-1357; Bộ Giáo Luật Đông phương 1431; 1434, 1420).

Trong trường hợp nguy tử, bất cứ linh mục nào, dù không có năng quyền giải tội, vẫn có thể tha hết các tội (Bộ Giáo Luật, điều 986; Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 735) và tha mọi vạ tuyệt thông.

Các linh mục phải khuyến khích các tín hữu lãnh nhận bí tích Giao Hòa. Các ngài phải luôn sẵn sàng cử hành bí tích này mỗi khi người tín hữu yêu cầu với lý do chính đáng (x. CIC, 976; CCEO, 725).

Khi ban bí tích sám hối, linh mục thi hành chức vụ như Đấng chăn chiên lành đi tìm chiên lạc, như người Samaritanô nhân lành băng bó vết thương, như người cha chờ đợi và đón nhận người con đi hoang trở về, như quan án chính trực xét xử công bình và nhân hậu, không thiên vị một ai. Tóm lại, linh mục là dấu chỉ và khí cụ của Thiên Chúa giàu lòng thương xót đối với tội nhân.

Cha giải tội không ban ơn tha thứ như là người chủ, nhưng là tôi tớ phục vụ Thiên Chúa nhân từ. Thừa tác viên phải cử hành bí tích này theo ý định và lòng nhân từ của Chúa Kitô (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 13). Ngài cần hiểu rõ người Kitô hữu phải sống thế nào, có kinh nghiệm về những gì liên quan đến con người, tôn trọng và tế nhị đối với người sa ngã. Linh mục phải yêu mến chân lý, trung thành tuân phục Huấn Quyền của Hội Thánh và kiên trì hướng dẫn hối nhân để họ được chữa lành và đạt tới sự trưởng thành toàn diện. Ngài phải cầu nguyện và đền tội giúp hối nhân, phó thác họ cho Thiên Chúa giàu lòng thương xót.

Thừa tác vụ này rất cao trọng đòi hỏi cha giải tội tôn trọng và tế nhị với người xưng tội. Do đó, Hội Thánh buộc mọi linh mục, khi giải tội, phải giữ kín tuyệt đối những tội hối nhân đã xưng thú. Ai vi phạm sẽ mắc vạ nặng nề (Bộ Giáo Luật, các điều 983-984. 1388,1; Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 1456). Vị linh mục cũng không có quyền tỏ ra bên ngoài những gì biết được khi giải tội. Bí mật tòa giải tội không chấp nhận luật trừ nào. Đây là "ấn tín bí tích", vì tất cả những gì hối nhân xưng thú đều được bí tích "niêm ấn".

 


IX HIỆU QUẢ BÍ TÍCH THỐNG HỐI
Effectus huius sacramenti  

 

"Bí tích Thống Hối phục hồi chúng ta trong ơn nghĩa Chúa và liên kết chúng ta với Người trong tình bằng hữu thắm thiết và cao cả" (x. Giáo lý Rôma 2,5,18) . Mục đích và hiệu quả của bí tích này là giao hòa hối nhân với Thiên Chúa. Ai lãnh nhận bí tích Giao Hòa với lòng thống hối và đạo đức, lương tâm "sẽ được bình an thư thái, được an ủi thiêng liêng" (x. CĐ Trentô: DS 1674). Bí tích Giao Hòa thực hiện một "cuộc phục sinh thiêng liêng" đích thực, hoàn lại phẩm giá và những đặc quyền của đời sống con cái Thiên Chúa, nhất là tình bằng hữu với Người (Lc 15,32).

Bí tích này giao hòa hối nhân với Hội Thánh. Bí tích Giao Hòa tái tạo sự hiệp thông huynh đệ, mà tội lỗi làm tiêu hao hay cắt đứt. Theo nghĩa này, bí tích Giao Hòa không những chữa lành hối nhân vừa được hiệp thông lại với Hội Thánh, mà còn làm cho Hội Thánh thêm sức sống sau khi đã phải đau khổ vì tội lỗi của các chi thể (x. 1Cr 12,26). Tội nhân được Hội Thánh đón nhận lại vào cộng đoàn chư thánh, được liên kết với Hội Thánh và được củng cố nhờ sự trao đổi gia sản thiêng liêng giữa các chi thể sống động của Thân Thể Chúa Kitô, dù họ còn đang lữ hành nơi trần thế hay đã về Quê Trời (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48-50):
"Việc giao hòa với Thiên Chúa còn dẫn tới những sự giao hòa khác là chữa lành các vết thương do tội: khi được tha thứ, hối nhân được giao hòa với chính mình, nhờ đó tìm lại được chính mình; được giao hòa với anh em là những người họ đã xúc phạm và gây thương tổn; được giao hòa với Hội Thánh và vạn vật" (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Reconciliatio et paenitentia, 31).

Khi phó thác cho Thiên Chúa nhân từ xét xử, tội nhân nhận trước sự phán xét mà họ phải chịu khi lìa đời. Ở đời này, chúng ta có thể chọn sự sống hay sự chết; chỉ có con đường hoán cải mới đưa chúng ta vào Nước Trời, nơi kẻ mắc tội trọng bị loại trừ (x. 1Cr 5,11; Gl 5,19-21; Kh 22,15). Khi thống hối và tin tưởng quay về với Chúa Kitô, tội nhân "sẽ từ cõi chết bước vào cõi sống và khỏi bị xét xử" (Ga 5,24).