THỐNG HỐI NỘI TÂM

    Xem nhanh

 

 

Như các ngôn sứ thuở trước, lời Chúa Giêsu kêu gọi hoán cải và thống hối trước hết không nhắm đến những việc bên ngoài, "mặc áo vải thô, rắc tro trên đầu", giữ chay và khổ chế, nhưng đến hoán cải trong lòng, thống hối nội tâm. Nếu không có thống hối nội tâm, các việc làm bên ngoài sẽ vô hiệu và dối trá. Tuy nhiên, việc hoán cải nội tâm thúc đẩy người ta diễn tả thái độ ấy bằng những dấu hiệu khả giác, những cử chỉ và những việc làm của người thống hối (x. Ge 2,12-13; Is 1,16-17; Mt 6,1-6. 16-18).

Thống hối nội tâm là chuyển hướng triệt để toàn bộ đời sống, hết lòng quay lại, trở về với Thiên Chúa, đoạn tuyệt với tội lỗi, từ bỏ sự dữ, ghê tởm những hành động xấu xa đã làm. Đồng thời thống hối nội tâm cũng bao hàm ước muốn và quyết tâm thay đổi đời sống, với hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa và tin tưởng vào sự trợ giúp của ân sủng. Hoán cải trong lòng này đi đôi với sự đau buồn có sức cứu độ mà các giáo phụ gọi là animi cruciatus (tâm trí đau đớn) và compunctio cordis (tâm hồn hối hận) (x. CĐ Trentô: DS 1676-1678;1705; Giáo lý Rôma 2,5,4.).

Lòng người nặng nề và cứng cỏi, nên phải được Thiên Chúa ban cho một trái tim mới (Ed 36,26-27). Hoán cải trước hết là công việc của ân sủng, Thiên Chúa làm cho lòng chúng ta quay về với Người: "Lạy Chúa, xin đưa chúng con về và chúng con sẽ trở lại với Chúa" (Ac 5,21). Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để bắt đầu lại. Chính khi khám phá ra tình yêu cao cả của Thiên Chúa mà lòng chúng ta bị chấn động vì thấy tội lỗi khủng khiếp và nặng nề, nên không dám phạm tội vì sợ xúc phạm đến Chúa và bị tách lìa khỏi Người. Lòng con người hoán cải khi hướng nhìn lên Đấng bị tội lỗi chúng ta đâm thâu (x. Ga 19,37; Dcr 12,10).
Hãy chiêm ngắm máu Đức Kitô và nhận biết rằng máu ấy quý giá biết bao đối với Chúa Cha, vì khi đổ ra để chuộc tội chúng ta, máu ấy ban cho toàn thế giới ơn hoán cải (Thánh Clêmentê Rôma, Epistula ad Corinthios, 7,4 thư gửi giáo đoàn Côrintô 7,4).

Từ khi Đức Kitô phục sinh, chính Chúa Thánh Thần "tố cáo thế gian về vấn đề tội lỗi" (Ga 16,8-9), Người cho thấy thế gian đã không tin vào Đấng Chúa Cha cử đến. Cũng chính Chúa Thánh Thần, Đấng tố cáo tội lỗi, lại là Đấng Bảo Trợ ( x.Ga 15,26): Người ban cho lòng con người ân sủng để họ ăn năn và hoán cải (x. Cv 2,36-38; ĐGH Gioan Phalô II, Thông điệp Dominum et vivificantem, 27-48).

 

 

V. NHIỀU HÌNH THỨC THỐNG HỐI
TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU

Multiplices poenitentiae formae in vita christiana

 

Thống hối nội tâm của người Kitô hữu có thể được diễn tả bằng nhiều cách. Thánh Kinh và các giáo phụ nhấn mạnh nhất ba hình thức: giữ chay, cầu nguyện và bố thí (x.Tb 12,8; Mt 6,1-18). Đây là những cách diễn tả sự hoán cải đối với bản thân, đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân. Bên cạnh sự hoán cải triệt để thực hiện qua bí tích Thánh Tẩy hoặc tử đạo, các ngài còn kể đến những phương thế để xin Chúa tha thứ tội lỗi: cố gắng giao hòa với anh em, nước mắt thống hối, lo lắng đến phần rỗi tha nhân (x. Gc 5,20), khẩn cầu các thánh và thực hành bác ái "vì tình yêu che phủ muôn vàn tội lỗi" (1 Pr 4,8).

Trong đời sống hằng ngày, việc hoán cải được thể hiện qua những hành vi giao hòa, lo lắng cho người nghèo, thực thi cũng như bảo vệ công lý và công bình (x. Am 5,24; Is 1,17) bằng việc thú tội, sửa lỗi cho nhau, xét lại cách sống, xét mình, linh hướng, chấp nhận đau khổ, kiên trì khi bị bách hại vì lẽ công chính. Vác thánh giá mỗi ngày và bước theo Chúa Giêsu là con đường thống hối chắc chắn nhất (x. Lc 9,23).

Bí tích Thánh Thể và bí tích Thống Hối. Chúng ta tìm được nguồn mạch và của nuôi dưỡng cho lòng hoán cải và thống hối hằng ngày nơi bí tích Thánh Thể, vì đây là hy tế của Đức Kitô, Đấng giao hoà chúng ta với Thiên Chúa. Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng và tăng sức cho những người sống bằng sự sống của Đức Kitô: Bí tích này là "phương thuốc cứu chúng ta khỏi tội lỗi hằng ngày và gìn giữ chúng ta khỏi tội trọng" (x. CĐ Trentô, DS 1638).

Việc đọc Thánh Kinh, đọc kinh Thần Vụ và kinh Lạy Cha, mỗi hành vi phượng tự và đạo đức chân thành đều làm sống lại trong chúng ta tinh thần hoán cải và thống hối, đồng thời góp phần tha thứ tội lỗi chúng ta.

Thời điểm và những ngày thống hối trong năm phụng vụ (mùa Chay, mỗi thứ sáu tưởng nhớ Chúa chịu chết), là những thời điểm đặc biệt để Hội Thánh thực hành thống hối (CĐ Vaticanô II, Hiến chế  Sacrosanctum Concilium, 109-110; Bộ Giáo Luật, các điều 1249-1253; Bộ Giáo Luật Đông phương, các điều 880-883).

Đây là thời gian đặc biệt thích hợp để tĩnh tâm, cử hành phụng vụ thống hối, để hành hương thống hối, tự nguyện hãm mình như giữ chay và bố thí, chia sẻ huynh đệ (công tác từ thiện và truyền giáo).

Đức Giêsu đã diễn tả tiến trình hoán cải và thống hối cách tuyệt vời qua dụ ngôn "Người cha nhân hậu" (Lc 15,11-24). Bị ảo ảnh tự do mê hoặc, người con bỏ nhà Cha ra đi. Sau khi tiêu tán hết tài sản, nó rơi vào tình trạng khốn quẫn. Nó hết sức nhục nhã vì phải đi chăn heo, và tệ hơn nữa, ước muốn ăn cám heo mà không được. Nó nghĩ lại, hối hận và quyết định thú nhận có lỗi với cha. Nó lên đường trở về. Người cha bao dung và vui mừng đón con. Đó là những nét tiêu biểu của tiến trình hoán cải. Áo đẹp, nhẫn và tiệc mừng là những biểu hiệu của đời sống mới, trong sạch, xứng đáng, tràn ngập niềm vui: đó là cuộc sống của người trở về với Thiên Chúa và với Hội Thánh là gia đình mình.

Chỉ trái tim Đức Kitô, Đấng thấu suốt tình yêu sâu thẳm của Chúa Cha, mới mặc khải được cho chúng ta đại dương từ ái của Thiên Chúa một cách đơn sơ và tươi đẹp đến thế.