NHỮNG VIỆC HỐI NHÂN PHẢI LÀM

    Xem nhanh

 

 

"Tội nhân phải tự nguyện thi hành đầy đủ những việc sau: thật lòng ăn năn, xưng tội, khiêm tốn và thành tâm đền tội" (x Giáo lý Rôma II,V,21; x. CĐ Trentô, DS 1673).

Thống hối ăn năn

Contritio

Trước hết hối nhân phải ăn năn tội. Ăn năn tội là "đau đớn trong lòng và chê ghét tội đã phạm, dốc lòng chừa từ nay không phạm tội nữa" (x. CĐ Trentô: DS 1676).

Khi hối nhân ăn năn vì yêu mến Chúa trên hết mọi sự, chúng ta gọi là ăn năn tội "cách trọn" (ái hối). Việc ăn năn tội này xóa bỏ các tội nhẹ và cũng đem lại ơn tha thứ các tội trọng, nếu hối nhân quyết tâm đi xưng tội càng sớm càng tốt (x. CĐ Trentô: DS 1677).

Ăn năn tội "cách chẳng trọn" (hoặc hối hận) cũng là một hồng ân Thiên Chúa, một thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Nó xuất phát từ việc thấy sự xấu xa của tội lỗi hoặc vì sợ hình phạt trầm luân đời đời cũng như hình khổ khác kẻ tội lỗi phải chịu (úy hối).

Lương tâm được lay động như vậy có thể manh nha một chuyển biến nội tâm, chuyển biến này sẽ được hoàn tất dưới tác động của ân sủng nhờ việc tha tội trong bí tích Giao Hòa. Tuy nhiên, việc ăn năn tội cách chẳng trọn tự nó không đem lại ơn tha thứ các tội trọng, nhưng chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn tha tội trong bí tích Thống Hối (x. CĐ Trentô: DS 1678; 1705).

Để lãnh nhận bí tích Giao Hòa, hối nhân cần chuẩn bị bằng việc xét mình dưới ánh sáng Lời Chúa. Những bản văn thích hợp nhất có thể tìm được trong Mười Điều Răn phần giảng huấn luân lý của Tin Mừng và trong các thư Tân Ước: Bài giảng trên núi, Giáo huấn các tông đồ (x Rm 12-15; 1Cr 12-13).

Xưng tội

Peccatorum confessio

Ngay trên bình diện thuần nhân loại, xưng tội hay thú tội giải thoát và giúp chúng ta dễ dàng hòa giải với anh em. Qua việc thú tội, con người nhận mình là tội nhân, nhận trách nhiệm về tội lỗi đã phạm, nhờ đó lại sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa và hiệp thông với Hội Thánh để có một tương lai mới.

Lời thú tội với linh mục là phần cốt yếu của bí tích Thống Hối: "Khi xưng tội, hối nhân phải kể hết các tội trọng nhớ được sau khi xét mình cẩn thận, dù những tội trọng này rất kín đáo và chỉ phạm đến hai điều cuối của Thập Giới (x. Xh 20,17; Mt 5,28), vì những tội này đôi khi làm cho linh hồn bị thương tổn nặng nề và nguy hiểm hơn những tội phạm công khai" (Cđ Trentô: DS 1680):

“Khi có ý xưng hết các tội nhớ được, người tín hữu trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa để được Người tha thứ. Ai cố tình giấu tội, người ấy không sẵn sàng đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa qua trung gan linh mục. Vì "nếu bệnh nhân xấu hổ không cho thầy thuốc coi vết thương thì làm sao chữa được" (Thánh Hiêrônimô, về Giáo Hội 10,11; CĐ Trentô: DS 1680).

Theo luật Hội Thánh, "mọi tín hữu đến tuổi khôn, phải xưng các tội trọng mình nhận thức được, một năm ít là một lần" (x. CĐ, khoản 989; x. DS 1683, 1708). Ai biết mình còn mắc tội trọng mà chưa xưng tội thì không được rước lễ, dù đã ăn năn tội cách trọn (x. CĐ Trentô: DS 1647;1661), ngoại trừ trường hợp có lý do hệ trọng và chưa thể xưng tội được (Bộ Giáo Luật, điều 916; Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 711). Trẻ em thì phải lãnh nhận bí tích Giao Hòa trước khi rước lễ lần đầu (x. CIC, can 914).

Dù không bó buộc, Hội Thánh vẫn khuyên các tín hữu nên xưng các lỗi thường ngày (các tội nhẹ) (x CĐ Trente: DS 1680; CIC, can. 988, 2) . Việc năng xưng các tội nhẹ giúp chúng ta rèn luyện lương tâm, giúp ta chiến đấu chống lại các khuynh hướng xấu, sẵn sàng để Đức Kitô chữa lành và tiến tới trong đời sống theo Thánh Thần. Nếu chúng ta thường xuyên hưởng nhờ lòng nhân từ của Chúa Cha qua bí tích Giao Hòa thì dần dần chúng ta cũng trở nên nhân từ như Người (x. Lc 6,36):

“Ai xưng thú tội mình là cộng tác với Thiên Chúa. Thiên Chúa tố cáo tội ngươi, và ngươi cũng tố cáo tội mình, thì ngươi liên kết với Thiên Chúa. Con người và tội nhân là hai thực tại: con người là tác phẩm của Thiên Chúa; tội nhân là sản phẩm của con người. Hỡi người, hãy phá đi điều ngươi đã tạo ra để Thiên Chúa cứu điều Người đã tạo thành. Khi ngươi bắt đầu ghê tởm điều ngươi đã làm ra, lúc ấy những điều tốt đẹp của ngươi khởi sự, vì ngươi lên án những hành động xấu của ngươi. Nhìn nhận việc xấu đã làm, là khởi đầu những việc tốt. Hãy sống trong Sự Thật, ngươi sẽ đến được với Sự Sáng” (Thánh Augustinô, Tin Mừng Gioan 12,13).

Việc đền tội

Satisfactio

Có những tội gây thiệt hại cho tha nhân. Chúng ta phải hết sức để đền bù (như trả lại đồ vật đã lấy cắp, phục hồi danh dự cho người mình xúc phạm, bồi thường thiệt hại). Đức công bình đòi buộc thực hiện như vậy. Hơn nữa, tội lỗi gây thương tổn và làm suy yếu chính tội nhân cũng như mối liên hệ giữa họ với Thiên Chúa và tha nhân.

Bí tích Giao Hòa tha thứ tội lỗi, nhưng không xóa bỏ những hậu quả xấu do tội gây nên (CĐ Triđentinô).Sau khi được tha thứ, tội nhân còn phải hồi phục hoàn toàn sức sống thiêng liêng. Vì thế, họ phải làm một việc gì sửa lại lỗi lầm của mình: phải "đền bù" cân xứng hoặc "đền tạ" tội lỗi mình. Việc đền tội như vậy cũng gọi là "thống hối".

Khi chỉ định việc đền tội, linh mục phải chú ý đến tình trạng riêng của hối nhân và mưu cầu lợi ích thiêng liêng cho họ. Việc đền tội phải tương xứng với bản chất và tính chất trầm trọng của tội đã phạm. Có thể đền tội bằng cách cầu nguyện, dâng hiến, bố thí, phục vụ tha nhân, hãm mình, các hy sinh và nhất là kiên trì vác thánh giá của mình. Những việc đền tội như thế giúp chúng ta nên giống Đức Kitô, Đấng duy nhất đã đền bù dứt khoát tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta trở nên đồng thừa tự với Đức Kitô phục sinh "một khi chúng ta chịu đau khổ với Người" (Rm 8,17): (x. CĐ Trentô: DS 1690)

Chính nhờ Đức Kitô mà chúng ta có thể đền bù tội lỗi đã phạm: chúng ta không thể tự mình làm được gì, nhưng với "Đấng ban sức mạnh, chúng ta làm được mọi việc". Con người không có gì để tự phụ, nhưng tất cả "vinh dự" của chúng ta là Đức Kitô... Trong Người, chúng ta "làm việc lành phúc đức để chứng tỏ lòng ăn năn thống hối" (Lc 3,8). Do Người, những việc lành phúc đức ấy có giá trị; nhờ Người, được dâng lên Chúa Cha; và qua Người được Chúa Cha chấp nhận. (x CĐ Trentô: DS 1691)