NHỮNG HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH HÔN PHỐI - ÍCH LỢI VÀ ĐÒI HỎI CỦA TÌNH YÊU HÔN NHÂN

    Xem nhanh

IV. NHỮNG HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH HÔN PHỐI

Effectus sacramenti Matrimonii
"Do hôn phối hữu hiệu, giữa vợ chồng phát sinh một mối dây ràng buộc vĩnh viễn và độc nhất tự bản chất. Ngoài ra, trong hôn phối Kitô giáo, do một bí tích riêng biệt, vợ chồng được củng cố và như thế được thánh hiến nhằm tới thiên chức và những trách nhiệm của bậc sống" (x. CIC 1134).

Sự ràng buộc hôn nhân

Vinculum matrimoniale

Chính Thiên Chúa đóng ấn xác nhận lời giao ước qua đó hai người ưng thuận kết hôn, tự hiến cho nhau và đón nhận nhau (x. Mc 10,9). Từ hôn ước của họ "phát sinh một định chế vững chắc theo ý định của Thiên Chúa và có giá trị trước mặt xã hội". Hôn ước được liên kết với giao ước Thiên Chúa ký kết với nhân loại: "Tình yêu vợ chồng đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 48).

Như vậy sự ràng buộc của hôn nhân do chính Thiên Chúa liên kết nên hôn nhân thành sự và hoàn hợp, giữa hai người đã được rửa tội, không bao giờ được tháo gỡ. Dây liên kết này là kết quả của việc hai người tự nguyện kết hôn và do sự hoàn hợp của hôn phối. Đây là một thực tại không thể đảo ngược và trở thành một giao ước được Thiên Chúa Trung Tín bảo đảm. Hội Thánh không có quyền nói ngược lại sự an bài khôn ngoan của Thiên Chúa (x. CIC 1141).

Ân sủng bí tích Hôn Phối

Gratia sacramenti Matrimonii
"Các đôi vợ chồng Kitô giáo được những ơn riêng cho bậc sống của mình trong Dân Chúa". Ân sủng đặc biệt của bí tích Hôn Phối kiện toàn tình yêu vợ chồng, củng cố sự hiệp nhất bất khả phân ly của họ. Nhờ ân sủng này, "họ giúp nhau nên thánh trong đời sống hôn nhân, trong việc đón nhận và giáo dục con cái" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium 11;41)

Đức Kitô là nguồn mạch của ân sủng này. “Cũng như xưa kia, Thiên Chúa đến gặp dân Ngài bằng một giao ước tình yêu và trung thành, thì ngày nay, Đấng Cứu Độ loài người và là Phu Quân của Hội Thánh, cũng đến gặp các đôi phối ngẫu Kitô hữu qua bí tích Hôn Phối” (CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 48). Người ở lại với họ, ban sức mạnh cho họ để họ nhận lấy thập giá của mình mà bước theo Người, để họ chỗi dậy sau khi sa ngã, để họ tha thứ cho nhau, để họ vác lấy gánh nặng của nhau (Gl 6,2), để họ “tùng phục lẫn nhau vì lòng kính sợ Đức Kitô” (Ep 5,21), và yêu thương nhau bằng một tình yêu siêu nhiên, tế nhị và sinh sôi nảy nở. Thiên Chúa ban cho họ, ngay từ đời này, trong những niềm vui của tình yêu và của đời sống gia đình họ, được nếm trước tiệc cưới Con Chiên:

“Làm sao chúng ta có thể mô tả được niềm hạnh phúc của cuộc hôn nhân được Hội Thánh nối kết, được hy lễ củng cố, được lời chúc lành đóng ấn, được các Thiên thần công bố và được Cha trên trời chuẩn nhận? Có đôi bạn nào bằng đôi bạn tín hữu, được kết hợp do cùng một niềm hy vọng, cùng một ước nguyện, cùng một kỷ luật, cùng một công việc phục vụ. Cả hai là anh em (con một Cha), là đồng phục vụ (cho một Chủ); không bị phân rẽ trong tinh thần và trong xác thịt, thật sự là hai trong một xác thịt. Ở đâu xác thịt nên một, thì tinh thần cũng nên một” (ĐGH Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, Tông Huấn Gia Đình 13).

 


V. ÍCH LỢI VÀ ĐÒI HỎI CỦA TÌNH YÊU HÔN NHÂN

Amoris coniugalis bona et exigentiae 

 "Tình yêu vợ chồng bao gồm một tổng thể trong đó có đủ mọi yếu tố cấu tạo nên ngôi vị: tiếng gọi của thân xác và của bản năng, sức mạnh của cảm tính và của lòng yêu mến, khát vọng của tinh thần và của ý chí; tình yêu thương ấy nhắm đến một sự hiệp nhất sâu xa về ngôi vị, không chỉ là sự kết hiệp thành một thân xác, nhưng là sự hiệp nhất đến độ chỉ còn một trái tim, một linh hồn; tình yêu ấy đòi hỏi sự bất khả phân ly và trung tín trao hiến cho nhau một cách dứt khoát, nó mở ngỏ cho việc sinh sản.

Tắt một lời, đó chính là những yếu tố thông thường của tình yêu vợ chồng nhưng với một ý nghĩa mới mẽ một ý nghĩa không chỉ thanh luyện và củng cố những yếu tố ấy nhưng còn nâng chúng lên cao đến độ biến chúng thành lời diễn tả những giá trị đặc biệt của Kitô giáo" (ĐGH Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, Tông Huấn Gia Đình 13).

Tính đơn nhất và bất khả phân ly của Hôn Nhân

Matrimonii unitas et indissolubilitas

Ngay tự bản chất, tình yêu vợ chồng đòi hỏi sự đơn nhất và bất khả phân ly cho cộng đoàn nhân vị bao trùm toàn bộ đời sống họ. "Họ không còn là hai, mà là một xương một thịt" (x. Mt 19,6; x St 2,24). "Họ được mời gọi không ngừng lớn lên trong tình hiệp thông với nhau qua việc trung thành mỗi ngày với lời cam kết hôn nhân là trao hiến trọn vẹn cho nhau" (ĐGH Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, Tông Huấn Gia Đình 19).

Sự hiệp thông nhân vị này được củng cố, được thanh luyện, và hoàn thiện nhờ bí tích Hôn Phối đem lại sự hiệp thông trong Đức Kitô. Sự hiệp thông này càng thâm sâu hơn nhờ cùng chia sẻ  một đức tin và cùng đón nhận Mình Thánh Chúa.

Phải nhìn nhận phẩm giá cá nhân bình đẳng giữa vợ chồng trong tình tương ái trọn vẹn để nhờ đó, biểu hiện rõ ràng tính đơn nhất của hôn nhân đã được Chúa xác nhận" ( CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ  Gaudium et spes, 49). Tục đa thê trái với phẩm giá bình đẳng này và với tình yêu vợ chồng, vì tình yêu vợ chồng có tính đơn nhất và độc hữu (ĐGH Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, Tông Huấn Gia Đình 19).

Chung thủy trong tình yêu vợ chồng

Amoris coniugalis fidelitas

Tự bản chất, tình yêu hôn nhân đòi hỏi hai vợ chồng phải chung thủy. Đây là hệ quả của việc hai vợ chồng tự hiến cho nhau. Tình yêu đòi hỏi phải dứt khoát, không được tạm bợ. "Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau, cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi họ kết hợp với nhau bất khả phân ly" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 48).


1647.
Lý do sâu xa nhất đòi hỏi hai vợ chồng phải chung thủy, căn cứ trên sự trung tín của Thiên Chúa với giao ước của Người, sự trung tín của Đức Kitô với Hội Thánh. Nhờ bí tích Hôn Phối, hai vợ chồng được ban ơn để diễn tả và làm chứng cho sự trung tín ấy. Do bí tích, tính bất khả phân ly của hôn nhân tiếp nhận một ý nghĩa mới và sâu xa hơn.

Ràng buộc suốt đời với một người khác có thể là một điều khó và không thể thực hiện được. Do đó, cần phải loan báo Tin Mừng: Thiên Chúa đã yêu chúng ta bằng một tình yêu vĩnh viễn và không bao giờ rút lại; tình yêu vợ chồng được tham dự vào tình yêu này; tình yêu này hướng dẫn và nâng đỡ họ; nhờ chung thủy với nhau, họ có thể làm chứng nhân cho tình yêu trung tín của Thiên Chúa.

Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, những đôi vợ chồng sống chứng từ ấy, lắm lúc trong những hoàn cảnh rất khó khăn, đáng được cộng đoàn Hội Thánh biết ơn và nâng đỡ (ĐGH Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, Tông Huấn Gia Đình 20).

Có những hoàn cảnh thực tế hai vợ chồng không thể tiếp tục sống chung được vì nhiều lý do khác nhau. Trong những trường hợp này, Hội Thánh chấp nhận để họ ly thân và không sống chung nữa. Họ vẫn là vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và không được tự do để kết hôn. Trong hoàn cảnh khó khăn, giải pháp tốt nhất, nếu có thể, là hòa giải với nhau. Cộng đoàn tín hữu được mời gọi giúp họ sống đời Kitô hữu trong hoàn cảnh ấy, trung thành với dây liên kết hôn nhân không thể tháo gỡ được ((ĐGH Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, Tông Huấn Gia Đình 83); CIC, 1151-1155).

Nhiều người Công Giáo, ở một số quốc gia, đã ly dị và tái hôn theo luật đời. Hội Thánh trung thành với lời của Đức Kitô: "Ai bỏ vợ và cưới người khác, là phạm tội ngoại tình; ai bỏ chồng để lấy người khác thì cũng phạm tội ngoại tình" (x. Mc 10, 11-12).

Nếu hôn nhân lần đầu đã thành sự, Hội Thánh không thể công nhận liên kết mới là thành sự. Nếu những người đã ly dị, tái hôn theo luật đời, họ rơi vào tình trạng khách quan đi ngược lại luật Thiên Chúa. Vì thế, bao lâu còn sống trong tình trạng này, họ không được rước lễ. Cũng vậy, họ không thể đảm nhận một số trách nhiệm trong Hội Thánh.

Chỉ những người hối hận vì mình đã vi phạm đến dấu chỉ giao ước và sự trung thành với Đức Kitô, và cam kết sống tiết dục trọn vẹn, mới được giao hòa nhờ bí tích Thống Hối.

Đối với những tín hữu đang sống trong hoàn cảnh như vậy, vẫn giữ đức tin và ao ước giáo dục con cái theo tinh thần công giáo, linh mục và cộng đoàn phải có thái độ ân cần đặc biệt, để họ đừng coi như bị tách lìa khỏi Hội Thánh và nếp sống tín hữu mà họ có thể và phải giữ vì đã được rửa tội:
"Họ được mời gọi nghe Lời Chúa, tham dự hy tế thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, góp phần vào các công cuộc bác ái và các sáng kiến của cộng đoàn để phục vụ công lý, giáo dục con cái trong đức tin công giáo, vun trồng tinh thần sám hối và làm các việc đền tội, để ngày qua ngày thành khẩn nài xin ân sủng Thiên Chúa (ĐGH Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, Tông Huấn Gia Đình 84).

Sẵn sàng đón nhận con cái Chúa ban

Mens ad fecunditatem aperta

"Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu lứa đôi quy hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh hoàn thành hôn nhân" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 48):
"Con cái là ân huệ cao quý nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ. Thiên Chúa đã phán: "Đàn ông ở một mình không tốt" (St 2,18). Người là Đấng: "... từ buổi đầu, đã dựng nên một người nam và một người nữ" (Mt 19,4); chính Người muốn thông ban cho con người cộng tác một phần đặc biệt vào công việc tạo dựng của Người, Người đã chúc lành cho người nam và người nữ rồi nói: "Các ngươi hãy tăng gia sinh sản" (St 1,28).

Do đó, việc thể hiện đích thực tình yêu vợ chồng cũng như toàn thể tổ chức đời sống gia đình phát sinh từ việc thể hiện ấy, đều nhằm giúp đôi vợ chồng can đảm sẵn sàng cộng tác với tình yêu của Đấng Tạo Hóa và Cứu Thế, mặc dù không loại bỏ các mục đích khác của hôn nhân. Nhờ đời sống lứa đôi, Người làm cho gia đình của Người ngày càng tiến triển và phong phú" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ  Gaudium et spes, 50).

Tình yêu vợ chồng còn phong phú nhờ những hoa quả của đời sống luân lý, tinh thần và siêu nhiên được cha mẹ truyền cho con cái qua việc giáo dục (CĐ Vaticanô II, Tuyên ngôn Gravissimum educationis, 3). Theo nghĩa này, mục tiêu nền tảng của hôn nhân và gia đình là phục vụ cho sự sống (ĐGH Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, Tông Huấn Gia Đình 28).

Những cặp vợ chồng không được Thiên Chúa ban cho có con cái, cũng vẫn có thể có được cuộc đời phu phụ đầy ý nghĩa, xét về nhân bản cũng như xét theo kitô giáo. Cuộc hôn nhân của họ có thể toả sáng bằng sự phong phú của bác ái, đón nhận và hy sinh.