HY TẾ BÍ TÍCH: TẠ ƠN, TƯỞNG NIỆM, HIỆN DIỆN

    Xem nhanh

 

Sacrificium sacramentale: gratiarum actio, memoriale, praesentia  

 

Ngay từ thuở ban đầu, các Kitô hữu đã cử hành thánh lễ với một hình thức cơ bản không thay đổi, dù có trải qua bao nhiêu thời gian và nghi thức phụng vụ khác nhau. Họ thực thi như thế vì cảm thấy có trách nhiệm đối với mệnh lệnh Chúa đã trao trong đêm trước khi Người chịu khổ nạn: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy" (1 Cr 11,24-25).

Chúng ta chỉ chu toàn mệnh lệnh của Chúa, khi cử hành lễ tưởng niệm hy tế của Người. Chúng ta dâng lên Chúa Cha những gì mà chính Người đã ban cho chúng ta: nhờ lời của Đức Kitô và quyền năng của Thánh Thần, những tặng phẩm của thiên nhiên là bánh và rượu trở nên Mình và Máu Đức Kitô. Như thế, Đức Kitô thực sự hiện diện và hiện diện một cách huyền nhiệm.

Do đó, chúng ta sẽ phải xem bí tích Thánh Thể là:
- lời tạ ơn và ca ngợi Thiên Chúa Cha;
- tưởng niệm hy tế của Đức Kitô và Nhiệm Thể của Người;
- sự hiện diện của Đức Kitô, nhờ quyền năng của Lời và Thánh Thần của Người.

Tạ ơn và ca ngợi Chúa Cha

Gratiarum actio et laus Patri

Thánh Thể là bí tích cứu độ được Đức Kitô hoàn tất trên thập giá, đồng thời cũng là hy tế tạ ơn và ca ngợi công trình của Đấng Sáng Tạo. Trong hy tế Thánh Thể, Đức Kitô dâng toàn thể công trình sáng tạo được Thiên Chúa yêu thương lên trước nhan thánh Chúa Cha qua cái chết và sự phục sinh của mình. Nhờ Người, Hội Thánh có thể dâng hy tế tạ ơn và ca ngợi vì tất cả những chân thiện mỹ Thiên Chúa đã làm cho vũ trụ và cho con người.

Bí tích Thánh Thể là hy tế tạ ơn Chúa Cha, là lời chúc tụng Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa để tỏ lòng tri ân vì mọi điều thiện hảo Người đã thực hiện qua công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa. Bí tích Thánh Thể trước hết là "hy tế tạ ơn".

Bí tích Thánh Thể còn là hy tế ca ngợi, nhờ đó Hội Thánh dâng lên lời ca ngợi vinh quang Thiên Chúa nhân danh toàn thể thọ sinh. Hy tế ca ngợi này chỉ có thể thực hiện cách trọn hảo nhờ Đức Kitô: Người hiệp nhất mọi tín hữu với Người, với lời ca ngợi và chuyển cầu của Người; đến nỗi, hy tế ca ngợi Chúa Cha phải được dâng lên nhờ Người, với Người để được chấp nhận trong Người.

Tưởng niệm hy tế của Đức Kitô và của Thân Thể Người là Hội Thánh

Memoriale sacrificale Christi Eiusque corporis, Ecclesiae

Bí Tích Thánh Thể Tưởng Niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, hiện tại hóa và dâng tiến cách bí tích hy tế duy nhất của Người trong Phụng Vụ của Hội Thánh là Thân Thể Người. Trong các kinh nguyện Thánh Thể, sau phần tường thuật việc lập bí tích Thánh Thể và phần hiến thánh, bao giờ cũng có một kinh Tưởng Niệm.

Theo Thánh Kinh, Tưởng Niệm không chỉ là nhớ lại những biến cố đã qua, mà còn là loan báo những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện cho nhân trần. Khi cử hành phụng vụ, những biến cố này hiện diện sống động giữa cộng đoàn. Dân Israel hiểu cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập như sau: khi dân Chúa cử hành lễ Vượt Qua, các biến cố thời Xuất Hành lại hiện diện sống động trong ký ức, để họ căn cứ vào đó mà điều chỉnh cuộc sống của mình.

Sang thời Tân Ước, Tưởng Niệm mang một ý nghĩa mới. Khi cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh tưởng nhớ cuộc Vượt Qua của Đức Kitô; lúc đó, cuộc Vượt Qua này trở nên hiện diện giữa cộng đoàn, vì lễ tế của Đức Kitô trên thập giá chỉ dâng một lần là đủ và luôn sống động để đem lại ơn cứu độ. "Mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, lúc đó Chúa Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta chịu hiến tế, thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3).

Vì là lễ Tưởng Niệm cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, Thánh Thể cũng là một hy lễ. Tính chất hy tế thể hiện rõ trong những lời truyền phép: "Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con". "Này là chén Máu Thầy, Máu Giao Ước Mới sẽ đổ ra cho các con và mọi người được tha tội"(Lc 22, 19-20). Trong bí tích Thánh Thể, Đức Kitô ban chính thân mình đã tự hiến trên thập giá vì chúng ta, ban chính máu Người đã đổ ra "cho mọi người được tha tội" (Mt 26,28).

Thánh lễ là một hy tế vì hiện tại hóa hy tế thập giá, vì tưởng niệm và ban phát các hiệu quả của hy tế này:
"Đức Kitô là Thiên Chúa và Chúa chúng ta, đã tự hiến trên bàn thờ thập giá, cho Chúa Cha một lần dứt khoát. Người đã chết như Vị Chuyển Cầu cho chúng ta, để đem lại ơn cứu chuộc muôn đời cho nhân loại. Tuy nhiên, chức tư tế của Đức Kitô không chấm dứt khi Người chết (x. Dt 7,24.27).

Trong bữa Tiệc Ly, vào đêm bị nộp (1Cr 11,23), Người muốn để lại cho Hội Thánh, Hiền Thê yêu dấu của Người, một hy tế hữu hình, vì bản tính con người cần như vậy. Hy tế đẫm máu đã được thực hiện một lần duy nhất trên thập giá này được tái diễn và tưởng niệm cho đến tận thế (x. 1Cr 11,23), đem lại sức mạnh cứu độ tha thứ mọi tội lỗi chúng ta hằng phạm" (x. CĐ Trentô, DS 1740).

Hy tế của Đức Kitô và hy tế Thánh Thể chỉ là một. Lễ vật duy nhất là Đức Kitô, xưa chính Người dâng trên thập giá, nay được dâng lên nhờ thừa tác vụ linh mục. Chỉ khác biệt ở cách dâng: "Vì trong hy lễ thần linh được cử hành trong thánh lễ, Chính Đức Kitô, Đấng đã một lần dâng mình bằng cách đổ máu trên bàn thờ thập giá, cũng hiện diện và được sát tế mà không đổ máu, nên hy tế này thực sự có giá trị đền tội." (CONCILUM TRIDENTINUM, Sess. 22a. Doctrina de ss. Missac sacrificio, c.2: DS 1743)

Thánh lễ cũng là hy tế của Hội Thánh. Là Thân Thể của Đức Kitô, Hội Thánh tham dự vào lễ tế của Đức Kitô là Đầu. Cùng với Người, Hội Thánh cũng được dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cha. Hội Thánh hiệp nhất với Đức Kitô để chuyển cầu cho toàn thể nhân loại.

Trong thánh lễ, hy tế của Đức Kitô trở thành hy tế của mọi chi thể trong Thân Thể. Đời sống, lời ca ngợi, đau khổ, kinh nguyện, công việc của các tín hữu đều được kết hợp với Đức Kitô và với lễ dâng toàn hiến của Người; nhờ đó tất cả có được một giá trị mới. Hy tế của Đức Kitô hiện diện trên bàn thờ đem lại cho muôn thế hệ Kitô hữu khả năng được kết hợp với lễ dâng của Người.
Trong các hang toại đạo, các Kitô hữu thường trình bày Hội Thánh dưới hình một phụ nữ đang cầu nguyện, hai cánh tay mở rộng trong tư thế cầu khẩn. Như Đức Kitô dang tay trên thập giá, Hội Thánh dâng mình và chuyển cầu cho toàn thể nhân loại, nhờ Người, với Người và trong Người.

Toàn thể Hội Thánh kết hiệp với Đức Kitô trong việc hiến dâng và chuyển cầu. Được trao phó thừa tác vụ của Phêrô trong Hội Thánh, Đức Giáo Hoàng liên kết với mọi cử hành thánh lễ; trong thánh lễ, ngài được nhắc đến như là dấu chỉ và là người phục vụ sự hiệp nhất của Hội Thánh toàn cầu. Vị giám mục giáo phận luôn chịu trách nhiệm về thánh lễ, dù thánh lễ do một linh mục cử hành; ngài được nhắc đến trong thánh lễ như thủ lãnh của giáo phận, giữa hàng linh mục và phó tế. Cộng đoàn còn cầu nguyện cho các thừa tác viên đang dâng lễ cho cộng đoàn và cùng với cộng đoàn:
"Thánh lễ chỉ được coi là hợp pháp khi cử hành dưới sự chủ tọa của giám mục hay người được ngài giao trách nhiệm" (Thánh Ignatiô Antiôchia).
"Nhờ thừa tác vụ của các linh mục, hy tế thiêng liêng của các tín hữu được hoàn tất vì kết hợp với hy tế của Đức Kitô, Đấng Trung Gian Duy Nhất. Nhân danh Hội Thánh, hy tế này nhờ tay các linh mục được hiến dâng một cách bí tích và không đổ máu, cho tới khi Chúa lại đến" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum Ordinis, 2).

Không phải chỉ những tín hữu còn tại thế, mà cả những vị được hưởng vinh quang trên trời cũng được kết hợp với hy tế của Đức Kitô. Hội Thánh dâng lễ trong tâm tình kính nhớ và "hiệp thông cùng với Đức Trinh Nữ Maria, Thánh Mẫu của Thiên Chúa, các tông đồ và toàn thể các thánh". Trong thánh lễ, cùng với Đức Maria, Hội Thánh như đang đứng dưới chân Thánh Giá, kết hợp với Đức Kitô trong việc hiến dâng và chuyển cầu.

Thánh lễ cũng được dâng lên để cầu cho các tín hữu đã qua đời, "những người đã chết trong Đức Kitô và chưa được thanh luyện trọn vẹn", để họ được vào hưởng ánh sáng và bình an của Đức Kitô:
"Con hãy chôn xác mẹ bất cứ đâu, đừng lo lắng gì chuyện đó. Tất cả những gì mẹ xin con là: dù ở đâu, con hãy nhớ tới mẹ khi dự Tiệc Thánh" (Lời thánh nữ Mônica, trước khi chết, trối cho anh em thánh Augustinô, Tự Thuật 9,11,27).
"Trong kinh Tạ Ơn, chúng ta cầu cho các giáo hoàng và giám mục đã qua đời, nói chung, cầu cho mọi người đã an nghỉ. Chúng ta tin rằng các linh hồn sẽ được hưởng nhiều ơn ích nếu chúng ta cầu cho họ khi Đức Kitô, Chiên Hy Tế cực thánh cực trọng đang hiện diện... Khi khẩn cầu cho những người đã an giấc, dù họ còn là tội nhân, chúng ta dâng lên Thiên Chúa chính Đức Kitô, Đấng đã hiến mình vì tội lỗi chúng ta, để Người giao hòa họ và chúng ta với Thiên Chúa, Đấng yêu thương con người" (Thánh Cyrillô giám mục Giêrusalem, Giáo lý thần thiêng 5,9.10.)

Giáo lý trên thúc giục chúng ta tham dự trọn vẹn hơn vào hy tế của Đấng Cứu Chuộc khi cử hành thánh lễ. Thánh Augustinô tóm tắt giáo lý này như sau:
"Toàn thể cộng đoàn được cứu chuộc tức là cộng đoàn dân thánh hay thành đô thiên quốc, được dâng lên Thiên Chúa như một hy tế phổ quát nhờ vị Thượng tế, Đấng mang thân nô lệ và tự hiến vì chúng ta trong cuộc khổ nạn, nhờ đó chúng ta trở nên thân thể của vị Thủ lãnh chí tôn... Đây là hy tế của các Kitô hữu: "Tuy nhiều nhưng chỉ một thân thể trong Đức Kitô" (Rm 12,5). Hội Thánh vẫn hiến dâng hy tế này trong bí tích Thánh Thể. Trong bí tích này, Hội Thánh nhận biết rằng qua của lễ tiến dâng lên, Hội Thánh cũng dâng chính mình" (Thánh Augustinô, De civitate Dei, Thành đô thiên quốc 10,6).

Đức Kitô hiện diện nhờ quyền năng của Lời Người và Thánh Thần

Christi praesentia per Eius verbi et Spiritus Sancti virtutem

"Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, đã sống lại và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta" (Rm 8,34). Đối với Hội Thánh, Người hiện diện dưới nhiều hình thức: trong Lời Chúa; trong kinh nguyện của Hội Thánh, "ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy" (Mt 18,20); trong những người nghèo khổ, đau yếu, tù đày (Mt 25,31-46); trong các bí tích do Người thiết lập; trong hy tế thánh lễ và nơi thừa tác viên; "nhất là Người hiện diện thực sự dưới hai hình Thánh Thể" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 48,7).

Cách thức Đức Kitô hiện diện dưới các hình dạng Thánh Thể là cách độc nhất vô nhị. Người đặt bí tích Thánh Thể trên mọi bí tích để trở nên "như sự trọn hảo của đời sống thiêng liêng và cùng đích của mọi bí tích" (Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, Tổng luận Thần học III, q.73, a.3).

Trong bí tích cực thánh, "có sự hiện diện đích thực, thực sự và bản thểcủa Mình và Máu Đức Kitô, cùng với linh hồn và thiên tính của Người, nghĩa là Đức Kitô trọn vẹn" (x. CĐ Trentô, DS 1651). "Sự hiện diện này được gọi là "thực sự", không có nghĩa là Đức Kitô không hiện diện thực sự trong những cách khác; nhưng đây là cách hiện diện đầy đủ nhất vì là sự hiện diện bản thể, và nơi đây có Đức Kitô, vừa là Thiên Chúa vừa là con người, hiện diện trọn vẹn" (ĐGH Phaolô VI, Thông điệp Mysterium Fidei, 39).

Trong bí tích này, Đức Kitô hiện diện nhờ sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Người. Các giáo phụ khẳng định Hội Thánh tin rằng sự biến đổi này có được là nhờ hiệu quả của lời Đức Kitô và tác động của thánh Thần. Thánh Gioan Kim Khẩu tuyên bố:

"Không phải con người làm cho các lễ vật trở thành Mình và Máu Đức Kitô, nhưng do chính Đức Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh vì chúng ta. Vị linh mục, hiện thân của Đức Kitô, đọc lời truyền phép, nhưng hiệu quả và ân sủng là do Thiên Chúa. Chính lời "Này là Mình Thầy" biến đổi các lễ vật".

Thánh Ambrôsiô nói về sự biến hoá như sau:

Et sanctus Ambrosius de hac conversione ait:

"Đây không phải là vấn đề bản tính tự nhiên, nhưng do lời truyền phép thánh hiến. Hiệu lực của lời truyền phép vượt trên và biến đổi cái tự nhiên... Lời Đức Kitô có khả năng sáng tạo từ hư không, chẳng lẽ lời đó lại không biến đổi những sự vật đang có thành những sự khác được sao? Biến đổi một vật thì dễ hơn sáng tạo ra nó" (Các mầu nhiệm 9,50,52).

Công Đồng Trentô tóm tắt đức tin công giáo bằng tuyên tín: "Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, đã phán dạy: điều Người dâng lên dưới hình bánh, đích thực là Thân Mình Người. Hội Thánh luôn luôn xác tín như vậy, và Thánh Công Đồng một lần nữa tuyên bố: nhờ lời truyền phép trên bánh rượu, trọn vẹn bản thể bánh biến thành bản thể Mình Thánh Chúa Kitô và trọn vẹn bản thể rượu biến thành bản thể Máu Thánh Người; Hội Thánh công giáo gọi việc biến đổi một cách đúng đắn và chính xác này là biến bản thể" (CĐ Triđentinô, DS 1642)

Đức Kitô hiện diện trong Thánh Thể bắt đầu từ lúc truyền phép và kéo dài bao lâu hình bánh rượu còn tồn tại. Trong hình bánh cũng như trong hình rượu, Đức Kitô hiện diện trọn vẹn. Và trong bất cứ phần nhỏ bé nào cũng có trọn vẹn Mình và Máu Chúa. Việc bẻ bánh không phân chia Đức Kitô (CĐ Trentô, DS 1641).

Tôn thờ Thánh Thể. Trong thánh lễ, chúng ta bày tỏ niềm tin vào sư hiện diện thực sự của Đức Kitô dưới hình bánh rượu, bằng cách bái gối hay cúi mình sâu để tỏ lòng tôn thờ Chúa. "Hội Thánh công giáo luôn tôn thờ Thánh Thể, không chỉ trong mà còn ngoài thánh lễ nữa, bằng cách bảo quản cẩn thận bánh rượu đã truyền phép, đặt Mình Thánh cho các tín hữu tôn thờ cách long trọng, rước kiệu Mình Thánh" (ĐGH Phaolô VI, Thông điệp Mysterium Fidei, 56).

Nhà Tạm dùng để bảo quản Thánh Thể cách xứng hợp, hầu có sẵn Thánh Thể cho bệnh nhân và những người vắng mặt không dự lễ. Để đào sâu đức tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể, Hội Thánh coi trọng việc thinh lặng tôn thờ Chúa đang ngự trong Mình Thánh. Vì thế, Nhà Tạm phải đặt nơi xứng đáng nhất trong nhà thờ, phải được thiết kế như thế nào để nhấn mạnh và biểu lộ sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong bí tích cực thánh này.

Việc Đức Kitô muốn hiện diện với Hội Thánh bằng phương cách độc đáo này có một ý nghĩa sâu xa. Khi sắp ra đi, không còn hiện diện hữu hình với những người thân yêu, Đức Kitô muốn ban cho chúng ta sự hiện diện bí tích của Người; khi sắp tự hiến trên thập giá để cứu độ chúng ta, Người muốn để lại cho chúng ta dấu chỉ tưởng niệm tình yêu; với tình yêu này, Người đã yêu thương ta "đến cùng" (Ga 13,1), đến độ ban cho chúng ta cả sự sống của Người.

Trong bí tích Thánh Thể, Người hiện diện cách mầu nhiệm giữa chúng ta như "Đấng đã yêu mến và thí mạng vì chúng ta" (Gl 2,20), Người hiện diện qua những dấu chỉ biểu lộ và thông ban tình yêu này:

 

"Hội Thánh và thế giới rất cần tôn thờ Thánh Thể. Đức Giêsu đang chờ chúng ta trong bí tích tình yêu này. Phải dành thời gian đến gặp gỡ, tôn thờ và chiêm ngưỡng Người với tất cả lòng tin và ước mong đền tạ muôn lỗi lầm thiếu sót của nhân gian. Hãy luôn tôn thờ Thánh Thể" (ĐGH Gioan Phaolô II, Thư Dominicae Cenae, Bữa tiệc của Chúa 3).

Thánh Tôma đã dạy: "Về sự hiện diện của Mình thật và Máu thật Đức Kitô trong bí tích này, ta không thể nhận biết bằng giác quan, nhưng bởi tin vào thẩm quyền của Thiên Chúa mà thôi. Chính vì thế, thánh Cyrillô đã chú giải bản văn Luca 22,19 "Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con" như sau: "Bạn đừng thắc mắc xem có thật không, tốt hơn nên tin tưởng đón nhận lời của Chúa vì Người là Chân Lý, không bao giờ lừa dối" (ĐGH Phaolô VI, Thông điệp Mysterium Fidei, 18; Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, Tổng luận Thần học III, q. 75, a. 1)

"Lạy Chúa, con thờ lạy Chúa Đang náu thân trong hình bánh rượu.
Tâm hồn con thuộc trọn về Chúa,
Không mong gì hơn được chiêm ngưỡng Chúa.
Giác quan không cảm được Người,
Con chỉ biết tin vào lời Người dạy.
Con tin muôn lời từ Con Thiên Chúa;
Không gì xác thực hơn lời Chân Lý này."