HÔN NHÂN TRONG KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA

    Xem nhanh

"Do hôn ước, người nam và người nữ tạo nên một cộng đồng sống chung suốt đời, tự bản tính hôn ước hướng về thiện ích của đôi vợ chồng và việc sinh sản cùng giáo dục con cái. Đức Kitô đã nâng hôn ước giữa những người đã chịu phép Thánh Tẩy lên hàng bí tích" (x. CIC, 1055,1).

 


I. HÔN NHÂN TRONG KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA

Matrimonium in consilio Dei

Kinh Thánh mở đầu với việc Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ theo hình ảnh và giống như Người (x. St 1,26-27) và kết thúc với viễn ảnh về "đám cưới Con Chiên" (x. Kh 19,7.9). Từ đầu đến cuối, Kinh Thánh nói về hôn nhân và "mầu nhiệm" hôn nhân, về việc thiết lập và ý nghĩa mà Thiên Chúa đã ban cho nó, về nguồn gốc và mục đích của hôn nhân, về những biến chuyển qua dòng lịch sử cứu độ, về những khó khăn do tội và việc canh tân trong Chúa (1Cr 7,39), trong Giao Ước Mới giữa Đức Kitô và Hội Thánh (x. Ep 5,31-32).

Hôn nhân trong trật tự sáng tạo 

Matrimonium in creationis ordine

"Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng... chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 48). Vì Thiên Chúa đã tạo dựng người nam và người nữ, nên ơn gọi hôn nhân được ghi khắc ngay trong bản tính của họ. Hôn nhân không phải là một định chế thuần túy nhân loại, mặc dầu qua bao nhiêu biến đổi trải dài qua các thời đại, trong các nền văn hoá, cơ cấu xã hội và thái độ tâm linh khác nhau. Những sự khác biệt này không được làm chúng ta quên đi những nét chung và thường tồn.

Mặc dù phẩm giá của định chế ấy không phải ở đâu cũng sáng tỏ như nhau, trong tất cả các nền văn hoá, có một ý nghĩa chắc chắn về sự cao quý của hôn nhân. "Vì sự lành mạnh của con người cũng như của xã hội nhân loại và Kitô giáo liên kết chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đoàn hôn nhân và gia đình" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 47).

Vì yêu thương, Thiên Chúa đã dựng nên con người và mời gọi con người đi vào tình thương, đó là ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của con người. Con người được dựng nên theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa (x. St 1,27) là Tình Yêu (x. 1Ga 4,8.16).

Vì Chúa đã dựng nên người nam và người nữ, nên tình yêu hỗ tương giữa họ trở thành hình ảnh của tình yêu tuyệt đối và bền vững mà Thiên Chúa dành cho con người. Dưới mắt Đấng Tạo Hóa thì tình yêu này tốt, rất tốt (x. St 1,31). Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu hôn nhân để nó được trở nên sung mãn và thể hiện trong việc bảo tồn công trình sáng tạo: "Thiên Chúa chúc phúc cho họ, Người phán: hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất" (St 1,28).

Thánh Kinh khẳng định người nam người nữ được tạo dựng cho nhau: "Con người ở một mình thì không tốt". Người nữ là "xương thịt bởi xương thịt" người nam, ngang hàng và gần gũi với người nam. Thiên Chúa đã ban người nữ cho người nam như một "trợ tá", như "chính Chúa đến trợ giúp người nam" (x. Tv 121,2). "Vì thế, người nam lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt" (x. St 2,24). Sự hợp nhất bền vững giữa hai người nam nữ được Đức Kitô nói rõ khi nhắc lại ý định "từ nguyên thủy" của Đấng Sáng Tạo. Họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt" (Mt 19,6).

Hôn nhân dưới ách tội lỗi

Matrimonium sub peccati regimine

Mọi người đều có kinh nghiệm về sự dữ chung quanh mình và nơi chính mình. Kinh nghiệm này cũng rõ trong các mối tương quan giữa người nam và người nữ. Qua các thời đại, sự hiệp nhất của hôn nhân bị đe dọa bởi bất hoà, óc thống trị, bất trung, lòng ghen tuông và những xung đột có thể đưa đến hận thù và đoạn tuyệt. Sự xáo trộn này có thể bộc lộ nhiều hay ít và có thể khắc phục nhiều ít tùy theo văn hoá, thời đại và cá nhân, nhưng hình như đây là chuyện chung của nhân loại.


Theo đức tin, xáo trộn đau xót này không xuất phát từ bản tính của người nam và người nữ, cũng không do bản chất của các mối tương quan giữa họ, mà do tội lỗi. Sự đổ vỡ với Thiên Chúa do nguyên tội dẫn đến hậu quả là phá vỡ sự hiệp thông nguyên thủy giữa người nam và người nữ. Tương quan giữa hai người bị xáo trộn do việc đổ lỗi cho nhau (x. St 3,12); sự hấp dẫn phái tính là hồng ân riêng của Đấng Sáng Tạo (x. St 2,22) biến thành tương quan thống trị và ham muốn (x. St 3,16b); việc sinh sôi nảy nở và thống trị mặt đất (x. St 1,28) vốn là ơn gọi cao đẹp của người nam và người nữ, trở nên nặng nề vì những đau đớn khi sinh con và cực nhọc khi kiếm ăn (x. St 3,16-19).

Trật tự của công trình sáng tạo vẫn tồn tại dù bị xáo trộn nặng nề. Để chữa lành những vết thương do tội lỗi, người nam cũng như người nữ cần đến Chúa trợ giúp bằng ân sủng mà với lòng nhân hậu vô biên, Người không bao giờ từ chối ban cho họ (St 3,21). Không có sự trợ giúp này, người nam và người nữ không thể đạt tới sự hoà hợp trong cuộc sống như Thiên Chúa đã muốn ngay từ "ban đầu khi dựng nên họ".

Hôn nhân dưới Lề Luật của Giáo Ước Cũ

Matrimonium sub Legis paedagogia

Thiên Chúa nhân từ không bỏ con người tội lỗi. Những đau khổ do tội như "đau đớn khi sinh con" (x. St 3,16), lao động "đổ mồ hôi trán" (St 3,19) là những phương thuốc giảm bớt những tác hại của tội. Sau khi con người sa ngã, hôn nhân giúp vượt thắng tình trạng co cụm, ích kỷ, tìm khoái lạc riêng để sẵn sàng mở ra với tha nhân, tương trợ và hiến thân cho nhau.

Ý thức đạo đức về sự duy nhất và bất khả phân ly của hôn nhân được phát triển dần trong Cựu Ước. Tục đa thê của các tổ phụ và vua chúa chưa được đẩy lui rõ rệt. Nhưng luật Môisen bênh vực người nữ khỏi bị người nam áp chế. Dầu vậy, như Đức Kitô nói luật Cựu Ước còn mang những dấu vết của "sự cứng lòng" của người nam, do đó Môisen đã cho phép bỏ vợ (x. Mt 19,8; Đnl 24,1).

Khi nhìn giao ước của Chúa với Israel dưới hình ảnh của một tình yêu hôn nhân độc hữu và chung thủy (x. Hs 1-3; Is 54; 62; Gr 2-3; 31, Ed 16;23), các ngôn sứ đã dọn lòng Dân Tuyển Chọn để họ ý thức sâu xa về tính duy nhất và bất khả phân ly của hôn nhân (x. Ml 2,13-17). Sách Rúth và Tôbia đã nêu lên những chứng từ cảm động về ý nghĩa cao qúy của hôn nhân, của lòng chung thủy và sự âu yếm của vợ chồng. Truyền thống luôn nhận thấy trong sách Diễm Ca lời diễn tả tình yêu con người theo nghĩa là phản ánh tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu "mãnh liệt như sự chết" mà "thác lũ không dập tắt được" (Dc 8,6-7).

Hôn nhân trong Chúa

Matrimonium in Domino

Giao ước giữa Thiên Chúa và dân Israel theo hình ảnh hôn nhân, chuẩn bị một giao ước mới vĩnh cửu. Trong giao ước này, Con Thiên Chúa khi nhập thể và hiến mạng mình đã liên kết với toàn nhân loại được Người cứu chuộc (CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 22). Qua đó, Người chuẩn bị cho tiệc cưới của Con Chiên (Kh 19,7.9)

Khởi đầu đời sống công khai, Đức Kitô thực hiện dấu chỉ đầu tiên trong lễ cưới, theo lời yêu cầu của Mẹ Maria (x. Ga 2,1-11). Hội Thánh coi việc Đức Kitô hiện diện trong tiệc cưới Cana có một tầm quan trọng đặc biệt. Hội Thánh nhìn sự kiện này như Lời Chúa xác nhận hôn nhân là việc tốt và công bố hôn nhân từ đây là dấu chỉ hữu hiệu về sự hiện diện của Đức Kitô.

Trong khi rao giảng, Đức Kitô cho thấy rõ ràng ý nghĩa nguyên thủy của việc phối hợp giữa người nam và người nữ như thuở ban đầu Đấng Sáng Tạo đã muốn. Việc Môisen cho phép bỏ vợ là một nhượng bộ trước lòng chai dạ đá của người nam (Mt 19,8). Đúng ra, sự phối hợp hôn nhân là bất khả phân ly: chính Thiên Chúa đã quyết định như vậy:  "Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly" (Mt 19,6)

Khi Đức Kitô nhấn mạnh rõ ràng hôn nhân là bất khả phân ly, nhiều người ngỡ ngàng và coi đó là một đòi hỏi không thể thực hiện được (x. Mt 19,10). Tuy nhiên, Đức Kitô đã không đặt cho các đôi vợ chồng một gánh quá nặng không thể mang nổi (x. Mt 11, 29-30), nặng hơn luật Môisen. Khi tái lập trật tự ban đầu của công trình sáng tạo đã bị tội lỗi làm xáo trộn, Người đã ban sức mạnh và ân sủng để các đôi vợ chồng sống đời hôn nhân trong chiều kích mới của Nước Thiên Chúa.

Khi từ bỏ mình và vác thập giá theo Đức Kitô (x. Mc 8,34) các đôi vợ chồng "có thể hiểu được" (x. Mt 19,11) ý nghĩa nguyên thủy của hôn nhân và sống đời hôn nhân nhờ sự trợ giúp của Đức Kitô. Ân sủng của hôn nhân Kitô giáo là hoa quả của Thánh Giá Đức Kitô, nguồn mạch mọi đời sống kitô hữu.

Thánh Phaolô cho thấy điều đó khi nói: "Người làm chồng hãy yêu thương vợ như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh, và hiến mình vì Hội Thánh để Người thánh hoá Hội Thánh" (Ep 5,25-26). Ngài còn nói thêm: "Chính vì thế, người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh" (Ep 5,31-32).

Toàn bộ đời sống Kitô giáo mang dấu ấn của tình yêu "hôn nhân" giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Bí tích Thánh Tẩy, cửa ngõ dẫn vào dân Thiên Chúa, đã là mầu nhiệm "hôn nhân", nên cũng được gọi là "thanh tẩy chuẩn bị hôn nhân" (x. Ep 5,26-27) trước khi dự tiệc cưới là bí tích Thánh Thể. Hôn nhân Kitô giáo là dấu chỉ hữu hiệu, là bí tích của giao ước giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Hôn nhân giữa hai người đã được rửa tội là một bí tích thực sự của Giao Ước Mới, vì biểu thị và thông ban ân sủng cho họ (CĐ Triđentinô, DS 1800; CIC 1055,1).

Khiết tịnh vì Nước Trời

Virginitas propter Regnum

Đức Kitô là trọng tâm của toàn bộ đời sống Kitô giáo. Phải coi trọng mối liên kết với Chúa hơn mọi mối liên kết khác, dù là gia đình hoặc xã hội (x. Lc 14,26; Mc 10,28-31). Ngay thuở ban đầu của Hội Thánh, đã có những người nam và nữ từ bỏ sự tốt lành của đời sống hôn nhân để theo Con Chiên bất cứ nơi nào (x. Kh 14,4), chuyên lo việc của Chúa, tìm cách làm đẹp lòng Người (x. 1Cr 7,32), và sẵn sàng để đón Tân Lang đang đến (x. Mt 25,6). Đức Kitô đã mời gọi một số người sống theo gương mẫu của Người:
"Có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu" (Mt 19,12).

Khiết tịnh vì Nước Trời là một hoa trái đặc biệt của ân sủng bí tích Thánh Tẩy, một dấu chỉ nổi bật về sự trổi vượt của mối liên kết với Đức Kitô, sự nóng lòng chờ đợi Chúa lại đến, và là một dấu chỉ nhắc nhớ hôn nhân là một thực tại của một thế giới đang qua đi (x.Mc 12,25; 1Cr 7,31).

Bí tích Hôn Phối và đời sống Khiết Tịnh vì Nước Trời đều phát xuất từ Đức Kitô. Người đem lại cho hai lối sống này ý nghĩa và ban ân sủng cần thiết để ở bậc nào người ta cũng có thể sống đúng theo thánh ý Người (x.Mt 19,3-12). Vừa phải đề cao đời sống khiết tịnh vì Nước Trời (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 42; Sắc lệnh Perfectae caritatis, 12; Sắc lệnh Optatam totius, 10) vừa phải tôn trọng hôn nhân công giáo. Chẳng vậy, chúng ta sẽ không hiểu được ý nghĩa và giá trị của cả hai:

Nếu hạ giá hôn nhân, thì đồng thời hạ giá đức khiết tịnh; nếu hôn nhân được ca ngợi, thì đức khiết tịnh cũng được đề cao... Điều gì chỉ tốt khi so sánh với điều xấu thì chưa phải là tốt thật, nhưng nếu tốt hơn những điều được công nhận là tốt, thì mới là điều tuyệt hảo (Thánh Gioan Kim Khẩu, về sự Khiết Tịnh, 10,1; ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 16).