HỘI THÁNH TẠI GIA

    Xem nhanh

Ecclesia domestica

 Đức Kitô đã muốn sinh ra và lớn lên trong gia đình thánh Giuse và Mẹ Maria. Hội Thánh là "gia đình của Thiên Chúa". Ngay từ đầu, Hội Thánh được hình thành thường từ những người "cùng với cả gia đình", trở thành tín hữu (x. Cv 18,8). Khi theo đạo, họ ao ước cho "cả nhà" được ơn cứu độ (x. Cv 16,3; 11,14). Những gia đình tín hữu này là những hòn đảo mang sự sống Kitô giữa một thế giới ngoại giáo.

Ngày nay, trong một thế giới thường hững hờ và có khi thù nghịch với đức tin, các gia đình tín hữu có tầm quan trọng hàng đầu, vì đó là những lò đức tin sống động và toả sáng. Bởi vậy, công đồng Vaticanô II đã gọi gia đình với danh xưng cổ xưa là “Giáo Hội tại gia”. Chính trong các gia đình, các bậc làm cha mẹ “bằng lời nói và gương sáng (…) đang là những vị rao giảng đức tin đầu tiên, cho con cái họ, phục vụ cho ơn gọi riêng của mỗi đứa con, đặc biệt là ơn gọi thánh thiêng. (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 11).

Gia đình là nơi thể hiện đặc biệt chức tư tế cộng đồng của người cha, người mẹ, con cái và mọi phần tử trong gia đình, "nhờ lãnh nhận các bí tích, kinh nguyện và tạ ơn, chứng từ đời sống thánh thiện, hy sinh và đức ái hữu hiệu" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10).

Gia đình là trường học đầu tiên về đời sống Kitô giáo và là "một trường học phát triển nhân tính" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 52). Chính trong gia đình, người ta học biết làm việc với sự nhẫn nại và niềm vui, yêu thương huynh đệ, quảng đại tha thứ luôn, nhất là phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và hy lễ đời sống.

Chúng ta cũng phải nhớ đến một số người, vì những hoàn cảnh sống cụ thể - thường là không muốn - phải sống hết sức gần gũi với Trái Tim Chúa Giêsu và đáng được Hội Thánh nhất là các mục tử, yêu thương cũng như đặc biệt quan tâm chăm sóc; đó là số đông những người sống độc thân. Nhiều người trong số này thường vì nghèo đã không thể lập gia đình. Có người đảm nhận cuộc sống này trong tinh thần Tám Mối Phúc Thật, phụng sự Thiên Chúa và anh em một cách gương mẫu.

Tất cả những người này phải được các gia đình là "Hội Thánh thu nhỏ" và gia đình lớn là "Hội Thánh" mở rộng cửa nhà đón tiếp. Trên đời này, không ai là không có gia đình: "Hội Thánh là nhà và là gia đình của tất cả mọi người, đặc biệt của những người "lao nhọc và gánh nặng" (Mt 11,28)" (ĐGH Gioan Phaolô II, Familiaris Consortio, Tông Huấn Gia Đình 85).

 


TÓM LƯỢC

Compendium

Thánh Phaolô nói: "Người làm chồng hãy yêu thương vợ như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh... Mầu nhiệm này thật cao cả, Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh" (Ep 5,25.32).

1660.
Hôn ước mà nhờ đó người nam và người nữ tạo nên một cộng đồng sự sống và tình yêu, đã được Đấng Sáng Tạo thiết lập và phú cho những luật riêng. Tự bản chất, hôn nhân hướng đến thiện ích của đôi vợ chồng, việc sinh sản và giáo dục con cái. Hôn nhân giữa những người đã chịu phép thánh tẩy được Chúa Kitô nâng lên hàng bí tích (CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 48; CIC 1055,1).
 

Bí tích Hôn Phối biểu thị sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Bí tích này ban ơn giúp các đôi phối ngẫu yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh. Ân sủng của bí tích kiện toàn tình yêu tự nhiên của các đôi phối ngẫu, củng cố sự hợp nhất bất khả phân ly của họ và thánh hóa họ trên đường tiến về đời sống vĩnh cửu


Hôn nhân đặt nền tảng trên sự ưng thuận của cả hai bên kết ước, nghĩa là trên ý muốn dứt khoát hiến thân cho nhau để sống giao ước tình yêu chung thủy và phong phú.

Hôn nhân đưa những người phối ngẫu vào một bậc sống trong Hội Thánh. Vì thế, nên cử hành hôn nhân cách công khai trong khung cảnh của một cử hành phụng vụ trước sự chứng kiến của linh mục (hay chứng nhân theo quy định của Hội Thánh), những người làm chứng và cộng đoàn tín hữu.

Đặc tính chính yếu của hôn nhân là đơn nhất, bất khả phân ly và đón nhận con cái. Tục đa thê nghịch lại tính đơn nhất của hôn nhân. Ly dị là phân ly điều Thiên Chúa phối hợp. Từ chối sinh sản, đời sống hôn nhân mất đi "hồng ân cao quý nhất" là con cái (CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 50).

Việc tái hôn của những người đã ly dị khi người phối ngẫu còn sống, nghịch lại ý định và lề luật của Thiên Chúa mà Chúa Kitô đã dạy. Những người này không bị tách ra khỏi Hội Thánh, nhưng không được rước lễ; họ vẫn sống đời Kitô hữu, nhất là giáo dục con cái trong đức tin.

Gia đình tín hữu là nơi con cái tiếp nhận nền móng đức tin. Vì vậy, gia đình được gọi rất đúng là Hội Thánh thu nhỏ" hay "Hội Thánh tại gia", cộng đồng ân sủng và cầu nguyện, trường học phát triển các đức tính tự nhiên và đức mến Kitô giáo.