Điều răn thứ hai - Điều răn thế mười (151H-227H)

    Xem nhanh

1. ĐIỀU RĂN THỨ HAI

Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ

1a. 151. H. Kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ là làm sao?

T. Là lấy tên Đức Chúa Trời mà thề khi chẳng có đủ lẽ.

1b. 152. H. Thề là gì?

T. Thề là lấy tên Đức Chúa Trời làm chứng lời mình nói có thật như vậy.

153. H. Thề mà lấy tên Đức Chúa Trời làm chứng có mấy cách?

T. Có hai cách: một là lấy tên Đức Chúa Trời làm chứng tỏ tường; hai là lấy tên Trời đất và những sự khác làm chứng cũng là như lấy tên Đức Chúa Trời vậy.

154. H. Lấy tên Trời đất cùng những sự khác mà thề, sao gọi là như lấy tên Đức Chúa Trời vậy?

T. Vì chưng Trời là như tòa Đức Chúa Trời ngự và đất là như ghế dưới chân Đức Chúa Trời vậy, còn những sự khác đều thuộc về quyền phép Đức Chúa Trời thay thảy.

155. H. Thề thật là gì?

T. Là khi có lòng ngay cùng nói thật mà thề.

156. H. Thề dối là gì?

T. Là khi mình có lòng gian cùng nói dối mà thề.

157. H. Thề dông dài là gì?

T. Là thề khi chưa xét sự mình thề có thật hay là chăng.

158. H. Có bao giờ nên thề chăng?

T. Khi nào có sự thật, sự trọng, sự cần, cùng cứ phép đạo mà thề thì nên.

159. H. Phạm tội về sự thề có mấy cách?

T. Có sáu cách này: Một là thề gian; hai là thề thật khi chẳng có sự trọng, sự cần, ba là thề dông dài; bốn là thề sự chẳng nên; năm là lấy tên bụt thần ma quỷ mà thề; sáu là bắt người ta thề trái lẽ, cùng kẻ giúp việc gì về sự thề trái lẽ làm vậy.

160. H. Kẻ thề làm sự chẳng nên, có phải giữ lời đã thề ấy chăng?

T. Chẳng phải giữ, vì kẻ thề làm vậy, thì đã phạm tội, mà nếu lại làm như lời đã thề thì lại pham tội khác nữa.

161. H. Còn tội nào về điều răn này nữa chăng?

T. Còn ba giông tội này nữa: Một là khinh dễ tên Đức Chúa Trời cùng Rất thánh Đức Bà và các Thánh; hai là kêu những tên cực trọng ấy vô ý vô tứ như khi nói chuyện trò mà chẳng có lòng kính; ba là chẳng giữ lời đã khấn hứa.

2. ĐiỀU THỨ BA

Giữ ngày Chúa Nhật

162. H. Điều răn thứ ba dạy giữ ngày nào ?

T. Điều răn thứ ba dạy giữ ngày đã chỉ mà thờ phượng Đức Chúa Trời.

163. H. Ngày đã chỉ mà thờ phượng Đức Chúa Trời là ngày nào?

T. Đời trước đã chỉ ngày thứ bảy, vì Đức Chúa Trời dựng nên muôn loài trong sáu ngày, mà đến ngày thứ bảy chẳng còn dựng nên loài nào khác nữa, thì như nghỉ ngơi vậy; song le từ các Thánh Tông đồ về sau, thì đã chỉ ngày thứ nhất.

164. H. Vì sao đã chỉ ngày thứ nhất?

T. Vì Đức Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết, đoạn đã sống lại ngày thứ nhất mà nghỉ ngơi đời đời.

165. H. Cho được giữ ngày nhất lễ lạy phải làm thế nào?

T. Thưa phải làm việc lành phúc đức mà thờ phượng Đức Chúa Trời, nhất là đi xem lễ khi có thể mà đi được.

166. H. Ngày nhất lễ lạy có nên làm việc về phần xác?

T. Chẳng nên: bằng cớ sự gì cần, thì phải xin phép Đấng Bề Trên khi có thể mà xin được, đoạn mới nên làm vì lề luật chung của Hội thánh buộc làm vậy.

167. H. Đấng Bề trên có được cho phép làm việc xác hết các ngày lễ cả quanh năm chăng?

T. Chẳng được, vì có sáu ngày lễ cả Tòa thánh chẳng ban quyền cho Đấng Bề Trên được tha phép làm việc xác; một là lễ Phục Sinh; hai là lễ Đức Chúa Giêsu lên Trời; ba là lễ Hiện Xuống; bốn là lễ Đức Bà lên Trời; năm là lễ Các Thánh; Sáu là lễ Sinh Nhật Đức Chúa Giêsu.

168. H. Những ngày lễ Bề trên được quyền tha phép làm việc xác, thì được tha thế nào?

T. Được tha thế này, là những bổn đạo khó khăn có muốn làm việc ngày lễ cả, thì phải xin phép người, ít là một năm một lần, người mới tha phép làm cả ngày, song vốn buộc phải xem lễ, bằng không xem lễ được thì buộc phải lần hạt năm chục mà bù lại, vì Tòa Thánh dạy như vậy, còn những kẻ đủ ăn mặc cùng con cái và người giúp việc trong nhà thì phải kiêng việc phần xác cho lọn, chẳng có Đấng nào được quyền tha nữa.

169. H. Kẻ đã xem lễ được, phải lần hạt nữa chăng?

T. Chẳng buộc.

170. H. Ngày lễ, ai không đi xem lễ được, nếu không làm việc xác, có buộc phải lần hạt nữa chăng?

T. Chẳng buộc.

171. H. Phạm tội về điều răn này có mấy thể?

T. Có ba thể này: một là làm biếng chẳng đi xem lễ hay là chẳng cho vợ con và người giúp việc đi lễ; hai là kẻ đã đủ ăn mặc khi chẳng có sự gì vội cần mà làm việc xác hay là bắt vợ con người giúp việc làm, và kẻ thiếu ăn mặc làm việc xác mà không xin phép; ba là trễ nải chẳng đi đọc kinh chung cùng các bổn đạo hay là ngày ấy chẳng làm việc lành cùng sinh dịp cho người ta bỏ việc lành, như mở đám trò về cờ bạc và những sự khác như vậy.

3. ĐIỀU RĂN THỨ BỐN

Thảo kính cha mẹ

172. H. Điều răn thứ bốn dạy con cái phải làm mấy sự?

T. Điều răn thứ bốn dạy con cái phải làm bốn sự này; một là kính, hai là mến, ba là vâng lời chịu lụy, bốn là giúp đỡ cha mẹ.

173. H. Kính cha mẹ là làm sao?

T. Là giữ lòng khiêm nhường tôn kính người vì là Đấng Bề trên thay mặt Đức Chúa Trời.

174. H. Mến cha mẹ là làm sao?

T. Là ước ao cho cha mẹ được mọi sự lành và nhớ công ơn Người sinh ra ta, cũng phải làm hết sức cho được trả nghĩa trọng ấy, chẳng dám tiếc sự gì cùng người.

175. H. Vâng lời chịu lụy cha mẹ là làm sao?

T. Là bao giờ cha mẹ dạy bảo những sự lành, thì phải lấy lòng vui mừng mà vâng tức thì, cùng làm y như lời người dạy, thì mới phải đạo kẻ làm con.

176. H. Giúp đỡ cha me là làm sao?

T. Là lo liệu cho người phần hồn phần xác đang khi người còn sống và khi người đã qua đời.

177. H. Phạm tội về sự kính có mấy thể?

T. Có ba thể này: một là khinh dễ cha mẹ trong lòng cùng lấy người làm hèn; hai là nói lời kiêu ngạo, cãi trả mắng mỏ, chửi rủa cùng tỏ sự lỗi người ra, ba là ăn ở vô phép ngỗ nghịch cùng làm dấu nọ dấu kia tỏ rạ lòng khinh dễ người.

178. H. Phạm tội về sự mến có mấy thể?

T. Có hai thể này: một là ghét cha mẹ, và khi thấy người phải sự gì khó thì cả lòng lấy làm mừng, hai là mến người vì xác thịt của cải cùng vì lẽ hèn khác mà chẳng mến người vì Đức Chúa Trời dạy.

179. H. Phạm tội chẳng vâng lời chịu lụy cha mẹ có mấy thể?

T. Có ba thể nầy: một là chẳng cứ ý cha mẹ dạy sự gì phải lẽ, hay là vâng lời bề ngoài mà trong lòng buồn giận; hai là chậm chạp, ngần ngại, lần nữa; ba là bỏ việc nửa mùa chẳng làm cho lọn

180. H. Phạm tội chẳng giúp đỡ cha mẹ có mấy thể?

T. Có bốn thể này: một là về phần xác khi cha mẹ còn sống mà để người đói, rách ốm đau, chẳng cho ăn mặc cùng chẳng tìm thuốc thang cho người; hai là về phần linh hồn chẳng cầu nguyện cho người và khi người liệt lào chẳng liệu cho người chịu các phép trong đạo, cùng chẳng năng thăm viếng yên ủi, nhất là khi rình sinh thì; ba là khi đã sinh thì đoạn, chẳng cứ phép trong đạo mà cất xác người; bốn là chẳng làm việc lành phúc đức mà giúp linh hồn người cùng chẳng cứ lời người đã lối.

181. H. Điều răn này dạy con cái phải thảo kính cha mẹ mà thôi ru?

T. Cũng dạy kẻ bề dưới phải thảo kính các đấng bề trên về phần linh hồn cùng về phần xác, vì các đấng ấy là như cha mẹ ta vậy.

182. H. Điều răn này có dạy cha mẹ phải coi sóc con cái chăng?

T. Cũng dạy cha mẹ phải coi sóc con cái, vì cha mẹ bỏ con cái chẳng xem sao thì là bỏ chính việc về đấng bậc mình.

183. H. Cha mẹ phải làm mấy sự mà coi sóc con cái cho nên?

T. Phải làm bốn sự này: một là phải lo liệu những sự cần cho con cái; hai là thương yêu, ba là dạy dỗ, bốn là sửa phạt con cái.

184. H. Cha mẹ chẳng lo liệu những sự cần cho con cái phạm tội có mấy thể?

T. Có bốn thể này: một là kẻ có thai chẳng hay giữ mình, cho nên hư con hay là nó mắc phải bệnh nọ tật kia; hai là khi sẩy thai chẳng xem kỹ cho biết nó sống hay là chết cùng chẳng liệu cho nó chịu phép rửa tội cho kíp hay là khi chưa đủ một năm mà để nó nằm cùng mình, cho nên liều mình đè nó chết. Và khi còn bé để nó sa lửa sa nước; ba là khi con cái đã khôn lớn mà để cho nam nữ nằm làm một với nhau, cùng bỏ nó đói khát rách rưới hay là, bán nó cho kẻ ngoại đạo và chẳng dạy cho biết nghề nghiệp làm ăn cùng chẳng sắm của gì cho nó về sau; bốn là khi con cái đã nên kết bạn mà chẳng liệu cho nó, hay là chẳng cứ phép đạo.

185. H. Cha mẹ chẳng thương yêu con cái phạm tội mấy thể?

T. Phạm tội ba thể này: một là chẳng yêu con cái cho bằng nhau; hai là chẳng yêu con cái vì Đức Chúa Trời cho nó được rỗi linh hồn về sau, một yêu nó vì ích riêng mình cùng về phần xác ở đời này mà thôi, ba là cha mẹ ghét con cái, phần xác thì bỏ, phần linh hồn cũng chẳng xem sao.

186. H. Cha mẹ chẳng dạy dỗ con cái phạm tội mấy thể?

T. Phạm tội ba thể này: một là chẳng dạy dỗ con cái cho biết làm việc lành phúc đức, cùng chẳng cho nó đi học những lẽ cần trong đạo; hai là dạy con cái về đàng tội lỗi cùng bắt đi học những sự làm dịp tội lỗi cho nó; ba là làm gương xấu cho con cái học đòi, như khi mình nói lời gì cùng làm việc gì trái phép Đức Chúa Trời dạy, hay là bỏ việc lành mình phải làm mà con cái bắt chước cũng bỏ như vậy.

187. H. Cha mẹ chẳng sửa phạt con cái phạm tội mấy thể?

T. Phạm tội bốn thể này: một là dong nết xấu con cái chẳng sửa phạt hay là phạt nhẹ quá; hai là bênh lấy cùng khen tội lỗi nó; ba là sai khiến con cái làm sự lỗi; bốn là giận dữ chửi rủa con cái, hay là phạt nó quá lẽ chẳng cứ phép công bằng.

188. H. Điều răn này có dạy các Đấng bề trên phải coi sóc kẻ bề dưới chăng?

T. Cũng dạy các đấng bề trên phải coi sóc kẻ bề dưới hầu bằng cha mẹ phải coi sóc con cái vậy.

4. ĐIỀU RĂN THỨ NĂM

Chớ giết người

189. H. Điều răn thứ năm cấm những sự gì?

T. Điều răn thứ năm cấm lấy ý riêng mà giết kẻ khác cùng giết mình.

190. H. Điều răn này còn cấm điều gì nữa chăng?

T. Còn cấm sự lòng động lòng lo, miệng nói, mình làm sự gì thiệt hại xác và linh hồn người ta.

191. H. Phạm tội về điều răn này có mấy thể?

T. Có bốn thể này: Một là buồn ghen ghét trong lòng cùng lo toan làm hại mình hay là kẻ khác; hai là nói lời mất lòng chửi rủa, xỉ vả, diếc dóc và nói lời nào mở đàng cho ngườì ta phạm tội, hay la xúi giục sai khiến kẻ khác làm hại người ta; ba là đập đánh treo kẹp và giết người ta trái phép công bằng, hay là giết mình, cùng làm gương xấu cho kẻ khác hư đi; bốn là để cho người ta phải sự gì khốn khó mà chẳng ra sức cứu giúp, và khi mình mắc phải những sự ấy, thì cũng chẳng chịu kẻ khác cứu lấy mình cho khỏi.

192. H. Kẻ đã buồn giận nhau có nên đợi đến khi xưng tội sẽ làm lành cùng nhau chăng?

T. Chẳng nên, vì chưng phép đạo dạy phải làm lành và tạ người ta cho kíp.

193. H. Kẻ nào đã phạm tội làm mất lòng người ta mà đã làm lành còn phải xưng tội ấy nữa không?

T.Còn phải xưng, vì tội làm mất lòng người ta thì cũng làm mất lòng Đức Chúa Trời nữa, vậy phải xưng tội ấy thì mới đủ.

5. ĐIỀU RĂN THỨ SÁU

Chớ làm sự dâm dục

194. H. Điều răn thứ sáu cấm những sự gì?

T. Điều răn thứ sáu cấm lời nói; việc làm cùng những sự mở đàng cho ta lỗi nhân đức sạch sẽ

195. H. Có mấy sự mở đàng cho người ta lỗi nhân đức ấy?

T. Có bảy sự này: một là ở nhưng phong lưu chẳng làm việc gì; hai là làm bạn cùng kẻ xấu nết; ba là xem sách nói về sự dơ dáy; bốn là đi xem những đám trò đám hát chơi bời về đàng ấy; năm là xem nhan sắc cùng hình tượng về những sự xấu xa; sáu là nam nữ năng truyện trò cùng nhau; bảy là ăn uống thái quá.

196. H. Khi ta phải cám dỗ về sự trái, phải làm thể nào?

T. Phải ra sức lo tưởng đàng khác tức thì phải cầu xin Đức Chúa Trời chữa mình cho khỏi, cùng phải lánh những dịp tội về đàng ấy cho kíp.

197. H. Phạm tội về điều răn này có mấy thể?

T. Có nhiều thể, vì những tội phạm về điều răn này thì phân ra nhiều giống tội khác nhau tùy những cách phạm tội cùng tùy những người đã phạm tội ấy.

198. H. Có lẽ nào giúp ta cho được khỏi phạm tội xấu xa dường ấy chăng?

T. Có bảy lẽ này: một là nhớ mình ở trước mặt Đức Chúa Trời liên; hai là ở khiêm nhường chẳng dám cậy mình; ba là giữ ngũ quan, nhất là con mắt, lỗ tai và miệng lưỡi; bốn là đừng ở nhưng bao giờ; năm là năng xưng tội chịu lễ; sáu là suy ngắm những sự thương khó Đức Chúa Giêsu cùng bốn sự sau; bảy là cầu xin Rất thánh Đức Bà cùng Đức Thánh Thiên thần coi sóc riêng ta và ông thánh bà thánh quan thầy gìn giữ cho khỏi phạm tội xấu xa dường ấy.

6. ĐIỀU RĂN THỨ BẢY

Chớ lấy của người

199. H. Điều răn thứ bảy cấm những sự gì?

T. Điều răn thứ bảy, cấm ba sự này: một là lấy của người ta trái phép công bằng; hai là cầm của người ta trái ý chủ của ấy; ba là làm thiệt hại của người ta.

200. H. Lấy của người ta trái phép công bằng phạm tội mấy thể?

T. Phạm tội năm thể này: một là ăn hiếp, như kẻ cướp và những kẻ cậy thần thế; hai là ăn cắp, như những kẻ lấy của gì trộm vụng; ba là ăn gian, như kẻ mua bán mà chẳng thật thà cùng những kẻ phỉnh phờ giả trá; bốn là ăn lãi trái lẽ; như kẻ làm nghề đặt nợ ăn lãi; năm là ăn của thụ lộ, như kẻ giáo tòa cùng kẻ đoán kiện mà chẳng cứ lẽ công bằng và những kẻ làm mưu chước nào cho được lấy của người ta.

201. H. Cầm của người ta lại trái ý chủ của ấy, phạm tội mấy thể?

T. Phạm tội tám thể này: Một là chẳng trả của mình đã lấy trái phép công bằng; hai là chẳng trả nợ mình đã vay mượn; ba là chẳng trả công minh đã mà cả vội người ta; bốn là chẳng cho chuộc của người ta đã có; năm là chẳng trả của người ta đã gửi; sáu là chẳng trả của mình đã được; bảy là chẳng trả tiền của người ta đã trả lầm; tám là tiền của người ta đã phó cho mình coi sóc mà chẳng muốn tính sổ lại.

202. H. Làm thiệt hại của người phạm tội mấy thể?

T. Phạm tội ba thể này: một là làm hư của người ta như khi để trâu bò ăn lúa mạ, chém cây cối trong vườn cùng đốt cửa nhà, hay là mình đồng lòng với kẻ làm hại của người ta, cùng ăn phần của gian; hai là sai khiến xui giục và khen cùng chứa của hay là chứa nhưng kẻ làm hại; ba là để kẻ thuộc về mình làm hại mà chàng ngăn cấm, hay là khi phải tỏ sự thiệt hại kẻ khác đã làm mà mình làm thinh chẳng chịu tỏ ra.

203. H. Kẻ đã làm hại của người ta phải đền cho ai?

T. Phải đền cho kẻ đã phải thiệt: bằng kẻ ấy đã qua đời, thì phải đền cho những kẻ được phép mà lấy của người đã phải thiệt ấy.

204. H. Khi chẳng tìm được người đã chịu thiệt và kẻ thay mặt người ấy, thì phải làm thế nào?

T. Phải thưa Đấng Bề trên, mà người dạy làm việc lành phúc đức nào cho được đền sự thiệt ấy, thì phải vâng như vậy.

205. H. Phải đến bao giờ?

T. Khi có thể mà đền được, thì phải đền cho kịp.

206. H. Khi đền được một phần mà thôi, thì phải làm thể nào?

T. Phải đền một phần ấy đã cùng phải dốc lòng bao giờ có thì sẽ đền trả cho đủ.

207. H. Kẻ trả của mình đã cầm trái ý chủcủa ấy có đủ chăng?

T. Ví bằng chủcủa ấy có thiệt sự gì vì mình đã cầm của người, thì cũng phải đền phần thiệt ấy nữa.

7. ĐIỀU RĂN THỨ TÁM

Chớ làm chứng dối

208. H. Điều răn thứ tám cấm những sự gì?

T. Điều răn thứ tám cấm làm chứng gian, nói dối, nói hành, bỏ vạ cùng xét đoán dông dài.

209. H. Làm chứng gian là thể nào?

T. Là khi làm chứng về sự gì mà chẳng cứ lời thật.

210. H. Làm chứng gian có phải tội nặng chăng?

T. Là tội nặng lắm, vì phạm nhân đức thương yêu cùng nhân đức công bằng.

211. H. Kẻ làm chứng gian phải đền tội là thế nào?

T. Phải đền những sự thiệt hại bởi chứng gian ấy mà ra.

212. H. Nói dối là thể nào?

T. Nói dối là miệng nói thể khác, mà trí khôn đoán thể khác, cho nên khi nói thì có ý dối người ta.

213. H. Có khi nào nên nói dối chăng?

T. Chẳng nên nói dối bao giờ.

214. H. Nói hành là thế nào?

T. Là khi chẳng có sự gì cần mà tỏ sự lỗi người ta ra trước mặt kẻ chưa biết, cho nên làm mất tiếng tốt người ta.

215. H. Bỏ vạ là thể nào?

T. Là khi người ta chẳng có phạm tội nào mà ta nói rằng phạm tội ấy.

216. H. Kẻ có ý muốn nghe nói hành cùng bỏ vạ có tội chăng?

T. Có tội, vì là như khen cùng xúi giục những kẻ nói làm vậy.

217. H. Xét đoán dông dài là thế nào?

T. Là khi chẳng có đủ lẽ mà đoán cho kẻ khác đã làm sự gì lỗi.

218. H. Phạm tội về điều răn này có mấy thể?

T. Có tám thể này: một là cáo gian cùng giúp và hợp một ý với kẻ cáo gian; hai là làm chứng dối tỏ tường cùng làm chứng sự gì khi mình hồ nghi mà dám quyết sự ấy, và khi có sự gì cần mà chẳng chịu làm chứng; ba là thiên tư người ta mà bỏ phép công bằng; bốn là nói dối phỉnh phờ làm hại người ta cùng giả hình nhân đức, giả thị, giả bệnh, giả văn tự cùng những sự gian trá khác như vậy, hay là nói dối chữa mình cùng chữa kẻ khác, và nói dối có ý chơi mà thôi; năm là khi chẳng có sự gì cần mà bởi nhẹ dạ hay là bởi lòng độc mà nói mất tiếng tốt người ta hay là kể tội người nào trước mặt người ấy cho xấu hổ dù sự lỗi người ấy đã trống, song le bởi có ý chê trách hay là quen nói mách mà nhắc lại sự lỗi ấy cùng tỏ tên người ấy ra; sáu là bỏ vạ cho người ta những sự chẳng có, cùng làm văn làm thơ cho người ta mắc phải tiếng xấu; bảy là nói gièm pha cho người ta sinh lòng ghen ghét nhau, hay là sinh hồ nghi chẳng còn tin nhau như khi trước; tám là ngờ vực cho người ta, như khi thấy hình người nào và nghe lời nói cùng xem việc làm mà vội đoán người ấy đã có tính gian, hay là đã có ý trái.

219. H. Những kẻ đã phạm bấy nhiêu tội, có dễ sửa sự lỗi mình chăng?

T. Việc này rất khó, nhất là khi đã nói hành, cho nên phải lo sợ cùng giữ lắm kẻo phạm tội ấy nữa.

8. ĐIỀU RĂN THỨ CHÍN

Chớ muốn vợ chồng người

220. H. Điều răn thứ chín cấm những sự gì?

T. Điêu răn thứ chín, như điều răn thứ sáu, cấm sự lỗi nhân đức sạch sẽ, nhưng mà hai điều răn ấy khác nhau, vì chưng điều răn thứ sáu cấm lời nói cùng việc làm, còn điều răn thứ chín này lại cấm lòng ước ao cùng ý tưởng sự gì trái.

221. H. Kẻ ước ao làm sự gì trái mà chẳng làm sự ấy, có tội chăng?

T. Có tội, vì chưng kẻ ước ao sự gì trái thì lòng đã ưng theo đàng ấy như lời Đức Chúa Giêsu phán rằng: Kẻ nào xem người nữ mà có lòng ước ao phạm tội với người ấy, thi đã mắc tội thật.

222. H. Kẻ lo tưởng sự gì trái càng đã kịp suy mà chẳng muốn bỏ sự ấy, có tội chăng?

T. Cũng có tội, vì chưng kẻ ấy liều mình mà sinh lòng động lòng lo ước ao làm sự chẳng nên.

223. H. Kẻ tự nhiên mà lo tưởng sự gì trái, song le vừa kịp suy liền ra sức bỏ sự ấy tức thì, có tội chăng?

T. Chẳng có tội gì đâu, mà lại kẻ ra sức chống trả tính xác thịt làm vậy, thì càng được thêm công trước mặt Đức Chúa Trời.

224. H. Phạm tội về điều răn này có mấy thể?

T. Có nhiều thể, như khi phạm về điều răn thứ sáu vậy; cho nên phải xét cho biết đã có ý tưởng cùng ước ao phạm tội những cách nào với những người nào; vì chưng một sự muốn tưởng cùng ước ao phạm tội, thì cũng đã đủ cho tội ra khác nhau tùy những người ấy nữa.

9. ĐIỀU RĂN THỨ MƯỜI

Chớ tham của người

225. H. Điều răn thứ mười cấm những sự gì?

T. Điều răn thứ mười hợp một ý như điều răn thứ bảy, nhưng mà cả hai điều răn ấy khác nhau; vì chưng điều răn thứ bảy cấm sự lấy cùng cấm và làm thiệt hại của người ta, còn điều răn thứ mười này lại cấm lòng tham của kẻ khác cùng lòng yêu của mình quá lẽ.

226. H. Phạm tội về điều răn này có mấy thể?

T. Có bốn thể này: một là ước ao của người trái phép công bằng; hai là lo lắng bối rối trông mong cho được nhiều của; ba là yêu chuộng cùng gìn giữ của mình quá lẽ; bốn là khi mất của gì mà buồn cũng tiếc quá lẽ nữa.

227. H. Ai muốn giữ điều răn này nên, phải làm thế nào?

T. Phải theo thánh ý Chúa Trời mà ở bằng lòng đấng bậc mình, chẳng nên phen bì kẻ khác.