Dạy và Nghĩa kinh Tin Kính (Phần 1: 71H-116H - Hết phần 1)

    Xem nhanh

71. H. Kinh Tin Kính là thế nào?

T. Kinh Tin Kính là kinh các thánh Tông Đồ đã truyền, mà tóm lại mọi sự ta phải tin.

72. H. Trong kinh ấy có mấy điều?

T. Có mười hai điều.

ĐIỀU THỨ NHẤT

Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên Trời đất.

73. H. Tôi tin kính Đức Chúa Trời nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là tôi tin thật vững vàng có một Đức Chúa Trời mà thôi, chẳng có lẽ nào mà có nhiều Đức Chúa Trời đâu.

74. H. Vì sao chẳng nói rằng: Tôi tin có Đức Chúa Trời, mà lại nói rằng: tôi tin kính?

T. Vì tin có một Đức Chúa Trời, thì chưa đủ, cho nên lại phải xưng rằng: tôi trông cậy và kính mến Đức Chúa Trời cùng dâng mình làm tôi Đức Chúa Trời cho đến lọn đời.

75. H. Lời: Cha nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là một Đức Chúa Trời có Ba Ngôi, mà Ngôi Nhất là Cha.

76. H. Vì ý nào gọi Ngôi Nhất là Cha?

T. Vì trước vô cùng Ngôi Nhất sinh ra Ngôi Hai là con.

77. H. Phép tắc vô cùng nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là chẳng có sự gì mà Đức Chúa Trời chẳng làm được.

78. H. Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần có phép tắc vô cùng bằng Đức Chúa Cha chăng?

T. Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần cũng có phép tắc vô cùng bằng Đức Chúa Cha, vì Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời.

79. H. Lời: dựng nên trời đất nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là bởi không mà dựng nên mọi sự cho có.

ĐIỀU THỨ HAI

Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu Ki-tô là Con Một Đức Chúa Cha cũng là Chúa chúng tôi.

80. H. Con Một Đức Chúa Cha, nghĩa làm sao?

T. Nghĩa là Ngôi Hai bởi Đức Chúa Cha mà sinh ra và có một tính cùng Đức Chúa Cha.

81. H. Sao nói rằng con một Đức Chúa Cha?

T. Vì có một Ngôi Hai bởi bản tính Đức Chúa Cha mà sinh ra.

82. H. Giêsu nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là Đấng Cứ Thế mà Đức Chúa Cha đã đặt tên cực trọng ấy cho Đức Chúa Con; vì Con Đức Chúa Trời ra đời cho được cứu hết mọi người thế gian.

83. H. Ki-tô nghĩa là làm sao?

T. Ki-tô nghĩa là chịu xức dầu, cũng là tên chung về Đấng Tiên tri cùng Đấng có quyền tế lễ và Đấng làm vua nữa.

84. H. Nhân sao Ki-tô là tên chung ba Đấng ấy?

T. Vì chưng trong đạo Đức Chúa Trời quen xức dầu khi phong chức cho ba đấng ấy.

85. H. Đức Chúa Giêsu chịu xức dầu bao giờ, mà gọi Người là Ki-tô?

T. Đức Chúa Giêsu chẳng chịu xức dầu thế gian bởi tay người ta đâu, song le Người chịu xức dầu thiêng liêng bởi phép Đức Chúa Cha cùng bởi ơn Đức Chúa Thánh Thần cho linh hồn Người được gồm phúc lạ hơn các Đấng Đức Chúa Trời sinh ra, cho nên Người biết mọi sự, cùng được quyền tế lễ, và làm Vua hằng sống hằng trị đời đời.

86. H. Vì sao nói rằng Chúa chúng tôi?

T. Đức Chúa Giêsu là Chúa chúng tôi vì Người chẳng những là đã sinh ra ta cùng gìn giữ ta, mà lại đã chuộc tội cho ta nữa.  

ĐIỀU THỨ BA

Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai sinh bởi Bà Maria đồng trinh.

87. H. Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là Đức Chúa Thánh Thần đã lấy máu cực sạch trong lòng Rất thánh Đức Bà mà dựng nên một xác, và bởi không lại dựng nên một linh hồn, thì Ngôi Thứ Hai liền hợp với xác và linh hồn ấy mà nên người thật như ta.

88. H. Mà Người xuống thai sinh bởi Bà Maria đồng trinh nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là người nữ rất thánh, tên là Maria đã chịu thai và sinh đẻ con, đoạn người nữ ấy còn đồng trinh sạch sẽ cho đến lọn đời.

ĐIỀU THỨ BỐN

Chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đinh trên cây Thánh Giá, chết và táng xác

89. H. Chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô chịu đóng đinh trên cây Thánh Giá, nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là tôi tin Đức Chúa Giêsu chịu trói, chịu giở, chịu vả, chịu đòn, chịu đội mão gai cùng chịu đóng đinh trên cây thánh giá đời quan Phi-lô-tô đang trấn thủ xứ Giu-đê-a thay vì vua Rô-ma.

90. H. Cây Thánh Giá là gì?

T. Cây Thánh Giá vốn xưa là hình phạt rất hèn; vậy Đức Chúa Giêsu càng hạ mình xuống mà chịu hình phạt rất hèn dường ấy vì ta, thì ta càng phải ra sức đội ơn kính mến Người hơn nữa.

91. H. Chúa Giêsu đã chết nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là linh hồn Người đã lìa khỏi xác như khi mọi người chết vậy, nhưng mà tính Đức Chúa Trời còn ở cùng xác và linh hồn Đức Chúa Giêsu, chẳng lìa khỏi đâu.

92. H. Táng xác, nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là Đức Chúa Giêsu chết đoạn, thì các môn đệ lấy xác Người mà táng trong hang đá.

 

ĐIỀU THỨ NĂM

Xuống ngục tổ tông ngày thứ ba đợi trong kẻ chết mà sống lại

93. H. Xuống ngục tổ tông, nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là linh hồn Đức Chúa Giêsu lìa khỏi xác đoạn, liền xuống nơi linh hồn các Thánh phải giam ở dưới đất này, mà trông đợi Đức Chúa Giêsu rước lên thiên đàng.

H. 94. Vì lẽ nào linh hồn các thánh phải giam cầm mà đợi trông làm vậy?

T. Vì chưng từ ông A-dong phạm tội thì cửa thiên đàng đóng lại, nếu chẳng có công nghiệp Chúa Cứu Thế, thì chẳng ai được lên thiên đàng.

95. H. Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là Đức Chúa Giêsu chết đoạn, ngày thứ ba linh hồn và xác Đức Chửa Giêsu lại hợp cùng nhau mà sống lại ra khỏi hang đã tốt lành.

ĐIỀU THỨ SÁU

Lên Trời ngự bên hữu Đức Cha phép tắc vô cùng

96. H. Lên Trời nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là sống lại đoạn, khỏi bốn mươi ngày. Đức Chúa Giêsu lấy phép riêng Người mà lên Trời.

97. H. Ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng, nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là Đức Chúa Giêsu một quyền một phép cùng Đức Chúa Cha, mà về tính người ta thì sang trọng phép tắc hơn các đấng và các loài Đức Chúa Trời đã sinh ra.

ĐIỀU THỨ BẢY

Ngày sau bởi Trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết

98. H. Ngày sau bởi Trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là ngày tận thế Đức Chúa Giêsu ở trên Trời sẽ xuống uy nghi sáng láng mà phán xét chẳng những kẻ chết đã lâu, mà lại phán xét kẻ còn sống khi Người hiện xuống, vì kẻ ấy cũng phải chết, đoạn sống lại tức thì mà chịu phản xét nữa.

ĐIỀU THỨ TÁM

Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần

99. H. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là Đức Chúa Thánh Thần, là Ngôi thứ Ba, bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra cùng một tính một phép cùng hai Ngôi cực Trọng ấy nữa.

100. H. Tiếng “Thánh Thần” nghĩa là làm sao?

1

T. Thánh nghĩa là lọn tốt hằng muốn sự lành hằng ghét sự dữ, còn Thần nghĩa là Đấng thiêng liêng vô hình vô tượng.

 

101. H. Ba Ngôi cũng là một tính thiêng liêng, cũng là một Đấng rất thánh, vì lẽ nào mà đặt tên Thánh Thần cho một Ngôi thứ Ba mà thôi?

T. Vì Ngôi Thứ Nhất đã có tên riêng là Cha và Ngôi Thứ Hai đã có tên riêng là Con, cho nên dùng tên Thánh Thần mà đặt cho Ngôi Thứ Ba.

ĐIỀU THỨ CHÍN

Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công

102. H. Hội Thánh nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là các bổn đạo đều hợp làm một cùng nhau mà chịu lụy Đức Chúa Giêsu.

103. H. Các bổn đạo đều hợp làm một cùng nhau là thế nào?

T. Các bổn đạo đều hợp làm một cùng nhau vì bốn lẽ này: một là các bổn đạo đều tin như nhau; hai là dùng những phép màu nhiệm cũng như nhau; ba là cầu nguyện chung cho nhau; bốn là đều chịu lụy Đức Giáo Hoàng là Đấng trên nhất thay mặt Đức Chúa Giêsu.

104. H. Đức Giáo Hoàng được quyền thế nào?

T. Người được toàn quyền cai trị cả và Hội Thánh, mà Người truyền hay là cấm điều gì thì hết mọi người có đạo phải vâng phép Người mới khỏi tội.

105. H. Khi Đức Giáo Hoàng dạy dỗ các bổn đạo, Người có sai lầm được chăng?

T. Khi Đức Giáo Hoàng lấy quyền phép Đức Chúa Giêsu đã ban mà chỉ định điều gì các bổn đạo phải tin và điều gì phải giữ, thì Người chẳng hề sai lầm được, vì có ơn Đức Chúa Thánh thần soi sáng phù hộ cách riêng, như lời Đức Chúa Giêsu đã phán hứa.

106. H. Các bổn đạo mọi nơi có thuộc về một Hội Thánh chăng?

T. Phải, vì có một Hội Thánh mà thôi.

107. H. Vì sao Hội ấy gọi là thánh?

T. Hội ấy gọi là thánh vì ba lẽ này: một là vì Đấng làm đầu Hội là Đức Chúa Giêsu là mạch mọi sự thánh; hai là vì lời giảng dạy cùng những phép Hội Thánh dùng là sự thánh; ba là vì kẻ hợp cùng Hội Thánh mới được nên thánh mà thôi.

108. H. Vì sao Hội Thánh gọi là hằng có ở khắp thế này?

T. Vì chưng khắp bốn phương thiên hạ đều có kẻ giữ đạo thánh Đức Chúa Trời, và chẳng có đời nào mà chảng có kẻ thờ phượng Đức Chúa Trời.

109. H. Các Thánh thông công, nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là các Thánh trên Trời cùng các linh hồn ở luyện ngục, và các bổn đạo dưới đất đều thông công với nhau.

110. H. Các bổn đạo dưới đất thông công với các Thánh trên Trời là thế nào?

T. Các bổn đạo kính thờ cầu xin các Thánh, mà các Thánh bầu cử cho các bổn đạo trước mặt Đức Chúa Trời.

111. H. Các bổn đạo thông công với các linh hồn ở luyện ngục là thế nào?

T. Các bổn đạo dâng việc lành phúc đức cầu cho các linh hồn ở luyện ngục, mà các linh hồn ấy cũng bầu cử cho các bổn đạo nữa.

112. H. Các bổn đạo còn ở thế gian thông công với nhau là thế nào?

T. Các bổn đạo có lòng kính mến Đức Chúa Trời cùng thương yêu nhau, thì chẳng những lập công cho mình, mà lại làm ích cho kẻ khác nữa.

113. H. Kẻ mắc tội trọng có được thông công thể ấy chăng?

T. Kẻ mắc tội trọng đã mất nghĩa cùng Đức Chúa Trời, thì chẳng được thông công thể ấy đâu; song le kẻ còn thuộc về Hội Thánh thì cậy nhờ việc lành kẻ nhân đức cho được ăn năn trở lại cùng Đức Chúa Trời.

ĐIỀU THỨ MƯỜI

Tôi tin phép tha tội

114. H. Tôi tin phép tha tội nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là tôi tin trong Hội thánh có nhiều phép Đức Chúa Giêsu đã lập để mà tha tội cho ta.

ĐIỀU THỨ MƯỜI MỘT

Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại

115. H. Xác loài người ngày sau sống lại, nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là bao nhiêu người đã chết từ khi tạo thiên lập địa cho đến tận thế đều sẽ sống lại cùng một xác cũ của mình mà chịu phán xét.

ĐIỀU THỨ MƯỜI HAI

Tôi tin hằng sống vậy

116. H. Tôi tin hằng sống vậy nghĩa là làm sao?

T. Nghĩa là sống lại đoạn linh hồn và xác kẻ lành sẽ lên thiên đàng hưởng phúc thanh nhàn vui vẻ vô cùng; còn linh hồn và xác kẻ dữ sẽ xuống hỏa ngục chịu phạt khốn nạn đời đời kiếp kiếp.