CỬ HÀNH BÍ TÍCH THỐNG HỐI

    Xem nhanh

 

XI. CỬ HÀNH BÍ TÍCH THỐNG HỐI

Celebratio sacramenti Poenitentiae


Cũng như các bí tích khác, bí tích Thống Hối là một hoạt động phụng vụ. Thường việc cử hành bí tích này diễn tiến như sau: linh mục chào và chúc lành, đọc Lời Chúa để soi sáng lương tâm hối nhân và giúp họ giục lòng ăn năn, khuyên nhủ hối nhân hoán cải; hối nhân thú tội với linh mục; ra và nhận việc đền tội; linh mục giải tội; lời ca ngợi và tạ ơn, ra về với phép lành của linh mục.

Phụng vụ Byzantin có nhiều công thức giải tội, dưới nhiều hình thức cầu khẩn, biểu thị rõ ràng mầu nhiệm tha thứ: "Thiên Chúa đã dùng ngôn sứ Nathan mà tha thứ cho Đavít khi ông xưng thú tội mình, đã tha thứ cho Phêrô khi ông khóc lóc đau đớn, tha thứ cho người kỹ nữ khi cô nhỏ lệ trên chân Chúa, tha thứ cho người Pharisêu và người con hoang đàng. Xin Người cũng dùng tôi mà tha thứ cho anh ở đời này cũng như đời sau và đừng kết án anh, khi anh phải ra trước toà công thẳng của Thiên Chúa, Đấng được chúc tụng muôn đời Amen".

Bí tích Thống Hối cũng có thể được cử hành cộng đoàn: tất cả cùng chuẩn bị xưng tội và cùng nhau cảm tạ vì được ơn tha thứ. Lúc đó việc xưng tội và giải tội cá nhân được tiến hành trong một cử hành phụng vụ Lời Chúa, với việc đọc Sách Thánh và diễn giảng, cộng đoàn được hướng dẫn xét mình; xin ơn tha thứ, đọc kinh Lạy Cha và cùng tạ ơn. Hình thức này diễn tả rõ nét hơn tính Hội Thánh của việc thống hối. Tuy nhiên, dầu cử hành thế nào, bí tích Thống Hối vẫn là hoạt động phụng vụ nên có tính cách công khai và Hội Thánh (CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 26-27).

Trong trường hợp thật cần thiết, có thể cử hành bí tích Giao Hòa tập thể tức là xưng tội chung và giải tội chung. Trường hợp thật cần thiết là khi gần cơn nguy tử và một hay nhiều linh mục không đủ thời gian nghe từng hối nhân xưng tội, khi có sự khẩn thiết trầm trọng nghĩa là, khi có đông hối nhân và không có đủ cha giải tội để nghe từng người xưng tội hợp lệ trong một thời gian thích đáng, đến nỗi vì vậy mà các hối nhân không phải lỗi tại họ đành thiệt mất ơn bí tích Giao Hòa hay ơn rước lễ trong một thời gian lâu dài.

Trong trường hợp này, người tín hữu phải quyết tâm xưng riêng những tội trọng khi thuận tiện để bí tích Giao Hòa được hoàn thành (Bộ Giáo Luật, điều 962,1). Giám mục giáo phận có thẩm quyền nhận định về những điều kiện để có thể giải tội tập thể (Bộ Giáo Luật, điều 961,2). Trong các đại lễ hay hành hương, số đông tín hữu đến xưng tội, không được coi là trường hợp thật khẩn thiết để giải tội tập thể (Bộ Giáo Luật, điều 961,1) .

"Bình thường xưng tội cá nhân và trọn vẹn, sau đó giải tội là hình thức duy nhất để tín hữu giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh, trừ khi có ngăn trở về thể lý hay luân lý chuẩn chước việc xưng tội như vậy" (Nghi thức Thống Hối, 31). Điều này có nhiều lý do sâu xa. Đức Kitô hành động trong mỗi bí tích. Người đích thân nói với từng tội nhân: "Này con, con đã được tha tội rồi" (Mc 2,5). Người là thầy thuốc cúi mình trên từng bệnh nhân cần được chữa lành (x. Mc 2,17). Người nâng dậy và dẫn họ về hiệp thông lại với anh em. Như thế việc xưng tội riêng là hình thức có ý nghĩa nhất trong việc giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh.

 


TÓM LƯỢC

Compendium

 

"Chiều ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ và nói: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ" (Ga 20,22-23).

Có một bí tích riêng để tha những tội người tín hữu phạm sau khi đã được thanh tẩy. Bí tích này được gọi là bí tích Hoán Cải hay Xưng Tội, Thống Hối hay Giao Hòa.

Ai phạm tội là xúc phạm đến danh dự và tình yêu của Thiên Chúa, làm tổn thương chính phẩm giá của mình là Con Thiên Chúa và phương hại đến đời sống thiêng liêng của Hội Thánh mà mỗi kitô hữu phải là viên đá sống động.

Trên bình diện đức tin, không có gì xấu hơn tội lỗi, không có hậu quả nào thảm hại hơn hậu quả do tội gây ra cho chính tội nhân, cho Hội Thánh và cho cả thế giới.

Tội ngăn cản con người hiệp thông với Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa giàu lòng thương xót và chăm lo cho phần rỗi con người, ban ơn giúp tội nhân trở về hiệp thông với Người. Chúng ta phải cầu xin ơn quý trọng này cho chính mình và cho anh em.

Việc trở về với Thiên Chúa hay hoán cải và sám hối, đòi có sự đau buồn, ghê tởm các tội đã phạm và quyết tâm không phạm tội nữa. Hoán Cải bao trùm cả quá khứ lẫn tương lai. Chính sự trông cậy vào lòng nhân từ của Thiên Chúa giúp tội nhân hoán cải không ngừng.

Bí tích Thống Hối gồm ba việc hối nhân phải làm và việc giải tội của linh mục. Ba việc của hối nhân là: thống hối; thú tội với linh mục; quyết tâm làm việc đền tội và đền bù các thiệt hại do tội gây ra.

Thống hối (hay ăn năn tội) phải do động lực đức tin thúc đẩy. Nếu thống hối vì lòng mến Chúa, đó là ăn năn tội "cách trọn". Nếu vì những lý do khác, thì được gọi là ăn năn tội "cách chẳng trọn".

Tội nhân muốn giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh, phải xưng cùng linh mục tất cả những tội trọng chưa xưng thú và nhớ được sau khi đã xét mình kỹ lưỡng. Hội Thánh tha thiết khuyên xưng các tội nhẹ, mặc dù điều đó không buộc.

Cha giải tội chỉ định việc "đền tội" cho hối nhân để đền bù những thiệt hại do tội gây ra và giúp họ trở lại với nếp sống của người môn đệ Đức Kitô.

Chỉ các linh mục được Hội Thánh ban năng quyền giải tội, mới có thể tha tội nhân danh Đức Kitô.

Hiệu quả thiêng liêng của bí tích Thống Hối là:
 - giao hòa với Thiên Chúa, nhờ đó hối nhân lại được ân nghĩa với Chúa; 
- giao hòa với Hội Thánh;
- tha hình phạt đời đời đáng chịu vì tội trọng; 
- tha, ít là một phần, các hình phạt tạm do tội; 
- lương tâm được bình an thư thái và được an ủi thiêng liêng;
- tăng cường sức mạnh thiêng liêng cho người Kitô hữu để họ chiến đấu.

Bình thường xưng tội cá nhân và xưng hết các tội trọng, sau đó linh mục giải tội, là cách thức duy nhất để tội nhân giao hòa với Thiên Chúa và Hội Thánh.

Nhờ các ân xá, các tín hữu có thể hưởng ơn tha thứ các hình phạt tạm do tội, hoặc nhường cho các linh hồn trong luyện ngục.