CỬ HÀNH BÍ TÍCH HÔN PHỐI - SỰ ƯNG THUẬN KẾT HÔN

    Xem nhanh

II. CỬ HÀNH BÍ TÍCH HÔN PHỐI

Matrimonii celebratio


Trong nghi lễ La-tinh, hôn nhân giữa hai người công giáo thường được cử hành trong thánh lễ, vì các bí tích đều liên hệ với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô (x. SC 61). Trong thánh lễ, chúng ta tưởng niệm Giao Ước Mới, trong đó Đức Kitô kết hiệp vĩnh viễn với Hội Thánh là Hiền Thê được Người yêu mến và hiến thân để thánh hoá (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 6). Do đó, bí tích Hôn Phối được cử hành trong thánh lễ thật là thích hợp: đôi hôn phối bày tỏ sự ưng thuận hiến thân cho nhau bằng việc liên kết với Đức Kitô hiến thân cho Hội Thánh, điều được hiện tại hoá trong thánh lễ, và bằng việc rước lễ để nhờ kết hợp với Mình và Máu Đức Kitô, họ "trở thành một thân thể" trong Người (x. 1Cr 10,17).

"Xét như một hành vi bí tích để thánh hoá, Hôn Phối phải được cử hành thế nào để bí tích được thành sự, xứng đáng và sinh hiệu quả" (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 67). Do đó, đôi hôn phối nên lãnh nhận bí tích Giao Hòa để chuẩn bị cử hành bí tích Hôn Phối.

Theo truyền thống La-tinh, chính đôi hôn phối là thừa tác viên ân sủng Đức Kitô; họ ban bí tích Hôn Phối cho nhau khi họ bày tỏ sự ưng thuận kết hôn trước mặt Hội Thánh. Trong truyền thống các Giáo Hội Đông Phương, linh mục hay giám mục chủ lễ làm chứng việc đôi hôn phối trao đổi lời ưng thuận kết hôn (x.CCEO 817), nhưng lời chúc hôn của các ngài cũng cần thiết để bí tích thành sự (x. CCEO 828).

Các lễ nghi phụng vụ có nhiều lời nguyện xin chúc lành và xin ơn Thánh Thần, khẩn cầu Chúa ban tràn đầy ân sủng và phúc lộc cho đôi tân hôn, đặc biệt cho người vợ. Nhờ lời nguyện xin ơn Thánh Thần của bí tích này, đôi hôn phối lãnh nhận Chúa Thánh Thần là sự hiệp thông tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh (x. Ep 5,32). Chính Chúa Thánh Thần là dấu ấn hôn ước của họ, là nguồn mạch tình yêu của họ, là sức mạnh giúp họ chung thủy.

 

III. SỰ ƯNG THUẬN KẾT HÔN

Consensus matrimonialis

Người ký kết giao ước hôn nhân phải là một người nam và một người nữ đã rửa tội, tự do để kết hôn và công khai bày tỏ sự ưng thuận kết hôn.
"Tự do" nghĩa là:
- không bị ép buộc;
- không bị ngăn trở theo luật tự nhiên hay giáo luật

Hội Thánh coi việc hai người bày tỏ sự ưng thuận kết hôn là yếu tố cần thiết "làm nên hôn nhân" (x. CIC 1057,1). Thiếu sự ưng thuận này thì không có hôn nhân.

Sự ưng thuận là "hành vi nhân linh, trong đó đôi vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes, 48); (x. CIC 1057,2): "Anh nhận em làm vợ"; "Em nhận anh làm chồng" (Nghi thức cử hành Hôn Nhân, 62). Sự ưng thuận này nối kết hai vợ chồng lại với nhau, được thể hiện trọn vẹn khi hai người "trở nên một thân thể" (x. St 2, 24; Mc 10, 8; Ep 5,31).

Sự ưng thuận phải là hành vi ý chí của mỗi người phối ngẫu, không bị cưỡng bức vì bạo lực hay quá sợ hãi do một nguyên cớ ngoại tại (x. CIC 1103). Không có thế lực nhân loại nào có thể thay thế sự ưng thuận này (x. CIC 1057,1). Thiếu sự tự do, hôn nhân không thành.

Vì lý do này (hay những lý do khác làm cho hôn nhân trở nên vô hiệu (Bộ Giáo Luật, các điều 1083-1108), sau khi nhờ tòa án xét duyệt hoàn cảnh đầy đủ, Hội Thánh có thể tuyên bố một hôn nhân nào đó là "vô hiệu", nghĩa là hôn nhân ấy trước đó đã không thành sự. Trong trường hợp này, hai người được tự do ký kết một hôn ước khác, dù vậy họ vẫn phải giữ những nghĩa vụ tự nhiên xuất phát từ dây ràng buộc trước (x. CIC 1071) .

Linh mục (hay phó tế), chứng giám nghi thức Hôn Phối, nhân danh Hội Thánh nhận lời ưng thuận của đôi hôn phối và chúc lành cho họ. Sự hiện diện của thừa tác viên Hội Thánh (và của những người làm chứng), cho thấy rõ ràng hôn nhân là một bậc sống trong Hội Thánh.

Vì lý do này, Hội Thánh thường đòi buộc các tín hữu phải kết hôn theo thể thức của Hội Thánh (x. CĐ Trentô: DS 1813-1816; CIC 1108). Quy định này có những lý do sau:

- hôn nhân là một bậc sống trong Hội Thánh, có những nghĩa vụ và quyền lợi giữa đôi vợ chồng và đối với con cái;
- bí tích Hôn Phối là một hành vi phụng vụ. Do đó, nên cử hành trong nghi thức phụng vụ công khai của Hội Thánh;
- vì hôn nhân là một bậc sống trong Hội Thánh, nên phải có sự chắc chắn (vì thế buộc phải có những người làm chứng);
- việc công khai bày tỏ sự ưng thuận bảo vệ lời cam kết và giúp vợ chồng sống chung thủy.

Chuẩn bị hôn nhân là điều rất quan trọng để lời cam kết của đôi hôn phối trở thành một hành vi tự do và có trách nhiệm, cũng như hôn ước có được nền tảng tự nhiên và siêu nhiên, vững chắc và lâu dài:

Tấm gương và bài học của cha mẹ cũng như của các gia đình là bước chuẩn bị ưu tiên.
Các vị mục tử và cộng đoàn tín hữu được xem như là "gia đình Thiên Chúa", giữ một vai trò quan trọng không thể thay thế được trong việc chuyển giao giá trị tự nhiên và siêu nhiên của hôn nhân và gia đình (x. CIC 1063). Nhất là trong thời đại chúng ta, giới trẻ đã phải chứng kiến những cảnh gia đình tan vỡ, việc chuẩn bị lại càng khẩn thiết hơn:

Phải biết giáo dục thanh thiếu niên hợp thời và hợp cách về phẩm giá, phận sự và hành vi thể hiện tình yêu vợ chồng, nhất là trong chính khung cảnh gia đình. Nhờ đó, một khi đã được rèn luyện để giữ đức khiết tịnh, đến tuổi thích hợp, họ có thể tiến tới hôn nhân sau khi sống đúng đắn giai đoạn đính hôn (CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ  Gaudium et spes, 49).

Hôn phối hỗn hợp và khác đạo

Matrimonia mixta et disparitas cultus

Trong nhiều quốc gia, thường có những hôn phối hỗn hợp (giữa người công giáo và người được rửa tội ngoài công giáo). Tình trạng này đòi các đôi vợ chồng cũng như các mục tử phải lưu tâm đặc biệt. Trong trường hợp hôn phối khác đạo (giữa người công giáo và người chưa được rửa tội) càng phải dè dặt hơn.

Hôn nhân hỗn hợp có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng không phải là không thể vượt qua, nếu họ cố gắng kết hợp những gì đã lãnh nhận nơi cộng đoàn của họ và cùng nhau học hỏi để sống trung thành với Đức Kitô. Dầu vậy, không được coi thường những khó khăn trong hôn nhân hỗn hợp. Những khó khăn này xuất phát từ sự chia rẽ giữa các kitô hữu đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Đôi vợ chồng có thể cảm nghiệm thảm kịch các kitô hữu chia rẽ ngay trong gia đình của mình. Hôn nhân khác đạo còn gặp nhiều khó khăn hơn. Những bất đồng quan điểm về đức Tin và hôn nhân, cũng như những não trạng tôn giáo khác nhau, có thể dẫn đến những căng thẳng trong gia đình, nhất là về việc giáo dục con cái. Một nguy hiểm khác là người ta có thể dửng dưng về tôn giáo.

Theo luật hiện hành của Giáo Hội La-tinh, Hôn Phối hỗn hợp chỉ hợp pháp khi có phép minh thị của giáo quyền (x. CIC 1124), Hôn phối khác đạo chỉ thành sự khi có phép chuẩn minh thị (x. CIC 1086.). Muốn được phép hay được chuẩn, hai đương sự phải biết và chấp nhận những mục đích và đặc tính chính yếu của hôn nhân và bên công giáo xác nhận cam kết giữ đức tin của mình, bảo đảm cho con cái được rửa tội và giáo dục trong Hội Thánh Công Giáo, cũng phải cho bên không công giáo biết rõ những điều ấy (x. CIC 1125) .

Trong nhiều miền, nhờ đối thoại đại kết, một số cộng đoàn kitô hữu đã tổ chức mục vụ chung cho các đôi hôn phối hỗn hợp. Mục vụ này giúp các đôi vợ chồng này biết sống hoàn cảnh đặc biệt của họ dưới ánh sáng đức tin. Đồng thời, cũng giúp họ lướt thắng các căng thẳng giữa một bên là bổn phận vợ chồng đối với nhau và một bên là bổn phận đối với Giáo Hội của họ. Mục vụ này phải khuyến khích triển khai các điểm chung trong đức tin và tôn trọng những điều còn phân cách họ.

Trong trường hợp hôn phối khác đạo, bên công giáo có trách nhiệm đặc biệt: "Chồng ngoại đạo được thánh hóa nhờ vợ và vợ ngoại đạo được thánh hóa nhờ chồng có đạo" (1Cr 7,14). Thật là một niềm vui lớn cho bên công giáo và cho Hội Thánh nếu "việc thánh hoá này" đưa người không công giáo tự nguyện đón nhận đức tin Kitô giáo (x. 1Cr 7,16). Chính tình yêu hôn nhân chân thành, việc khiêm tốn và kiên nhẫn thực thi những nhân đức gia đình và siêng năng cầu nguyện có thể chuẩn bị cho người không có đạo được ơn làm con Chúa.