CHUỖI HẠT LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT QUA CÁC DỤ NGÔN

    Xem nhanh

CHUỖI HẠT LCTX CHỤC THỨ NHẤT QUA DỤ NGÔN NGƯỜI SAMARI NHÂN HẬU

Khi người thông luật hỏi Chúa Giêsu: Ai là người thân cận của tôi? Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn người Samari nhân hậu trong đó có 3 nhân vật và 1 nạn nhân. Nhân vật thứ nhất là thầy Tư tế, nhân vật thứ hai thầy Lêvi, họ thuộc tầng lớp lãnh đạo tôn giáo, địa vị cao trọng trong xã hội, bậc tu đức, thông thái, lẽ ra họ phải thi hành luật bác ái và lòng thương xót một cách tuyệt hảo. Nhưng lạ thay, khi gặp người bị cướp đánh bầm dập nằm bên lề đường, họ đã tránh qua một bên khác mà đi. Họ cố gắng giữ mình công chính, không phạm tội, không bị ô uế nếu như đụng tới nạn nhân. Nhân vật thứ ba là người Samari, một người ngoại giáo bị người Do thái coi thường. Anh có đủ lý do chính đáng để tránh né không giúp nạn nhân, thế nhưng tình yêu không cho phép con tim của anh làm như thế. Anh thà chấp nhận phạm luật, bị coi là ô uế để cúi xuống ẵm nạn nhân cho lên lưng ngựa. Anh đã nhường chỗ của mình cho nạn nhân khốn khổ. Lòng xót thương đòi buộc anh đi vào sự khốn khổ, cùng cực nhất để cảm thông với người đau yếu, chung chia số phận hẩm hiu của nạn nhân. Chẳng phải Chúa Giêsu đã làm như thế cho chúng ta khi Ngài trút bỏ vinh quang của một Thiên Chúa uy quyền để hạ mình mang phận con người và cùng ăn uống, trò chuyện với những kẻ tội lỗi đó sao?

 

Lạy Chúa Giêsu đầy lòng thương xót, xin cho chúng con có trái tim của người Samari nhân hậu để dám xuống khỏi lưng ngựa là địa vị, quyền lực, thanh danh, mà tiếp cận với những người anh em đang đau khổ về bệnh tật, đói nghèo và bị lãng quên. Xin giúp chúng con ý thức rằng: thấy việc nghĩa mà không làm, đó không phải là người tốt. Sống tốt không phải chỉ tránh làm ác mà còn phải tích cực làm việc thiện, và khi chúng con làm những điều đó cho một người là đã làm cho chính Chúa vậy. Amen.

 

-Lạy Cha Hằng Hữu,/ con xin dâng lên Cha,/ Mình và Máu,/ Linh hồn và Thần tính của Con rất Yêu Dấu Cha / là Đức Giêsu Kitô, /Chúa Chúng con,/ để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới.

-Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới (10X).

 

CHUỖI HẠT LCTX CHỤC THỨ HAI QUA DỤ NGÔN NHÀ PHÚ HỘ VÀ LAZARÔ NGHÈO ĐÓI

Dụ ngôn nhà phú hộ và Lazarô phác họa đời sống của một tầng lớp ưu tú, giàu có trong xã hội, sống xa hoa phung phí nhưng lại chẳng quan tâm tới một Lazarô nghèo khổ nằm ngay trước cổng nhà mình chờ được bố thí. Trái tim vô cảm, ích kỷ đã khiến nhà phú hộ trở nên mù lòa trước nỗi khốn cùng của tha nhân. Lazarô nằm ngoài cửa, nơi mà nhà phú hộ ra vào hàng ngày cho thấy ông đã bỏ lỡ nhiều cơ hội mà Chúa cho ông, để có thể thực hành việc bác ái. Lazarô mình mẩy ghẻ lở nhưng nỗi đau đớn ghẻ lở ấy chỉ là tạm bợ nơi thân xác ở cõi đời này, còn cái ghẻ lở tâm hồn của nhà phú hộ kia sẽ đau đớn mãi mãi ở đời sau. Giàu hay nghèo, ai rồi cũng sẽ nhắm mắt trở về với cát bụi. Cái gì con người tích trữ cho mình rồi sẽ thuộc về thế gian, cái gì người ta cho đi mới thực sự là của mình. Nhà phú hộ sau khi chết có lẽ được chôn cất trong mộ bia đá, nhưng Lazarô chết thì được các thiên thần tới mang đi.

 

Dụ ngôn mô tả hai cảnh trái ngược sau cái chết của nhà phú hộ và Lazarô. Nhà phú hộ ở nơi âm phủ ngước mắt lên thấy Lazarô trong lòng tổ phụ Abraham. Ông thèm khát được một giọt nước từ ngón tay của Lazarô nhỏ xuống để làm dịu cơn đau đớn ở chốn cực hình. Sự thèm khát của nhà phú hộ gợi lại sự thèm khát của Lazarô khi xưa được một mẩu bánh vụn để làm vơi đi cơn cồn cào đói bụng.

 

Lạy Chúa Giêsu đầy lòng thương xót, xin cho chúng con có con mắt xót thương để thấy được những nỗi khốn cùng của tha nhân đang cần sự giúp đỡ. Xin cho chúng con biết dùng những ân huệ, của cải Chúa ban, để chia sẻ cho những người đang cần tới sự giúp đỡ của chúng con. Amen.

 

-Lạy Cha Hằng Hữu,/ con xin dâng lên Cha,/ Mình và Máu,/ Linh hồn và Thần tính của Con rất Yêu Dấu Cha / là Đức Giêsu Kitô, /Chúa Chúng con,/ để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới.

-Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới (10X).

 

CHUỖI HẠT LCTX CHỤC THỨ BA QUA DỤ NGÔN LÚA TỐT VÀ CỎ LÙNG

Nhân loại hôm nay là một sự hòa trộn giữa thiện và ác, giữa ân sủng và tội lỗi. Xã hội luôn có người tốt và kẻ xấu. Từ sâu thẳm trong con tim của mỗi người có hai thái cực “thiện và ác”, có lúc ta là thánh, nhưng có lúc ta là tội nhân, như lời thánh Phaolô nói: “Điều tốt tôi muốn làm tôi lại không làm, điều xấu tôi không muốn làm tôi lại cứ làm”. Lịch sử cho thấy nhiều tội nhân đã được biến đổi và trở thành những vị thánh. Thiên Chúa có thể biến sự dữ thành sự lành khi người ta quy phục Chúa. Nhìn cỏ lùng mọc chung với lúa, ai mà không muốn nhổ cỏ lùng đi cho khuất mắt. Nhưng đối với cái nhìn của Thiên Chúa lại khác, lòng nhân từ và xót thương của Chúa vượt quá trí khôn của con người. Chúa cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Chúa thật kiên nhẫn, thậm chí ngay cả ma quỷ Chúa cũng không nỡ tiêu diệt chúng. Với người tội lỗi, Chúa luôn cho họ có nhiều cơ hội sám hối và hoán cải để trở thành những bông lúa tốt. Nếu Chúa thẳng tay nhổ cỏ, liệu có mấy ai còn tồn tại ở trên đời này?

 

Lạy Chúa Giêsu đầy lòng thương xót, nhiều lúc chúng con vội vàng lên án người có lỗi, phân loại và chia người tốt một bên, người xấu một bên. Chúng con thiếu kiên nhẫn bao dung với người xấu, muốn tránh xa họ, không chấp nhận lỗi lầm, tật xấu của họ. Xin Chúa cho chúng con có trái tim giống Chúa biết kiên nhẫn, chờ đợi, cầu nguyện và tin tưởng vào quyền năng của Chúa sẽ làm trên cuộc đời họ. Amen.

 

-Lạy Cha Hằng Hữu,/ con xin dâng lên Cha,/ Mình và Máu,/ Linh hồn và Thần tính của Con rất Yêu Dấu Cha / là Đức Giêsu Kitô, /Chúa Chúng con,/ để đền vì tội lỗi chúng con và toàn thế giới.

-Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới (10X).

 

CHUỖI HẠT LCTX CHỤC THỨ TƯ QUA DỤ NGÔN TÊN MẮC NỢ KHÔNG BIẾT THƯƠNG XÓT

Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến thái độ cần tha thứ cho tha nhân. Tha thứ cho “tha nhân” là điều kiện cần thiết để được Thiên Chúa tha thứ cho chính mình. Trong kinh Lạy Cha, Chúa dạy chúng ta cầu nguyện rằng: Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Nợ là lối nói ẩn dụ để nói về tội, về lỗi lầm của một người. Chúa đã thách đố người Pharisêu: Ai trong các ngươi không có tội hãy cầm đá ném người phụ nữ bắt quả tang phạm tội ngoại tình trước đi?

 

Trong dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót, nhà vua đã tha thứ cho anh đầy tớ với hy vọng anh sẽ tha thứ cho người bạn của anh, nghĩa là anh được tha thứ vô điều kiện. Sự tha thứ này chỉ bị rút lại khi anh cố tình không tha thứ cho người khác. Món nợ “mười ngàn yến bạc” nhà vua tha cho anh rất lớn so với một trăm quan tiền mà người ta mắc nợ anh. Lòng tha thứ của Thiên Chúa mà chúng ta nhận được, sẽ ở lại với chúng ta hay không, còn tùy vào việc chúng ta có tha thứ cho người anh em khác hay không.

 

Lạy Chúa Giêsu đầy lòng thương xót, Chúa Giêsu đã trả cho chúng ta món nợ tội lỗi mà không ai trả nổi bằng cái chết của Chúa để chúng con được sống đời đời. Xin Chúa giúp chúng con có lòng nhân từ như Chúa, biết tha lỗi cho người anh em, vì Chúa không nhận của lễ chúng con dâng nếu chúng con chưa làm hòa với anh em mình. Amen.