Câu Chuyện Về Đời Sống Và Cầu Nguyện

    Xem nhanh

Thứ 7 ngày 17 tháng 6 năm 2023 là một ngày rất đáng ghi nhớ cho Tổng Giáo Phận Wellington của chúng tôi, bởi đó là ngày toàn thể Dân Chúa trong Tổng Giáo Phận được Thiên Chúa ban cho một vị chủ chăn mới, Đức Tổng Giáo Mục Phaolô Martin. Ngày hôm đó tôi đã chứng kiến có nhiều vị khách quý từ khắp New Zealand đến tham dự đại lễ và vì thế công việc chuẩn bị cũng hết sức chu đáo, khiến cho không khí trong giáo phận càng nhộn nhịp hơn. Trong bầu không khí này, chúng tôi vui mừng đón rất nhiều vị khách đặc biệt từ vài ngày trước, trong đó thật may mắn thay Đức Cha Collin Campbell, Đức Cha hưu của Giáo Phận Dunedine đã chọn ở lại nơi nhà xứ của chúng tôi cạnh nhà thờ Holy Cross. Bởi vì giáo xứ tôi sống chỉ cách sân bay một vài phút đi bộ. Và từ ngài, tôi đã học được một bài học rất quý giá về việc cầu nguyện trong đời sống Kito hữu.  

Đức Cha Collin lúc bấy giờ là giám đốc tạm thời của Chủng Viện Thánh Giá (Holy Cross Seminary), nơi đào tạo linh mục duy nhất cho cả sáu giáo phận ở New Zealand. Tuy tuổi đã cao, ngài vẫn yêu mến Giáo Hội bằng việc tiếp tục phục vụ ở tuổi 83. Sau thánh lễ nhậm chức của Đức Tổng Giáo Mục Phaolô Martin, Đức Cha Collin còn ở lại với chúng tôi thêm một ngày nữa. Vì vậy tôi đã lắng nghe được rất nhiều chia sẻ từ ngài. Tối hôm đó, chúng tôi đã gọi món ‘Fish and Chips’ cho bữa tối mộc mạc và cùng xem ‘All Blacks’ thi đấu, ngài đặc biệt thích môn thể thao này! Đức Cha tuy rất giỏi, nhưng ngài rất khiêm tốn và nhẹ nhàng trong ứng xử, ngài tâm sự với tôi rằng, ngoài tiếng Anh, khi đi học và làm việc ngài cũng thành thạo tiếng Đức và Latin. Tôi còn nhớ, ngày hôm sau là Chúa Nhật, một ngày đầy nắng đẹp với một chút se lạnh, Đức Cha dâng thánh lễ lúc 8:30 am cùng với sự hân hoan của dân Chúa. Sau thanh lễ, rất nhiều giáo dân trong giáo xứ chia sẽ rằng họ chỉ mới gặp ngài lần đầu tiên và ấn tượng với phong thái nhẹ nhàng của ngài như một người phục vụ khiêm tốn. Chúa Nhật hôm đó, nhà thờ Holy Cross như được đón nhận một niềm vui khôn tả vì ngoài cha quản xứ, thì thực sự chẳng mấy khi chúng tôi được một Giám Mục hoặc linh mục khác đến dâng lễ Chúa Nhật.

Sau thánh lễ, ngài một mình tản bộ ra phía biển và khi ngài mới quay về lại nhà xứ, một người giáo dân Việt Nam đã hối hả chạy đến, anh ấy thở hổn hển nói:

-Cha xứ có ở nhà không thầy? Cha xứ có đây không? Xin hãy cầu nguyện cho con với vì xe ôtô của con bị trộm mất rồi!

Tôi đáp lại:

-Anh bình tĩnh, xe anh mất ở đâu? Lúc nào?

Nhưng anh ấy chưa kịp nói gì thì đã vội chạy đi để tiếp tục tìm xe. Lúc đó cha xứ tôi đã đến một nhà thờ khác dâng lễ Chúa Nhật nên chỉ có Đức Cha Collin và tôi ở nhà. Khi tôi thuật lại sự việc và nói với Đức Cha anh ấy là một giáo dân trong giáo xứ, ngài lấy ra một mảnh giấy nhỏ cùng một cây viết và hỏi tôi về tên và địa chỉ nhà của người giáo dân. Ngài nói một cách điềm tĩnh:

-Hãy đến nhà của người này.

Tất nhiên tôi đã đồng ý ngay để dẫn ngài đến với họ vì gia đình này chỉ cách nhà thờ vài trăm mét mà thôi. Nhưng ngài nhìn tôi và nói:

-Hãy cầu nguyện trước rồi hãy làm gì đó sau!

Ngay lập tức ngài ngồi xuống trên ghế sofa và thinh lặng cầu nguyện. Tôi cũng ngồi xuống bên ngài và chỉ biết lặng im vì biết ngài đã bắt đầu cầu nguyện. Hai phút sau, ngài mặc áo khoác vào và cùng tôi đi đến nhà người giáo dân. Đôi vợ chồng thuật lại sự việc trong tâm trạng lo lắng âu sầu vì đó thực sự là một vụ cướp xe. Họ rất thất vọng và nghĩ sẽ chẳng bao giờ tìm lại được chiếc ôtô. Đức Cha Collin thì ân cần lắng nghe và động viên đôi vợ chồng trước khi chúng tôi trở về lại nhà xứ.

Đúng một tháng sau, đôi vợ chồng may mắn tìm lại được chiếc xe ôtô với sự giúp đỡ của cảnh sát. Với lòng biết ơn, họ đã nhờ tôi gửi lời cảm ơn đến lời cầu nguyện của Đức Cha Collin, và ngài đã rất vui cùng một lời nhắn lại: “So it all turned out well,” xin tạm dịch là – ‘Vậy cuối cùng thì mọi chuyện tốt lành.’

Bài học về cầu nguyện này thực sự đã trở nên một trong những điều lớn lao nhất mà tôi được trải nghiệm và ghi nhớ trong năm vừa qua. Như thế, cầu nguyện không chỉ là cách thể hiện bằng lời nói mà nó còn là cách chúng ta tiếp cận những cảnh huống khác nhau trong cuộc sống. Quan trọng hơn nữa, khi chúng ta cầu nguyện TRƯỚC và hành động SAU thì việc này đảm bảo rằng chúng ta đặt lòng tín thác vào Thiên Chúa trên tất cả mọi phương tiện thế gian hay những khả năng của bản thân. Như thế, không gì hơn ngoài lòng tín thác sẽ dẫn đưa mọi việc chúng ta đến một quỹ đạo lành thánh.

Tác giả:

Thầy Giuse Nguyễn Đình Khảm

Tổng Giáo Phận Wellington – NZ