BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH - I & II

    Xem nhanh

 

Truyền Chức là bí tích qua đó sứ mạng Chúa Kitô ủy thác cho các tông đồ tiếp tục được thực hiện trong Hội Thánh cho đến tận thế; vì thế, được gọi là bí tích của thừa tác vụ tông đồ. Bí tích này gồm 3 cấp bậc: chức giám mục, chức linh mục và chức phó tế.
(Về việc Đức Kitô thiết lập và trao ban thừa tác vụ tông đồ, xem 874-896. Ở đây, chỉ bàn về bí tích; qua đó, thừa tác vụ này được chuyển giao.)

 I. TẠI SAO GỌI LÀ BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH?

Cur hoc sacramenti Ordinis nomen?

Vào thời cổ Rôma, người ta dùng từ "Ordo" để chỉ những tập thể dân sự, nhất là tập thể lãnh đạo. "Ordinatio" chỉ việc được nhận vào tập thể đó. Trong Hội Thánh có những tập thể như vậy mà truyền thống, phần nào dựa trên cơ sở Kinh Thánh (x. Dt 5,6; 7,11; Tv 110,4), ngay từ xưa gọi là Taxeis (tiếng Hy lạp) hay "Ordines" (tiếng La-tinh). Chẳng hạn, Phụng vụ nói đến hàng giám mục, hàng linh mục, hàng phó tế. Nhiều nhóm khác cũng được gọi là "Ordo" giới dự tòng, giới trinh nữ, giới vợ chồng, giới góa bụa...

Việc gia nhập vào một tập thể của Hội Thánh xưa kia thường được cử hành bằng một nghi thức gọi là“truyền chức” (Ordinatio). Đó là một hành vi tôn giáo và phụng vụ, có thể là thánh hiến, chúc lành hay bí tích. Ngày nay, từ “truyền chức” dành riêng cho việc cử hành bí tích gia nhập hàng giám mục, linh mục và phó tế. Việc này có giá trị hơn việc cộng đoàn bầu cử, chỉ định, ủy nhiệm hay cắt đặt, vì ban hồng ân Thánh Thần cho phép thi hành một "quyền thánh chức" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10) do chính Chúa Kitô ban qua Hội Thánh.

Ordinatio còn được gọi là thánh hiến, nghĩa là được Đức Kitô tách riêng và bổ nhiệm để phục vụ Hội Thánh. Việc giám mục đặt tay và lời nguyện thánh hiến, làm nên dấu chỉ hữu hình của sự thánh hiến này. Theo nghĩa này, tiếng Việt gọi là bí tích Truyền Chức.

 

 

II. BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC TRONG KẾ HOẠCH CỨU ĐỘ

Sacramentum Ordinis in Oeconomia salutis

 

Chức Tư Tế trong Giao Ước Cũ

Sacerdotium Veteris Foederis

Thiên Chúa đã tuyển chọn một dân tộc làm "vương quốc tư tế, và dân thánh" (x .Xh 19,6; x. Is 61,6). Trong dân Israel, Người lại chọn một trong 12 chi tộc để chuyên lo việc tế tự là chi tộc Lêvi (x. Ds 1,48,53). Chính Chúa là phần gia nghiệp của họ (x. Gs 13,33). Các tư tế đầu tiên của Giao Ước Cũ được thánh hiến bằng một nghi thức đặc biệt (x. Xh 29,1-30; Lv 8). Họ "được đặt lên làm đại diện loài người trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội" (Dt 5,1).

Tư tế được đặt lên để loan báo Lời Thiên Chúa (Mt 2,7-9) và để tái lập sự hiệp thông với Thiên Chúa bằng các hy lễ và lời cầu nguyện. Tuy nhiên, chức tư tế này không đủ khả năng thực hiện ơn cứu độ. Các hy tế cứ phải dâng mãi mà vẫn không đạt tới sự thánh hoá dứt khoát (x. Dt 5,3; 7,27; 10,1-4). Chỉ hy lễ của Đức Kitô mới thực hiện được điều này.

Dầu vậy, Phụng Vụ của Hội Thánh vẫn nhận ra trong chức tư tế của Aaron và việc phục vụ của các thầy Lêvi cũng như việc cắt đặt "70 bô lão" (x. Ds 11,24-25)), những hình bóng của chức tư tế Giao Ước Mới. Do đó, trong nghi lễ Latinh, Hội Thánh cầu xin trong kinh Tiền Tụng lễ phong chức giám mục:
“Lạy Cha là Thiên Chúa và là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con..., suốt thời Cựu Ước, Cha đã khởi sự định hình cho Hội Thánh. Từ nguyên thủy, Cha đã tiền định cho dòng dõi những người công chính phát xuất từ Abraham. Cha đã thiết lập những vị thủ lãnh và tư tế, và không để thánh điện Cha thiếu người phục vụ..."

Khi truyền chức linh mục, Hội Thánh cầu xin:
“Lạy Chúa là Cha Chí Thánh..., ngay ở thời Cựu Ước xa xưa đã phát sinh những chức vụ được thiết lập qua các nhiệm tích: vì khi Cha đặt Moisen và Aaron cai trị và thánh hóa dân chúng, Cha đã chọn những người có phẩm hàm và địa vị thấp hơn để giúp đỡ vào tập thể và công việc của các ông. Vì vậy, trong hoang địa, Cha đã phân phát thần trí của Môisen cho 70 người có trí thông minh, để khi dùng họ phụ giúp, ông có thể cai trị dân Cha một cách dễ dàng hơn. Cũng vậy, Cha đã thông ban sự sung mãn của Aaron cho con cháu ông..."

Khi phong chức phó tế, Hội Thánh cầu xin:
“Lạy Cha Chí Thánh..., để xây dựng đền thờ mới là Hội Thánh, Cha đã thiết lập ba cấp thừa tác viên là giám mục, linh mục và phó tế, để họ phục vụ danh Cha, như Cha đã chọn con cháu Lêvi từ thuở đầu, để họ chu toàn thừa tác vụ nơi đền thánh cũ và Cha là gia nghiệp của họ ..."

Chúa Kitô là Thượng Tế duy nhất

Unicum Christi sacerdotium

Tất cả tiên trưng về chức tư tế trong Giao Ước Cũ được hoàn tất trong Đức Kitô Giêsu "Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người" (1Tm 2,5): Vị vua Melchisedech, "Tư tế của Đấng Tối Cao" (St 14,18), được truyền thống Công Giáo xem như hình bóng chức tư tế của Chúa Kitô là "Thượng Tế duy nhất theo phẩm trật Melchisedech" (Dt 5,10; 6,20). Đức Kitô "thánh thiện, vẹn toàn, vô tội" (Dt 7,26), nhờ hy lễ duy nhất trên thập giá, đã vĩnh viễn làm cho những người được thánh hiến trở nên hoàn hảo" (Dt 10,14).

Hy lễ cứu độ của Chúa Kitô là duy nhất, hoàn tất một lần dứt khoát. Tuy nhiên, hy lễ này hiện diện trong hy lễ của Hội Thánh. Cũng vậy, chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô hiện diện nhờ chức tư tế thừa tác mà tính duy nhất không bị suy giảm. Do đó, "chỉ mình Đức Kitô là tư tế đích thực, những người khác chỉ là thừa tác viên của Ngài" (Thánh Tôma Aquinô, thơ gửi tín hữu Do thái 7,4).

Hai sự thông phần vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô

Duae unius sacerdotii Christi participationes

Đức Kitô là thượng tế và trung gian duy nhất đã biến Hội Thánh thành "Vương quốc của các tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người" (Kh 1,6). Như thế, tất cả cộng đoàn tín hữu là tư tế. Các tín hữu thực thi chức tư tế cộng đồng bằng cách mỗi người tùy ơn gọi riêng, tham dự vào sứ mạng của Đức Kitô là Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế. Chính qua bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, các tín hữu được "thánh hiến để trở nên... hàng tư tế thánh" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10).

Chức tư tế thừa tác hay phẩm trật của các giám mục và linh mục cũng như chức tư tế cộng đồng của các tín hữu đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình và bổ túc cho nhau (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10). Dầu vậy hai chức tư tế này khác nhau về bản chất. Khác thế nào? Các tín hữu thi hành chức tư tế cộng đồng bằng cách phát triển sống đức Tin, đức Cậy, đức Mến, sống theo Chúa Thánh Thần. Còn chức tư tế thừa tác dành để phục vụ chức tư tế cộng đồng, giúp phát triển ân sủng bí tích Thánh Tẩy của mọi kitô hữu. Đó là một trong những cách thế Đức Giêsu luôn dùng để xây dựng và hướng dẫn Hội Thánh. Vì thế, chức tư tế này được chuyển giao qua bí tích riêng là bí tích Truyền Chức.

Thi hành chức vụ thủ lãnh của Đức Kitô...
In persona Christi-Capitis...

Khi thừa tác viên thi hành chức vụ trong Hội Thánh, chính Đức Kitô hiện diện với tư cách là Đầu của Thân Thể, là Mục Tử đoàn chiên, Thượng Tế của hy lễ cứu độ, Thầy dạy Chân Lý. Đó là điều Hội Thánh muốn diễn tả khi nói, nhờ bí tích Truyền Chức, tư tế thi hành chức vụ thủ lãnh của Đức Kitô (in persona Christi Capitis) (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10;28; Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 33; Sắc lệnh Christus Dominus, 11; Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 2; 6):
“Thừa tác viên đóng vai trò của chính Đức Kitô Tư Tế. Nhờ bí tích truyền chức đồng hóa họ với vị Thượng Tế, thừa tác viên có quyền hành động với thần lực và vai trò của chính Đức Kitô (x. Piô XII, thông điệp "Đấng Trung Gian của Thiên Chúa")
Chúa Kitô là nguồn mạch mọi chức tư tế: tư tế của Cựu Ước là hình bóng của Đức Kitô và tư tế của Tân Ước thi hành chức vụ của Đức Kitô” (Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, Tổng luận Thần học III, q. 22, a. 4).

Qua thừa tác vụ của người có chức thánh, nhất là của các giám mục và linh mục, sự hiện diện của Đức Kitô như thủ lãnh của Hội Thánh trở nên hữu hình giữa cộng đoàn tín hữu (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 21). Theo cách diễn tả của Thánh Ignatiô Antiôchia, giám mục là typos tou Patros, là hình ảnh sống động của Chúa Cha.

Sự hiện diện của Đức Kitô nơi vị thừa tác viên không loại trừ những khiếm khuyết của con người, óc thống trị, sai lầm và cả tội lỗi nữa. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần không bảo đảm cho mọi hoạt động của các thừa tác viên trở nên đồng nhất. Khi thừa tác viên cử hành các bí tích, có sự bảo đảm là ngay cả tội của họ không ngăn trở hiệu quả của ân sủng. Còn các hành vi khác vẫn mang dấu vết cá tính của thừa tác viên, không luôn luôn là dấu chỉ trung thành với Tin Mừng và do đó có thể phương hại đến hiệu quả tông đồ của Hội Thánh.

Chức tư tế được thiết lập để phục vụ. "Nhiệm vụ Chúa đã trao phó cho các mục tử của dân Người thực là một việc phục vụ " (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 24). Chức tư tế này có là vì Đức Kitô và vì con người, hoàn toàn tùy thuộc vào Chúa Kitô và chức tư tế duy nhất của Người, được thiết lập để mưu ích cho con người và cộng đoàn Hội Thánh. Bí tích Truyền Chức thông ban "quyền thánh chức", chính là quyền của Đức Kitô. Phải sử dụng quyền bính theo gương Đức Kitô, Đấng vì yêu thương đã trở nên rốt hết và đầy tớ của mọi người (x. Mc 10,43-45; 1Pr 5,3). "Chúa đã tuyên bố rõ ràng việc chăm sóc đoàn chiên là bằng chứng tình yêu đối với Người" (x.Thánh Gioan Kim Khẩu, về các bí tích 2,4; x. Ga 21,15-17).

"... Nhân danh toàn thể Hội Thánh

...« nomine totius Ecclesiae »

Chức tư tế thừa tác không những có nhiệm vụ đóng vai trò Đức Kitô, Thủ Lãnh của Hội Thánh, trước cộng đoàn tín hữu, mà còn hành động nhân danh toàn thể Hội Thánh, khi dâng lên Thiên Chúa kinh nguyện của Hội Thánh (CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 33), nhất là khi cử hành thánh lễ (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 10).

"Nhân danh toàn thể Hội Thánh" không có nghĩa là các tư tế được cộng đoàn ủy nhiệm. Kinh nguyện và lễ vật của Hội Thánh liên kết với kinh nguyện và lễ vật của Đức Kitô, Thủ Lãnh Hội Thánh. Đây luôn là việc Đức Kitô phụng thờ Chúa Cha được dâng lên trong và nhờ Hội Thánh. Toàn thể Hội Thánh, Thân Thể Đức Kitô cầu nguyện và dâng mình cho Chúa Cha, "chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần".

Cả Thân thể, gồm Đầu và các chi thể, cầu nguyện và dâng mình; những thừa tác viên đúng nghĩa trong Thân Thể ấy, không những là thừa tác viên của Đức Kitô mà còn là thừa tác viên của Hội Thánh nữa. Chính vì đóng vai trò Đức Kitô, nên vị tư tế thừa tác có thể hành động nhân danh Hội Thánh.