BÍ TÍCH THỐNG HỐI VÀ GIAO HÒA

    Xem nhanh

 

 

Tội trước hết là xúc phạm đến Thiên Chúa, là đoạn tuyệt với Người, đồng thời cũng làm tổn thương sự hiệp thông với Hội Thánh. Vì thế, khi hoán cải chúng ta được Thiên Chúa tha thứ đồng thời được giao hòa với Hội Thánh. Đây chính là điều được Phụng vụ bí tích thống hối và giao hòa diễn tả và thực hiện ( CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý  Lumen Gentium, 11).

Chỉ một mình Thiên Chúa có quyền tha tội

Solus Deus peccatum dimittit

Chỉ một mình Thiên Chúa có quyền tha tội cho con người (x. Mc 2,7). Là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu tự khẳng định: "Con Người có quyền tha tội dưới đất" (Mc 2,10), và Người thực thi quyền ấy: "Tội con đã được tha" (Mc 2,5; Lc 7,48). Hơn nữa, nhân danh quyền Thiên Chúa, Người ban quyền tha tội cho một số người (x.Ga 20,21-23) để họ thực thi nhân danh Người.

Đức Kitô đã muốn rằng trong kinh nguyện, đời sống và hoạt động, Hội Thánh trọn vẹn phải là dấu chỉ và khí cụ ơn tha thứ và giao hòa Người đã mua được bằng giá máu Người. Tuy nhiên, Người ủy thác quyền giải tội cho thừa tác vụ tông đồ. Người tông đồ được uỷ thác "thừa tác vụ giao hòa" (2 Cr 5,18), được sai đi "nhân danh Đức Kitô"; và qua người tông đồ, "chính Thiên Chúa" khuyên bảo và nài nỉ: "Hãy giao hòa với Thiên Chúa" (2 Cr 5,20).

Giao Hòa với Hội Thánh

Reconciliatio cum Ecclesia

Trong đời sống công khai, chẳng những Chúa Giêsu tha tội, Người còn cho thấy hiệu quả của việc tha tội: Người đã đưa những người được tha tội trở lại cộng đồng dân Chúa vì tội đã tách lìa hoặc khai trừ họ khỏi cộng đoàn. Một dấu chỉ tỏ tường là Người cho kẻ tội lỗi đồng bàn với mình, hơn nữa, còn đến dùng bữa với họ: cử chỉ này nói lên việc họ được Thiên Chúa tha tội (x. Lc 15) và được trở về trong lòng Dân Chúa (x. Lc 19,9).

Khi cho các tông đồ chia sẻ quyền tha tội, Chúa cũng cho họ quyền giao hòa tội nhân với Hội Thánh. Chiều kích Hội Thánh này của nhiệm vụ tông đồ được diễn tả cách đặc biệt trong lời long trọng Đức Kitô nói với thánh Phêrô: "Thầy sẽ ban cho con chìa khoá Nước Trời. Những gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; những gì con tháo cởi dưới đất trên trời cũng tháo cởi" (Mt 16,19). "Nhiệm vụ cầm buộc và tháo cởi đã được ban cho thánh Phêrô cũng được ban cho tập thể tông đồ hiệp nhất với thủ lãnh (Mt 18,18; 28, 16-20) " ( CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 22) .

Cầm buộc và tháo cởi nghĩa là ai bị các tông đồ loại trừ khỏi sự hiệp thông với Hội Thánh, cũng không được hiệp thông với Thiên Chúa; ai được hiệp thông trở lại, cũng được thông hiệp lại với Thiên Chúa. Giao hòa với Hội Thánh không thể tách biệt khỏi giao hòa với Thiên Chúa.

Bí tích tha tội

Indulgentiae sacramentum

Đức Kitô đã lập bí tích thống hối cho những tội nhân trong Hội Thánh, trước hết là cho những người sau khi đã được rửa tội mà còn phạm tội trọng, đánh mất ân sủng thánh tẩy và làm tổn thương đến sự hiệp thông Hội Thánh. Bí tích thống hối cho họ có một cơ hội mới hoán cải và tìm lại ơn công chính hóa. Các giáo phụ coi bí tích này như "cái phao thứ nhì sau khi tầu chìm, tức là đánh mất ân sủng" (x Tertullianô về sự thống hối 4,2; x. CĐ Trentô: DS 1542).

Qua dòng thời gian, Hội Thánh thực thi quyền tha tội dưới nhiều hình thức. Trong các thế kỷ đầu, sau khi đã được rửa tội, mà còn phạm những tội đặc biệt nghiêm trọng (thí dụ thờ ngẫu tượng, giết người, ngoại tình), các tín hữu phải chịu một hình thức kỷ luật rất khắt khe: Kẻ có tội phải thống hối công khai, thường là trong nhiều năm, trước khi được giao hòa, nhưng hiếm có người được nhận vào "hàng hối nhân" này; trong một số miền, mỗi người chỉ được nhận một lần trong đời. Trong thế kỷ thứ 7, cảm hứng từ truyền thống đan tu Đông Phương, các thừa sai Ailen đem vào lục địa châu Âu "hình thức thống hối riêng", không đòi làm việc thống hối công khai và lâu dài trước khi được giao hòa với Hội Thánh. Từ đó, bí tích được ban cách kín đáo giữa hối nhân và linh mục.

Cách thực hành này dự liệu người ta có thể được giao hòa nhiều lần và vì thế mở đường cho việc năng lãnh nhận bí tích thống hối. Hình thức này cũng cho phép kết hợp trong một việc cử hành bí tích việc tha tội trọng và tội nhẹ. Những nét chính về hình thức thống hối này Hội Thánh vẫn còn thực hành cho tới ngày nay.

Qua những thay đổi về quy định và nghi thức theo dòng thời gian, chúng ta nhận ra một cấu trúc nền tảng với hai yếu tố chính. Một mặt là những hành vi của những con người hoán cải dưới tác động của Chúa Thánh Thần: ăn năn, thú tội và đền tội. Mặt khác là tác động của Thiên Chúa qua thừa tác vụ của Hội Thánh. Nhờ giám mục và linh mục, Hội Thánh tha tội nhân danh Đức Kitô, ấn định việc đền tội, cầu nguyện cho hối nhân và cùng làm việc thống hối với họ. Nhờ đó, tội nhân được chữa lành và hiệp thông lại với Hội Thánh.

Công thức giải tội trong Giáo Hội Latinh diễn tả những yếu tố cốt yếu của bí tích: Chúa Cha từ ái là nguồn mọi ơn tha thứ. Người thực hiện việc giao hòa tội nhân nhờ cuộc vượt qua của Chúa Con và hồng ân Thánh Thần, qua lời nguyện và thừa tác vụ của Hội Thánh:
Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa, mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội; xin Chúa dùng tác vụ của Hội Thánh, mà ban cho anh (chị) ơn tha thứ và bình an. Vậy, tôi tha tội cho anh (chị) nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần (Nghi thức Thống Hối, 46. 55) .