BÍ TÍCH THÊM SỨC

    Xem nhanh

 

Bí tích Thêm Sức cùng với bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể hợp thành một thể thống nhất gồm "ba bí tích khai tâm Kitô giáo". Vì thế, phải giải thích cho các tín hữu biết họ cần lãnh nhận bí tích Thêm Sức để hoàn tất ân sủng Thánh Tẩy (Nghi thức Bí tích Thêm Sức).

"Nhờ ơn bí tích Thêm Sức, các tín hữu gắn bó với Hội Thánh cách hoàn hảo hơn và được dư đầy sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần; do đó, họ càng có bổn phận khẩn thiết hơn phải loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm, như những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 11).

 


I. BÍ TÍCH THÊM SỨC TRONG KẾ HOẠCH ƠN CỨU ĐỘ
Confirmatio in Oeconomia salutis 

 

Trong Cựu Ước các ngôn sứ loan báo: Thánh Thần Chúa sẽ ngự xuống trên Đấng Messia (x. Is 11,2) muôn dân mong đợi để giúp Người thực hiện sứ mạng cứu độ (x. Lc 4,16-22; Is 61,1). Việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu khi Người chịu phép rửa của Gioan, là dấu chỉ cho thấy chính Người là Đấng phải đến, là Đấng Messia và là Con Thiên Chúa (Mt 3,13-17).

Vì Người đã nhập thể bởi phép Chúa Thánh Thần, nên tất cả cuộc đời và sứ mạng của Người được thực hiện trong sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Thánh Thần, "Thiên Chúa ban Thánh Thần cho Người vô ngần vô hạn" (Ga 3,34).

Thiên Chúa không những ban tràn đầy Thánh Thần cho Đấng Messia, mà còn ban cho toàn thể dân của Đấng Messia (x. Ed 36,25-27; Ge 3,1-2). Nhiều lần, Đức Kitô đã hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ (x. Lc 12,12; Ga 3,5-8); Người đã thực hiện lời hứa đó trong ngày Phục Sinh (x. Ga 20,22) và sau đó, công khai trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,1-4). Được tràn đầy Thánh Thần, các tông đồ bắt đầu rao giảng "những kỳ công của Thiên Chúa" (Cv 2,11). Phêrô công bố: việc Thánh Thần được ban xuống là dấu chỉ của thời đại Đấng Messia (x. Cv 2,17-18). Ai tin lời rao giảng của các tông đồ và nhận phép rửa, cũng nhận được hồng ân Thánh Thần (Cv 2,38).

"Từ đó, theo ý của Đức Kitô, các tông đồ dặt tay ban Thánh Thần cho các tân tòng để kiện toàn ân sủng Thánh Tẩy (x. Cv 8,15-17;19,5-6). Vì thế, thư Do Thái đã liệt kê giáo lý về Phép Rửa và về nghi thức Đặt Tay (Dt 6,2) vào số những yếu tố căn bản của huấn giáo. Truyền thống công giáo đã làm đúng, khi coi việc đặt tay là nguồn gốc của bí tích Thêm Sức, là phương thế lưu truyền hồng ân Thánh Thần trong Hội Thánh" (x. ĐGH Phaolô VI, tông hiến "Thông dự bản tính Thần linh").

Để biểu thị rõ hồng ân Thánh Thần, ngoài việc đặt tay, Hội Thánh đã sớm thêm nghi thức Xức Dầu. Việc xức dầu này làm nổi bật danh xưng Kitô hữu là "người được xức dầu"; danh xưng bắt nguồn từ chính Đức Kitô, "Đấng được Thiên Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong" (Cv 10,38).

Nghi thức Xức Dầu này được giữ đến nay trong nghi lễ Đông cũng như Tây Phương. Giáo Hội Đông Phương gọi bí tích này là bí tích Dầu Thánh. Giáo Hội Latinh gọi là bí tích Thêm Sưùc, vì bí tích này vừa xác nhận bí tích Thánh Tẩy, vừa củng cố ân sủng Thánh Tẩy.

Hai truyền thống: Đông phương và Tây phương

Duae traditiones: Orientis et Occidentis

Vào các thế kỷ đầu, bí tích Thêm Sức thường được cử hành chung với bí tích Thánh Tẩy thành một "bí tích kép" theo kiểu nói của Thánh Cyprianô. Vì thói quen rửa tội cho trẻ em ngày một thịnh hành và rửa tội vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, vì các giáo xứ nhất là ở miền quê gia tăng, làm cho giáo phận mở rộng, nên vị giám mục không thể hiện diện trong mọi cử hành rửa tội.

Nghi lễ Tây Phương tách bí tích Thêm Sức khỏi bí tích Thánh Tẩy một khoảng thời gian để vị giám mục có thể đích thân cử hành bí tích Thêm Sức, kiện toàn bí tích thánh Tẩy. Đông Phương vẫn giữ thói quen kết hợp hai bí tích trên, do đó vị linh mục rửa tội sẽ ban ngay cho người tân tòng bí tích Thêm Sức. Tuy nhiên, vị linh mục này chỉ có thể cử hành bí tích Thêm Sức với dầu thánh do giám mục thánh hiến (Bộ Giáo Luật Đông phương, các điều 695,1. 696,1).

Giáo Hội Rôma có một thói quen rất thuận lợi cho việc phát triển cách thực hành của nghi lễ Tây Phương: xức dầu hai lần cho người được rửa tội. Lần đầu do linh mục khi người tân tòng lên khỏi nước, lần thứ hai do giám mục xức trên trán từng người tân tòng (Thánh Hippôlytô Rôma, Truyền thống các tông đồ 21).

Lần xức dầu thứ nhất do linh mục được giữ lại trong nghi thức rửa tội, biểu thị sự tham dự của nguời tân tòng vào các chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương giả của Đức Kitô. Đối với người lớn, nghi lễ Tây Phương chỉ có một lần xức dầu sau khi rửa tội, lần xức dầu của bí tích Thêm Sức.

Cách thực hành của Giáo Hội Đông phương nhấn mạnh tính thống nhất của việc khai tâm Kitô giáo. Cách thực hành của Giáo Hội Latinh cho thấy rõ hơn sự hiệp thông giữa người Kitô hữu và vị giám mục của mình; ngài là người bảo đảm và chăm sóc cho tính duy nhất, công giáo và tông truyền của giáo đoàn đó, và chính là mối dây liên kết người tân tòng với nguồn gốc tông truyền của Hội Thánh Chúa Kitô.

 

II. CÁC DẤU CHỈ VÀ NGHI THỨC CỦA BÍ TÍCH THÊM SỨC

Confirmationis signa et ritus 

Trong nghi thức bí tích Thêm Sức, chúng ta cần lưu ý đến dấu chỉ xức dầu và ấn tín thiêng liêng.
Theo ngôn ngữ biểu tượng của Thánh Kinh, xức dầu có nhiều ý nghĩa: dầu là dấu chỉ của sự sung mãn (x.Dt 11,14) và niềm vui (x.Tv 23,5; 104,15); dầu dùng để thanh tẩy (thoa dầu truớc và sau khi tắm); dầu làm cho dẻo dai (thoa dầu cho các lực sĩ và đô vật); dầu là dấu chỉ chữa bệnh vì chữa lành các vết bầm và vết thương (x.Is 1,6; Lc 10,34); dầu làm nổi bật vẻ đẹp, sức khỏe và thể lực.

Chúng ta gặp lại tất cả những ý nghĩa này trong đời sống bí tích. Xức "dầu dự tòng" trước khi chịu rửa tội biểu thị việc thanh tẩy và tăng sức. Xức dầu bệnh nhân diễn tả việc chữa lành và hồi phục. Xức "Dầu Thánh" sau khi rửa tội, khi lãnh bí tích Thêm Sức và Truyền Chức, là dấu chỉ thánh hiến.

Nhờ bí tích Thêm Sức, các Kitô hữu là những người được xức dầu, được tham dự tích cực hơn vào sứ mạng của Đức Kitô và được tràn đầy Thánh Thần của Người, để toàn bộ đời sống của họ tỏa "hương thơm của Đức Kitô" (2 Cr 2,15).

Qua việc xức dầu này, người chịu bí tích Thêm Sức nhận được "dấu ấn", ấn tín của Chúa Thánh Thần. Ấn tín biểu tượng cho một người (x.St 38,18; Dc 8,6), là dấu chỉ quyền hành (x.St 41-42), quyền sở hữu (Đnl 32, 34) của người đó (người ta thường ghi dấu của vị chỉ huy trên các người lính, dấu của chủ trên các nô lệ). Ấn tín còn để xác nhận một văn kiện pháp lý hay niêm phong một tài liệu mật (x. Gr 32,10; Is 29,11).

Chính Đức Kitô tuyên bố Chúa Cha đã ghi ấn tín cho Người (x.Ga 6,27). Người Kitô hữu cũng được khắc ghi một ấn tín: "Đấng đã đặt chúng tôi và anh em trên nền tảng vững chắc là Đức Kitô, Đấng đã xức dầu cho chúng ta, Đấng ấy là Thiên Chúa. Chính Người cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thánh Thần vào lòng chúng ta làm bảo chứng" (x. 2Cr 1,22; Ep 1,13; 4,30).

Ấn tín của Chúa Thánh Thần xác nhận một người hoàn toàn thuộc về Đức Kitô, để vĩnh viễn phục vụ Người, đồng thời là dấu chỉ của lời Thiên Chúa hứa sẽ bảo vệ người ấy trong cuộc thử thách lớn lao thời cánh chung (x. Kh 7,2-3; 9,4; Ed 9,4-6).

Nghi thức bí tích Thêm Sức

Confirmationis celebratio

Có một nghi thức quan trọng và gắn liền với bí tích Thêm Sức nhưng được cử hành trước bí tích Thêm Sức, đó là nghi thức thánh hiến dầu. Trong thánh lễ làm phép dầu ngày Thứ Năm Tuần Thánh, giám mục thánh hiến dầu để sử dụng trong toàn giáo phận. Trong vài Giáo Hội Đông Phương, nghi thức này dành riêng cho vị thượng phụ.
Phụng vụ Antiôchia thánh hiến dầu bằng lời xin ban Thánh Thần như sau: "Lạy Cha... xin cử Thánh Thần đến trên chúng con và trên dầu đang đặt trước mặt chúng con đây. Xin thánh hiến dầu dành để xức và ghi dấu cho tất cả mọi người: dầu thánh, dầu tư tế, dầu vương đế, dầu hoan lạc, trang phục ánh sáng, áo cứu độ, hồng ân thiêng liêng, ơn thánh hóa linh hồn và thân xác, hạnh phúc vững bền, ấn tín không thể tẩy xóa, khiên thuẫn bảo vệ đức tin, và mũ chiến an toàn chống đỡ mọi cuộc tấn công của Kẻ thù".

Khi bí tích Thêm Sức được cử hành tách khỏi bí tích Thánh Tẩy như trong nghi lễ Rôma, phụng vụ bí tích bắt đầu bằng việc lặp lại lời hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và việc tuyên xưng đức tin của người sắp nhận bí tích Thêm Sức. Điều này nhấn mạnh bí tích Thêm Sức đi liền với bí tích Thánh Tẩy (CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 71). Khi một người trưởng thành chịu phép Rửa Tội, họ sẽ lãnh nhận ngay sau đó bí tích Thêm Sức và tham dự vào bí tích Thánh Thể (Bộ Giáo Luật, điều 866).

Trong nghi lễ Rôma, vị giám mục "đặt tay" trên toàn thể những người lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Đây là cử chỉ có từ thời các tông đồ diễn tả việc ban ơn Thánh Thần. Vị giám mục cầu khẩn Thiên Chúa ban Thánh Thần với lời nguyện như sau:
"Lạy Thiên Chúa toàn năng, là Cha Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, Chúa đã tái sinh các tôi tớ Chúa đây bởi nước và Thánh Thần khi giải thoát họ khỏi tội lỗi, thì lạy Chúa, xin hãy ban Chúa Thánh Thần, Đấng An Ủi đến trong những người này; xin ban cho họ thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu và sức mạnh, thần trí suy biết và đạo đức, xin ban cho những người này đầy ơn kính sợ Chúa. Nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con."

Tiếp đó là nghi thức chính yếu của Bí tích. Trong nghi lễ Latinh, "bí tích Thêm Sức được trao ban bằng việc xức dầu thánh trên trán, đồng thời với việc đặt tay và đọc lời này ("Accipe Signaculum doni Spiritus Sancti"): "Hãy nhận lấy ấn tín hồng ân Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần" (x. Theo tài liệu Corrigenda Concernant le contenu du texte (en Francaise), câu này được dịch là Sois marqué de L'Éprit Saint, le don de Dieu).

Trong các Giáo hội Đông phương theo nghi lễ Byzantin, việc xức dầu thánh được thực hiện sau lời nguyện xin ban Chúa Thánh Thần của vị chủ tế; dầu thánh được xức trên những phần có ý nghĩa nhất của thân thể: trán, mắt, mũi, tai, môi, ngực, lưng, hai tay và hai chân; mỗi lần xức dầu, chủ tế nói ("Signaculum doni Spiritus Sancti"): "Ấn tín hồng ân là chính Chúa Thánh Thần".

"Hôn bình an" kết thúc nghi thức, biểu thị và biểu lộ sự hiệp thông trong Hội Thánh giữa vị giám mục và toàn thể tín hữu.

 

III. NHỮNG HIỆU QUẢ CỦA BÍ TÍCH THÊM SỨC

Confirmationis effectus


Hiệu quả của bí tích Thêm Sức là người tín hữu được nhận Chúa Thánh Thần một cách đặc biệt, như ngày xưa các tông đồ đã nhận được trong ngày lễ Ngũ Tuần.

Với hiệu quả này, bí tích Thêm Sức tăng trưởng và đào sâu ơn bí tích Thánh Tẩy:
- giúp chúng ta đi sâu vào tình nghĩa tử thiêng liêng, cho phép chúng ta gọi Thiên Chúa là “Abba, Cha ơi!” (Rm 8,15);
- giúp chúng ta kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô;
- gia tăng các ơn Chúa Thánh Thần trong chúng ta;
- cho chúng ta liên kết trọn vẹn hơn với Hội Thánh;
- ban sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần để chúng ta truyền bá và bảo vệ đức tin bằng lời nói và hành động như những chứng nhân đích thực của Đức Kitô, để anh dũng tuyên xưng danh thánh Chúa Kitô và không bao giờ hổ thẹn vì thập giá (CĐ Florentinô, Decretum pro Armenis: DS 1319; Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 11,12):

"Hãy nhớ, bạn đã lãnh nhận ấn tín thiêng liêng của Chúa Thánh Thần là thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu và sức mạnh, thần trí suy biết và đạo đức, thần trí dạy cho biết kính sợ Thiên Chúa. Hãy gìn giữ những gì bạn đã lãnh nhận. Chúa Cha đã ghi ấn tín của Người nơi bạn. Chúa Kitô đã tăng sức cho bạn và đặt trong lòng bạn bảo chứng của Chúa Thánh Thần" (Thánh Ambrôsiô, De mysteriis, Bàn về các mầu nhiệm 7,12).

Như bí tích Thánh Tẩy, bí tích Thêm Sức chỉ được nhận một lần mà thôi. Bí tích Thêm Sức in vào linh hồn một dấu ấn thiêng liêng không thể tẩy xóa được, một ấn tích (CĐ Triđentinô, DS 1609): Chúa Kitô đóng ấn tín của Thần Khí Người trên Kitô hữu để củng cố họ bằng sức mạnh thần linh và biến họ thành chứng nhân cho Người (x. Lc 24,48-49).

"Ấn tích" kiện toàn chức tư tế cộng đồng người tín hữu đã lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy, và "người lãnh bí tích Thêm Sức nhận được sức mạnh để công khai tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô như một bổn phận" (Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, Tổng luận Thần học III, q. 72, a. 5, ad 2).

 

IV. AI CÓ THỂ LÃNH NHẬN BÍ TÍCH THÊM SỨC?

Quis hoc sacramentum recipere potest?  


Tất cả những ai đã lãnh bí tích Thánh Tẩy, nhưng chưa nhận bí tích Thêm Sức, đều có thể và phải lãnh nhận bí tích Thêm Sức (CIC can 889,1). Ba bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể tạo thành một thể thống nhất, nên "các tín hữu buộc phải lãnh nhận bí tích Thêm Sức vào thời gian thích hợp" (CIC, can 890). Thiếu bí tích Thánh Thể và Thêm Sức, Thánh Tẩy chắc chắn thành sự và hữu hiệu, nhưng việc khai tâm Kitô giáo vẫn chưa trọn vẹn.

Thói quen trong Giáo Hội Latinh, từ nhiều thế kỷ, lấy "tuổi biết phán đoán" làm chuẩn để lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Trong trường hợp nguy tử, Hội Thánh vẫn ban bí tích này cho các trẻ em dù chưa đến tuổi biết phán đoán (CIC, can 891. 883,3).

Đôi khi chúng ta gọi bí tích Thêm Sức là "bí tích dành cho Kitô hữu trưởng thành", nhưng không vì thế lẫn lộn tuổi trưởng thành trong đức tin với tuổi phát triển tự nhiên; hơn nữa, ân sủng của bí tích Thánh Tẩy là một ơn tuyển chọn nhưng không, không cần "xác nhận" để có hiệu lực. Thánh Tôma nhắc nhở:
"Tuổi thể lý không phải là tiêu chuẩn cho linh hồn. Dù còn nhỏ, người ta có thể đạt tới mức trưởng thành thiêng liêng, như sách Khôn Ngoan dạy: "Sự già giặn đáng kính đâu phải vì trường thọ hay cao niên" (4,8). Vì thế, có nhiều trẻ em, sau khi nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần, đã anh dũng chiến đấu dù phải đổ máu vì Chúa Kitô" (Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, Tổng luận Thần học III, q. 72, a. 8, ad 2).

Để lãnh nhận bí tích Thêm Sức, người tín hữu phải được chuẩn bị nhằm kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô, gắn bó chặt chẽ với Chúa Thánh Thần, với hoạt động, hồng ân và lời mời gọi của Người, và hăng hái nhận lấy trách nhiệm tông đồ của Kitô hữu.

Do đó, giáo lý Thêm Sức phải cố gắng giúp cho thụ nhân cảm nhận mình thuộc về Hội Thánh Chúa Kitô, thuộc về Hội Thánh toàn cầu cũng như cộng đoàn giáo xứ. Cộng đoàn này có trách nhiệm đặc biệt trong việc chuẩn bị cho những người sắp chịu phép Thêm Sức (Nghi thức Bí tích Thêm Sức, Tiền chú 3).

Để lãnh nhận bí tích Thêm Sức, người tín hữu phải ở trong tình trạng ân sủng. Họ cần nhờ bí tích Hòa Giải thanh tẩy tâm hồn để đón nhận hồng ân Chúa Thánh Thần. Ngoài ra, họ còn phải tích cực cầu nguyện để chuẩn bị đón nhận ân sủng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần với tâm hồn vâng phục và sẵn sàng (x. Cv 1,14).

Cũng như bí tích Thánh Tẩy, người sắp lãnh nhận bí tích Thêm Sức nên tìm một người đỡ đầu, để được trợ giúp trong đời sống thiêng liêng. Nên chọn chính người đỡ đầu rửa tội để nhấn mạnh sự thống nhất của hai bí tích này (Nghi thức Bí tích Thêm Sức, Tiền chú 5;6; CIC can 893,1-2).

 

V. THỪA TÁC VIÊN BÍ TÍCH THÊM SỨC

Confirmationis minister

Thừa tác viên cơ bản của bí tích Thêm Sức là vị giám mục (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 26).

Ở Đông Phương, thông thường vị linh mục ban bí tích Thánh Tẩy và ban luôn bí tích Thêm Sức trong cùng một cử hành. Tuy nhiên, linh mục phải dùng dầu thánh được vị thượng phụ hay giám mục thánh hiến, để nói lên tính duy nhất tông truyền của Hội Thánh được củng cố nhờ bí tích Thêm Sức.

Giáo Hội Latinh cũng áp dụng trình tự này khi rửa tội cho người lớn hay khi đón nhận một người đã được rửa tội trong một Giáo Hội khác thuộc Kitô giáo vào hiệp thông với Giáo Hội công giáo, nếu Giáo Hội này không có bí tích Thêm Sức thành sự (CIC can 883,2).

Trong nghi lễ Latinh, giám mục là thừa tác viên thông thường của bí tích Thêm Sức (CIC can 882). Dù giám mục có thể trao quyền ban bí tích Thêm Sức cho các linh mục trong những trường hợp cần thiết (CIC can 884,2); nhưng do ý nghĩa của bí tích này, giám mục nên trực tiếp ban vì đừng quên bí tích Thêm Sức được tách khỏi bí tích Thánh Tẩy là để các ngài có thể đích thân đến ban phép Thêm Sức. Các giám mục là những vị kế nhiệm tông đồ, được lãnh nhận bí tích truyền chức cách viên mãn, nên việc các ngài đích thân cử hành bí tích sẽ nhấn mạnh: bí tích Thêm Sức kết hợp chặt chẽ những người lãnh nhận với Hội Thánh, với các nguồn gốc tông đồ và với sứ mạng làm chứng cho Chúa Kitô.

Bất cứ linh mục nào cũng có thể ban bí tích Thêm Sức cho người tín hữu đang nguy tử (CIC can 883,3). Hội Thánh mong muốn: không một người con nào của mình, cho dù bé nhỏ, lìa đời mà chưa được Chúa Thánh Thần kiện toàn bằng ân sủng tràn đầy của Chúa Kitô.

 


TÓM LƯỢC

Compendium

"Các Tông đồ ở Giêrusalem nghe biết dân miền Samari đã đón nhận Lời Thiên Chúa thì cử ông Phêrô và Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần. Vì Thánh Thần chưa ngự xuống ai trong nhóm họ, họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần" (Cv 8,14-17).

Bí tích Thêm Sức kiện toàn ân sủng Thánh Tẩy. Đây là bí tích ban ơn Thánh Thần để giúp chúng ta củng cố ơn nghĩa tử, tháp nhập thâm sâu vào Chúa Kitô, liên kết chặt chẽ với Hội Thánh, gắn bó với sứ mạng của Hội Thánh và làm chứng cho đức tin Kitô giáo bằng cả cuộc sống.

Cũng như bí tích Thánh Tẩy, bí tích Thêm Sức in vào tâm hồn người tín hữu một dấu thiêng liêng, một ấn tín không tẩy xóa được. Vì thế, mỗi người chỉ có thể lãnh nhận bí tích Thêm Sức một lần trong đời.

Giáo Hội Đông Phương ban bí tích Thêm Sức liền sau bí tích Thánh Tẩy; tiếp đó, người tân tòng được tham dự ngay bí tích Thánh Thể. Truyền thống này làm nổi bật sự thống nhất của ba bí tích khai tâm Kitô giáo. Giáo Hội Latinh ban bí tích Thêm Sức cho các em đã tới tuổi khôn; và thường dành quyền ban bí tích này cho giám mục để thấy rõ người nhận bí tích Thêm Sức được liên kết với Hội Thánh.

Muốn lãnh nhận bí tích Thêm Sức, người tín hữu tới tuổi khôn, phải tuyên xưng đức tin, đang trong tình trạng ân sủng, có ý muốn lãnh nhận bí tích, sẵn sàng đảm nhận vai trò môn đệ và chứng nhân của Chúa Kitô, trong cộng đoàn Hội Thánh cũng như trong các lãnh vực trần thế.

Nghi thức chính yếu của bí tích Thêm Sức là xức dầu thánh trên trán người đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy (Giáo Hội Đông Phương còn xức dầu trên những phần khác của thân thể), cùng với việc thừa tác viên đặt tay và đọc: "Hãy lãnh nhận Chúa Thánh Thần là ấn tín hồng ấn Thiên Chúa" ("Accipe signaculum doni Spiritus Sancti", nghi lễ Latinh) hay "Ấn tín hồng ân là chính Chúa Thánh Thần" ("Signaculum doni Spiritus Sancti", nghi lễ Byzantin).

Khi bí tích Thêm Sức được cử hành tách khỏi bí tích Thánh Tẩy, chính việc lặp lại lời tuyên xưng đức tin khi rửa tội, làm nổi bật mối liên hệ giữa hai bí tích này. Bí tích Thêm Sức được cử hành trong Thánh lễ, để nhấn mạnh tính thống nhất của các bí tích khai tâm Kitô giáo.