BÍ TÍCH THÊM SỨC

    Xem nhanh

Bí tích Thêm Sức cùng với bí tích Thánh Tẩy và Thánh Thể hợp thành một thể thống nhất gồm "ba bí tích khai tâm Kitô giáo". Vì thế, phải giải thích cho các tín hữu biết họ cần lãnh nhận bí tích Thêm Sức để hoàn tất ân sủng Thánh Tẩy (Nghi thức Bí tích Thêm Sức).

"Nhờ ơn bí tích Thêm Sức, các tín hữu gắn bó với Hội Thánh cách hoàn hảo hơn và được dư đầy sức mạnh đặc biệt của Chúa Thánh Thần; do đó, họ càng có bổn phận khẩn thiết hơn phải loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm, như những chứng nhân đích thực của Chúa Kitô" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 11).

 


I. BÍ TÍCH THÊM SỨC TRONG KẾ HOẠCH ƠN CỨU ĐỘ
Confirmatio in Oeconomia salutis 

 

Trong Cựu Ước các ngôn sứ loan báo: Thánh Thần Chúa sẽ ngự xuống trên Đấng Messia (x. Is 11,2) muôn dân mong đợi để giúp Người thực hiện sứ mạng cứu độ (x. Lc 4,16-22; Is 61,1). Việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu khi Người chịu phép rửa của Gioan, là dấu chỉ cho thấy chính Người là Đấng phải đến, là Đấng Messia và là Con Thiên Chúa (Mt 3,13-17).

Vì Người đã nhập thể bởi phép Chúa Thánh Thần, nên tất cả cuộc đời và sứ mạng của Người được thực hiện trong sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa Thánh Thần, "Thiên Chúa ban Thánh Thần cho Người vô ngần vô hạn" (Ga 3,34).

Thiên Chúa không những ban tràn đầy Thánh Thần cho Đấng Messia, mà còn ban cho toàn thể dân của Đấng Messia (x. Ed 36,25-27; Ge 3,1-2). Nhiều lần, Đức Kitô đã hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ (x. Lc 12,12; Ga 3,5-8); Người đã thực hiện lời hứa đó trong ngày Phục Sinh (x. Ga 20,22) và sau đó, công khai trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,1-4). Được tràn đầy Thánh Thần, các tông đồ bắt đầu rao giảng "những kỳ công của Thiên Chúa" (Cv 2,11). Phêrô công bố: việc Thánh Thần được ban xuống là dấu chỉ của thời đại Đấng Messia (x. Cv 2,17-18). Ai tin lời rao giảng của các tông đồ và nhận phép rửa, cũng nhận được hồng ân Thánh Thần (Cv 2,38).

"Từ đó, theo ý của Đức Kitô, các tông đồ dặt tay ban Thánh Thần cho các tân tòng để kiện toàn ân sủng Thánh Tẩy (x. Cv 8,15-17;19,5-6). Vì thế, thư Do Thái đã liệt kê giáo lý về Phép Rửa và về nghi thức Đặt Tay (Dt 6,2) vào số những yếu tố căn bản của huấn giáo. Truyền thống công giáo đã làm đúng, khi coi việc đặt tay là nguồn gốc của bí tích Thêm Sức, là phương thế lưu truyền hồng ân Thánh Thần trong Hội Thánh" (x. ĐGH Phaolô VI, tông hiến "Thông dự bản tính Thần linh").

Để biểu thị rõ hồng ân Thánh Thần, ngoài việc đặt tay, Hội Thánh đã sớm thêm nghi thức Xức Dầu. Việc xức dầu này làm nổi bật danh xưng Kitô hữu là "người được xức dầu"; danh xưng bắt nguồn từ chính Đức Kitô, "Đấng được Thiên Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong" (Cv 10,38).

Nghi thức Xức Dầu này được giữ đến nay trong nghi lễ Đông cũng như Tây Phương. Giáo Hội Đông Phương gọi bí tích này là bí tích Dầu Thánh. Giáo Hội Latinh gọi là bí tích Thêm Sưùc, vì bí tích này vừa xác nhận bí tích Thánh Tẩy, vừa củng cố ân sủng Thánh Tẩy.

Hai truyền thống: Đông phương và Tây phương

Duae traditiones: Orientis et Occidentis

Vào các thế kỷ đầu, bí tích Thêm Sức thường được cử hành chung với bí tích Thánh Tẩy thành một "bí tích kép" theo kiểu nói của Thánh Cyprianô. Vì thói quen rửa tội cho trẻ em ngày một thịnh hành và rửa tội vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, vì các giáo xứ nhất là ở miền quê gia tăng, làm cho giáo phận mở rộng, nên vị giám mục không thể hiện diện trong mọi cử hành rửa tội.

Nghi lễ Tây Phương tách bí tích Thêm Sức khỏi bí tích Thánh Tẩy một khoảng thời gian để vị giám mục có thể đích thân cử hành bí tích Thêm Sức, kiện toàn bí tích thánh Tẩy. Đông Phương vẫn giữ thói quen kết hợp hai bí tích trên, do đó vị linh mục rửa tội sẽ ban ngay cho người tân tòng bí tích Thêm Sức. Tuy nhiên, vị linh mục này chỉ có thể cử hành bí tích Thêm Sức với dầu thánh do giám mục thánh hiến (Bộ Giáo Luật Đông phương, các điều 695,1. 696,1).

Giáo Hội Rôma có một thói quen rất thuận lợi cho việc phát triển cách thực hành của nghi lễ Tây Phương: xức dầu hai lần cho người được rửa tội. Lần đầu do linh mục khi người tân tòng lên khỏi nước, lần thứ hai do giám mục xức trên trán từng người tân tòng (Thánh Hippôlytô Rôma, Truyền thống các tông đồ 21).

Lần xức dầu thứ nhất do linh mục được giữ lại trong nghi thức rửa tội, biểu thị sự tham dự của nguời tân tòng vào các chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương giả của Đức Kitô. Đối với người lớn, nghi lễ Tây Phương chỉ có một lần xức dầu sau khi rửa tội, lần xức dầu của bí tích Thêm Sức.

Cách thực hành của Giáo Hội Đông phương nhấn mạnh tính thống nhất của việc khai tâm Kitô giáo. Cách thực hành của Giáo Hội Latinh cho thấy rõ hơn sự hiệp thông giữa người Kitô hữu và vị giám mục của mình; ngài là người bảo đảm và chăm sóc cho tính duy nhất, công giáo và tông truyền của giáo đoàn đó, và chính là mối dây liên kết người tân tòng với nguồn gốc tông truyền của Hội Thánh Chúa Kitô.