BÍ TÍCH THÁNH THỂ

    Xem nhanh

 

Bí tích Thánh Thể hoàn tất công cuộc khai tâm Kitô giáo. Những người đã được bí tích Thánh Tẩy nâng lên tham dự hàng tư tế vương giả và nhờ bí tích Thêm Sức trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô cách sâu xa hơn, nay nhờ bí tích Thánh Thể được cùng với toàn thể cộng đoàn tham dự vào hy lễ của Chúa Giêsu.


"Trong bữa tiệc sau hết, vào đêm bị nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình và Máu Người, để nhờ đó, Hy Tế Khổ Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thác cho Hiền Thê yêu quý của Người là Hội Thánh tưởng nhớ sự chết và phục sinh của Người: đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc Vượt Qua. Trong tiệc này, chúng ta nhận được Chúa Kitô làm của ăn, được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm vinh quang tương lai" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 47).

 

I. THÁNH THỂ

NGUỒN MẠCH VÀ TỘT ĐỈNH CỦA ĐỜI SỐNG HỘI THÁNH

Eucharistia – fons et culmen vitae ecclesialis


Bí tích Thánh Thể là "nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 11). "Những bí tích khác cũng như các thừa tác vụ và các hoạt động tông đồ đều gắn liền với bí tích Thánh Thể và quy hướng về đó. Thật vậy, phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó là chính Chúa Kitô, Người là mầu nhiệm Phục Sinh của chúng ta" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 5).

"Bí tích Thánh Thể biểu thị và thể hiện chính thực chất của Hội Thánh là hiệp thông đời sống với Thiên Chúa và hiệp nhất Dân Thiên Chúa. Việc Thiên Chúa thánh hóa trần gian trong Chúa Kitô cũng như việc con người trong Thánh Thần, tôn thờ Chúa Kitô và nhờ Người tôn thờ chính Chúa Cha, cùng đạt tới tột đỉnh trong bí tích Thánh Thể" (Thánh bộ Nghi lễ, Huấn thị Eucharisticum mysterium, huấn thị "Mầu nhiệm Thánh Thể" 6).


Nhờ cử hành bí tích Thánh Thể, ngay từ bây giờ chúng ta được kết hiệp với phụng vụ trên trời và tiền dự vào đời sống vĩnh cửu, "khi Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi sự" (1Cr 15,28).

Bí tích Thánh Thể vừa đúc kết vừa tổng hợp đức tin công giáo: "Cách suy nghĩ của chúng ta phù hợp với bí tích Thánh Thể, và ngược lại bí tích Thánh Thể xác nhận cách suy nghĩ của chúng ta" (Thánh Irênê, Adversus haereses, Chống lạc giáo 4,18,5).

 


II. BÍ TÍCH THÁNH THỂ

ĐƯỢC GỌI BẰNG NHỮNG DANH HIỆU NÀO?

Quomodo hoc appellatur sacramentum?


Bí tích Thánh Thể vô cùng phong phú nên được gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau, mỗi danh hiệu gợi lên một số khía cạnh:
2637 1082 1359.
Bí tích Thánh Thể được gọi là Lễ Tạ Ơn, vì đây chính là việc tạ ơn Thiên Chúa. Tân Ước dùng các từ Hy Lạp eucharistein (x. Lc 22,19; 1Cr 11,24) và eulogein (x. Mt 26,26; Mc 14,22), gợi nhớ lại việc người Do Thái, đặc biệt trong bữa ăn, ca ngợi Thiên Chúa vì những kỳ công Người đã thực hiện: sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa.

Bí tích Thánh Thể được gọi là Bữa Ăn của Chúa, vì Hội Thánh tưởng niệm bữa Tiệc Ly Chúa cùng ăn với các môn đệ tối hôm trước ngày chịu nạn. Bữa ăn này cũng nói lên sự tiền dự vào Bữa Tiệc Cưới Con Chiên tại Giêrusalem trên trời.

Bí tích Thánh Thể được gọi là Lễ Bẻ Bánh, vì trong bữa Tiệc Ly (x.Mt 26,26; 1Cr 11,24). Chúa Giêsu dùng nghi thức đặc thù của người Do Thái để chúc tụng Thiên Chúa và chia bánh như người chủ tiệc thường làm (x. Mt 14,19; 15,16; Mc 8,6;19).

Nhờ việc bẻ bánh, các môn đệ nhận ra Chúa sau khi Người phục sinh (x.Lc 24,13-15). Vì vậy, các Kitô hữu đầu tiên gọi những buổi cử hành thánh lễ là Lễ Bẻ Bánh (x.Cv 2,42.46; 20,7.11).

Với thuật ngữ này, họ muốn nói: tất cả những ai cùng ăn một tấm bánh được bẻ ra là Chúa Kitô, thì được hiệp thông với Người và hợp thành thân thể duy nhất trong Người (x. 1Cr 10,16-17).
1384.
Bí tích Thánh Thể còn được thánh Phaolô gọi là Đồng Bàn (Synaxis), vì được cử hành trong cộng đoàn tín hữu. Cộng đoàn Thánh Thể là hình ảnh hữu hình của Hội Thánh (x. 1Cr 11,17-34).

Bí tích Thánh Thể được gọi là cuộc Tưởng Niệm Chúa Giêsu chịu chết và sống lại.

Bí tích Thánh Thể được gọi là Hy Lễ Thánh, vì hiện tại hóa hy lễ duy nhất của Chúa Cứu Thế và bao gồm lễ vật của Hội Thánh. Bí tích Thánh Thể còn được gọi là "hy tế thánh lễ", "hy lễ ca ngợi" (x. Dt 13,15; x. Tv 116, 13.17), hy lễ thiêng liêng (x. 1Pr 2,5), hy lễ tinh tuyền (x. Ml 1.11) và thánh thiện, vì hoàn tất và vượt trên mọi hy lễ trong Cựu Ước.

Bí tích Thánh Thể được gọi là phụng vụ thánh thiện và thần linh, vì là tâm điểm và cách diễn tả cô đọng nhất của toàn thể phụng vụ Hội Thánh. Cũng vì thế, bí tích Thánh Thể được gọi là Mầu Nhiệm Rất Thánh, Bí Tích Cực Thánh, vì là bí tích trên các bí tích. Chúng ta dùng thuật ngữ Thánh Thể để chỉ bánh thánh được cất giữ trong Nhà Tạm.

Bí tích Thánh Thể còn được gọi là bí tích Hiệp Thông, vì kết hợp chúng ta với Chúa Kitô, Đấng ban Mình và Máu Người để tất cả trở nên một thân thể (x. 1Cr 10, 16-17).

Bí tích Thánh Thể cũng được gọi là Sự Thánh (x. Giáo huấn các Tông đồ 8,13.12; Didaché 9,5; 10,6) theo ý nghĩa đầu tiên của "mầu nhiệm các thánh thông công" được tuyên xưng trong kinh Tin Kính của các tông đồ.

Ngoài ra, Mình Thánh Chúa còn được gọi là bánh các thiên thần, bánh bởi trời, thuốc trường sinh (Thánh Ignatiô Antiôchia, thư Ep 20,2), Của ăn đàng...

Cử hành bí tích Thánh Thể được gọi là Thánh Lễ Misa (Sancta Missa),do từ Latinh missio nghĩa là sai đi. Thánh lễ kết thúc với lời Hội Thánh sai các tín hữu đi vào đời, để họ thực thi thánh ý Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

 


III. BÍ TÍCH THÁNH THỂ TRONG KẾ HOẠCH CỨU ĐỘ

Eucharistia in Oeconomia salutis

 

Dấu chỉ bánh và rượu

Signa panis et vini

Trong thánh lễ, nhờ lời Đức Kitô và lời Hội Thánh kêu cầu Chúa Thánh Thần, bánh và rượu trở nên Mình và Máu Đức Kitô. Vâng lệnh của Chúa và để tưởng niệm Chúa cho đến ngày Người quang lâm, Hội Thánh làm lại điều Chúa đã làm hôm trước ngày chịu nạn: "Người cầm lấy bánh... "Người cầm lấy chén rượu...". Bánh và rượu dù đã trở nên Mình và Máu Chúa Kitô cách mầu nhiệm, vẫn là dấu chỉ cho sự thiện hảo của công trình sáng tạo.

Do đó, khi dâng lễ vật, chúng ta tạ ơn Đấng Sáng Tạo vì đã ban bánh và rượu (x. Tv 104,13-15), tuy "do công lao của con người", nhưng trước hết là "hoa mầu ruộng đất" và "sản phẩm từ cây nho", tức là những ân huệ của Đấng Sáng Tạo. Hội Thánh coi "bánh và rượu" (St 14,18) do Melchisedech, vị vua kiêm tư tế, dâng lên Thiên Chúa, là tiên trưng cho lễ vật của Hội Thánh (Kinh nguyện Thánh Thể I còn gọi là Lễ Quy Rôma, 95: Sách Lễ Rôma).

Trong Cựu Ước, bánh và rượu được chọn trong số hoa trái đầu mùa của ruộng đất, để dâng làm hiến lễ tạ ơn Đấng Sáng Tạo. Trong khung cảnh cuộc Xuất Hành, bánh và rượu mang một ý nghĩa mới:

"bánh không men" người Do Thái hằng năm vẫn dùng trong lễ Vượt Qua, nhắc nhớ ngày được giải thoát và vội vã ra đi khỏi Ai Cập; kỷ niệm về Manna trong hoang địa luôn giúp Do Thái nhớ rằng: "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra" (Đnl 8,3); cuối cùng, bánh ăn hàng ngày là sản phẩm của Đất Hứa, là bằng chứng Thiên Chúa hằng trung tín giữ lời đã hứa.

Rượu diễn tả niềm vui ngày lễ hội, nhưng rượu trong "chén chúc tụng" (1 Cr 10,16) vào cuối bữa tiệc Vượt Qua của người Do Thái, có chiều kích cánh chung, chất chứa niềm hy vọng Đấng Messia sẽ đến phục hưng Giêrusalem.

Đức Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể, bằng cách đem lại một ý nghĩa mới và vĩnh viễn cho lời chúc tụng đọc trên bánh và rượu.

Hội Thánh nhận ra các phép lạ hóa bánh ra nhiều, khi "Chúa Giêsu đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát để nuôi sống đám đông", tiên báo sự phong phú của tấm bánh duy nhất là "Thánh Thể" (x. Mt 14,13-21; 15,32-39).

Phép lạ hóa nước thành rượu ở Cana (x.Ga 2,11) là dấu chỉ báo trước "Giờ Con Người được tôn vinh". Dấu chỉ này còn loan báo Tiệc Cưới trong Nước Thiên Chúa, nơi các tín hữu sẽ uống rượu mới (x. Mc 14,25) đã trở thành Máu Chúa Kitô.

Khi Đức Giêsu loan báo cuộc Tử Nạn, cũng như khi Người công bố lần đầu về bí tích Thánh Thể, các môn đệ không chấp nhận; đa số môn đệ thắc mắc: "Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi ?" (Ga 6,60). Thánh Thể và Thánh Giá là những viên đá gây vấp ngã cho mọi người. Đây là một mầu nhiệm luôn tạo cớ gây chia rẽ "cả anh em cũng muốn bỏ đi sao?" (Ga 6,67).

Câu hỏi của Chúa vẫn vang dội qua các thời đại như lời yêu thương mời gọi mọi người nhận biết: "Thầy mới có những lời ban phúc trường sinh" (Ga 6,68), và tin tưởng đón nhận hồng ân Thánh Thể, cũng là đón nhận chính Người.

Thiết lập bí tích Thánh Thể

Institutio Eucharistiae

Đức Giêsu yêu thương những kẻ thuộc về mình và yêu thương họ đến cùng. Khi biết Giờ đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Người rửa chân cho họ trong bữa Tiệc Ly và ban cho họ giới răn yêu thương (x. Ga 13,1-17).

Để trao lại cho họ bảo chứng tình yêu này và cho họ được tham dự vào cuộc Vượt Qua của mình, Người thiết lập bí tích Thánh Thể để tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh của Người và truyền lệnh cho các tông đồ mà "Người đã đặt làm tư tế của Giao Ước Mới, cử hành bí tích này cho đến khi Người lại đến" (x. CĐ Trentô, DS 1740) .

Các tác giả Phúc Âm Nhất Lãm và thánh Phaolô lưu truyền cho chúng ta bản tường thuật việc thiết lập bí tích Thánh Thể, trong khi thánh Gioan thuật lại những lời của Chúa Giêsu tại hội đường Capharnaum, những lời chuẩn bị cho việc thiết lập bí tích Thánh Thể: Đức Kitô tự xưng mình là Bánh Hằng Sống từ trời xuống (x. Ga 6).

Đức Giêsu chọn lễ Vượt Qua để thực hiện điều Người báo trước ở Capharnaum là ban Mình và Máu Người cho môn đệ:
"Đã đến ngày lễ Bánh Không men, ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua. Đức Giêsu sai Phêrô, Gioan đi và dặn: "Các anh hãy đi dọn cho chúng ta ăn lễ Vượt Qua... Các ông ra đi... và dọn tiệc Vượt Qua.

Khi tới giờ ăn tiệc Vượt Qua, Đức Giêsu vào bàn với các tông đồ. Người nói với các ông: "Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa"...

Rồi Người cầm lấy tấm bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm như Thầy vừa mới làm, mà tưởng nhớ đến Thầy".

Rồi tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: "Chén này là giao ước mới, lập bằng Máu Thầy, máu đổ ra vì anh em" (Lc 22,7-8;13-16;19-20) (x. Mt 26,17-29; Mc 14,12-25; 1Cr 11,23-26) .

Trong bữa Tiệc Ly, khi Đức Giêsu cùng mừng lễ Vượt Qua với các tông đồ, Người đã đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho lễ Vượt Qua của người Do Thái. Tiệc Ly tiên trưng cho cuộc Vượt Qua mới: trong cuộc tử nạn và phục sinh, Đức Giêsu vượt qua để về cùng Chúa Cha. Cuộc Vượt Qua này được cử hành trong bí tích Thánh Thể. Bí tích này hoàn tất lễ Vượt Qua của người Do Thái và tiên báo cuộc Vượt Qua cuối cùng của Hội Thánh vào vinh quang của Nước Trời.

"Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy"

« Hoc facite in meam commemorationem »

Khi Đức Giêsu truyền lặp lại những cử chỉ và lời nói của mình "cho tới khi Người lại đến" (1Cr 11,26), Người đòi hỏi không những phải nhớ đến Người và những gì Người đã làm, nhưng còn muốn các tông đồ và những người kế nhiệm phải cử hành phụng vụ tưởng niệm cuộc sống, cái chết, việc phục sinh và lên trời về với Chúa Cha của Người để cầu bầu cho chúng ta.

Ngay từ đầu, Hội Thánh đã trung thành tuân giữ mệnh lệnh của Chúa. Sách Công Vụ Tông Đồ tường trình về Hội Thánh tại Giêrusalem như sau:
"Họ chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng... ngày ngày siêng năng tới đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ" (Cv 2,42.46)

Đặc biệt các Kitô hữu tụ họp "để bẻ bánh" (Cv 20,7) vào "ngày thứ nhất trong tuần", nghĩa là ngày Chúa Nhật, ngày Chúa Phục Sinh. Từ đó, việc cử hành bí tích Thánh Thể vẫn tiếp nối với cùng một cấu trúc cơ bản trong toàn Hội Thánh cho đến ngày nay. Bí tích Thánh Thể luôn là trung tâm của đời sống Hội Thánh.

Như vậy, qua các thánh lễ, dân lữ hành của Thiên Chúa công bố mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu "cho tới khi Người lại đến" (1Cr 11,26) và "theo con đường hẹp của thập giá" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 1), để tiến vào bàn tiệc thiên quốc; bấy giờ, những người được tuyển chọn sẽ đồng bàn trong Nước Chúa.