BÍ TÍCH THÁNH THỂ – “BẢO CHỨNG CHO VINH QUANG TƯƠNG LAI”

    Xem nhanh

Eucharistia – « futurae gloriae pignus »

Trong một kinh nguyện cổ, Hội Thánh ca tụng mầu nhiệm Thánh Thể như sau: "Ôi Tiệc Thánh, Đức Kitô đã trở thành lương thực cho chúng ta; tiệc tưởng niệm cuộc khổ nạn của Người, ban cho ta hồng ân viên mãn và bảo chứng cho vinh quang mai sau" (Lễ Trọng kính Mình và Máu thánh Chúa Kitô, Điệp ca kinh “Magnificat” Kinh Chiều II: Các Giờ Kinh Phụng Vụ).

Vì bí tích Thánh Thể là lễ tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa và "khi dự tiệc Mình và Máu Thánh Con Cha tại bàn thờ này... tất cả chúng con được tràn đầy ơn phúc bởi trời" (Kinh nguyện Thánh Thể I hay Lễ Quy Rôma, Sách Lễ Rôma 96), nên bí tích Thánh Thể cũng còn là tiền dự vào vinh quang thiên quốc.


Trong bữa Tiệc ly, Chúa hướng các môn đệ đến tiệc Vượt Qua viên mãn trong Nước Trời: "Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy sẽ không còn uống rượu nho này nữa, cho đến ngày được cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy" (x. Mt 26,29; x. Lc 22,18; Mc 14,25). Mỗi lần cử hành bí tích Thánh Thể, Hội Thánh nhớ lại lời hứa này và hướng về Đấng đang đến. Trong kinh nguyện, Hội Thánh kêu cầu Người mau đến: "Marana tha" (1Cr 16,22), "Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến" (Kh 22,20), "Ước gì trần gian này mau qua đi và ân sủng Ngài đến" (x. Didaché 10,6).

Hội Thánh biết rằng, trong bí tích Thánh Thể, Chúa đã đến và đang hiện diện giữa chúng ta; nhưng Người vẫn còn ẩn mình. Vì thế, khi cử hành bí tích Thánh Thể, chúng ta "đang khi chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con" (Nghi thức Hiệp lễ, Lời nguyện sau kinh Lạy Cha, Sách Lễ Rôma; x. Tt 22,13), và chúng ta khẩn nguyện: " Xin thương nhận tất cả vào Nước Cha, nơi chúng con hy vọng sẽ được cùng nhau vui hưởng vinh quang Cha muôn đời, khi Cha lau sạch nước mắt chúng con. Bấy giờ, chúng con sẽ được chiêm ngưỡng Cha tường tận, nên muôn đời sẽ được giống như Cha là Thiên Chúa chúng con, và sẽ dâng lời ca ngợi Cha khôn cùng, nhờ Đức Kitô Chúa chúng con" (x. MR, kinh nguyện Thánh Thể 3, 116: cầu nguyện cho người quá cố).

Bí tích Thánh Thể là bảo chứng chắc chắn và là dấu chỉ tỏ tường về hy vọng một Trời Mới Đất Mới, nơi đó công lý ngự trị (x. 2Pr 3,13). Mỗi khi cử hành mầu nhiệm này, "công trình cứu độ chúng ta sẽ được thực hiện" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 3) và "chúng ta chia sẻ cùng một tấm bánh là phương dược trường sinh bất tử và của ăn đem lại sự sống muôn đời trong Đức Kitô" (Thánh Ignatiô Antiôchia, thư gửi giáo đoàn Êphêsô 20,2.)

 


TÓM LƯỢC

Compendium

Chúa Giêsu nói: "Tôi là Bánh Hằng Sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ được sống muôn đời... Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì được sống đời đời... người ấy luôn kết hợp với Tôi và Tôi luôn kết hợp với người ấy" (Ga 6,51.54.56).

Bí tích Thánh Thể là trung tâm và cao điểm của đời sống Hội Thánh. Trong bí tích Thánh Thể, Đức Kitô liên kết Hội Thánh và mọi chi thể của Người vào hy lễ chúc tụng và tạ ơn, hy lễ mà Người đã dâng lên Cha một lần dứt khoát trên thập giá. Qua hy lễ này, Người thông ban tràn đầy ân sủng cứu độ trên Thân Thể của mình là Hội Thánh.

Cử hành bí tích Thánh Thể bao gồm: công bố Lời Chúa; tạ ơn Thiên Chúa Cha vì mọi ơn lành, nhất là Người đã ban Con Chí Ái cho thế gian; truyền phép trên bánh rượu và chia sẻ bàn tiệc thánh bằng việc lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa. Các yếu tố này kết thành một tế tự duy nhất.

Thánh lễ là lễ tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, nghĩa là công trình cứu độ được thực hiện qua đời sống, cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Công trình này được hiện tại hóa trong cử hành phụng vụ.

Trong hy tế Thánh Thể, Đức Kitô vừa là chủ tế vừa là lễ vật. Người là vị thượng tế đời đời của Giao Ước Mới, dâng lễ vật qua thừa tác vụ của linh mục. Lễ vật cũng chính là Người đang thực sự hiện diện dưới hình bánh rượu.

Chỉ những linh mục đã lãnh nhận chức thánh thành sự mới có quyền chủ tọa thánh lễ và truyền phép để bánh rượu trở thành Mình Máu Chúa.

Dấu chỉ chính yếu của bí tích Thánh Thể là bánh miến và rượu nho. Trên bánh rượu này, chủ tế đọc lời cầu xin Thánh Thần và lời truyền phép, lời chính Chúa Giêsu đã nói tại bàn tiệc ly: " Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con... Này là Chén Máu Thầy..."

Nhờ lời truyền phép, bánh và rượu biến thể, trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Dưới hình bánh rượu đã được truyền phép, chính Chúa Kitô hằng sống và vinh quang hiện diện cách đích thực, thực sự và bản thể, với trọn thân xác, máu thịt, linh hồn và thiên tính (x. CĐ Trentô, DS 1640,1651).

Bí tích Thánh Thể được dâng lên như hy tế đền tội cho người sống cũng như kẻ chết và xin Thiên Chúa ban ơn lành hồn xác.

Ai muốn đón nhận Chúa Kitô qua việc rước lễ, phải sống trong tình trạng ân sủng. Ai biết mình đang mắc tội trọng, phải lãnh nhận bí tích Giao Hòa trước khi đến rước lễ.

Khi rước Mình Máu Thánh, chúng ta được gắn bó chặt chẽ hơn với Đức Kitô, được tha thứ các tội nhẹ và bảo vệ khỏi những tội trọng. Nhờ rước lễ, tình yêu của chúng ta với Đức Kitô được mật thiết hơn, nên sự hiệp nhất trong Hội Thánh là nhiệm thể Người, được củng cố.

Hội Thánh khuyên tín hữu nên rước lễ khi tham dự thánh lễ. Hội Thánh buộc tín hữu rước lễ mỗi năm ít là một lần.

Vì Chúa Kitô hiện diện thực sự, chúng ta phải tôn thờ Thánh Thể. "Khi viếng Thánh Thể, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn, dấu chỉ tình yêu và bổn phận thờ lạy Đức Kitô, Chúa chúng ta" (ĐGH Phaolô VI, Thông điệp Mysterium fidei).

Khi lìa bỏ thế gian mà về cùng Cha, Chúa Kitô để lại bí tích Thánh Thể làm bảo chứng chúng ta sẽ được chung hưởng vinh quang với Người. Việc tham dự thánh lễ uốn lòng chúng ta nên giống trái tim Chúa, nâng đỡ sức lực chúng ta trên đường lữ hành tại thế, làm cho chúng ta khao khát cuộc sống vĩnh cửu và ngay từ bây giờ liên kết chúng ta với Hội Thánh trên trời, với Đức Thánh Trinh Nữ Maria và chư thánh.