BÍ TÍCH THÁNH TẨY TRONG KẾ HOẠCH ƠN CỨU ĐỘ

    Xem nhanh

 

Những hình ảnh tiên báo về bí tích Thánh Tẩy trong Cựu Ước

Praefigurationes Baptismi in Vetere Foedere

Trong Phụng Vụ Đêm Phục Sinh, khi thánh hóa nước rửa tội, Hội Thánh long trọng nhắc lại những biến cố lớn trong lịch sử cứu độ tiên trưng về bí tích Thánh Tẩy:
"Lạy Chúa, Chúa dùng quyền năng vô hình mà làm cho các bí tích trở nên hữu hiệu lạ lùng. Qua dòng lịch sử cứu độ, Chúa đã bao lần dùng nước do Chúa tạo thành để bày tỏ hiệu năngcủa phép Thánh Tẩy" (Vọng Phục Sinh, Sách Lễ Rôma, 42: làm phép nước rửa tội) .

Từ khi tạo thiên lập địa, nước là một thụ tạo tầm thường nhưng kỳ diệu, được coi là nguồn mạch sự sống và sự phong nhiêu. Kinh Thánh cho thấy Chúa Thánh Thần ngự xuống trên nước, để nước phát sinh sự sống.
"Ngay lúc vũ trụ khởi nguyên, Thánh Thần Chúa đã bay là là trên mặt nước, để từ đó nước hàm chứa năng lực thánh hóa muôn loài" (Vọng Phục Sinh, Sách Lễ Rôma, 42: làm phép nước rửa tội).

Hội Thánh thấy con tàu Nôê tiên trưng về ơn cứu độ nhờ bí tích Thánh Tẩy: "Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy 8 người được cứu thoát nhờ nước" (1 Pr 3,20).
"Chúa dùng nước Hồng Thủy làm hình ảnh tiên báo phép rửa ban ơn tái sinh, vì thời đó cũng như bây giờ, nước biểu thị quyền năng Chúa, vừa tiêu diệt tội lỗi, vừa khai mở một đời sống mới" (Vọng Phục Sinh, Sách Lễ Rôma, 42: làm phép nước rửa tội).

Trong Kinh Thánh, nước nguồn tượng trưng cho sư sống, nước biển lại tượng trưng cho sự chết. Do đó, nước Thánh Tẩy có thể tượng trưng cho mầu nhiệm Thánh Giá : được rửa tội là cùng chết với Đức Kitô.

Đặc biệt cuộc Vượt Qua Biển Đỏ, tức là việc dân Israel thực sự được giải thoát khỏi kiếp nô lệ ở Ai Cập, loan báo ơn giải thoát do bí tích Thánh Tẩy mang lại:
“Chúa đã giải thoát con cháu ông Abraham khỏi vòng nô lệ mà dẫn qua Biển Đỏ ráo chân, để họ tượng trưng cho một dân tộc mới, là những người được thánh tẩy sau này" (Vọng Phục Sinh, Sách Lễ Rôma, 42: làm phép nước rửa tội).

Cuối cùng, bí tích Thánh Tẩy được tiên trưng trong việc dân Israel vượt qua sông Giođan, vào nhận phần Đất Thiên Chúa đã hứa cho dòng dõi Abraham. Đất Hứa là hình ảnh sự sống đời đời. Lời hứa ban sự sống đời đời sẽ được Thiên Chúa thực hiện trong Giao Ước Mới.

Phép Rửa của Đức Kitô

Baptismus Christi

Tất cả các tiên trưng trong Cựu Ước đều được thực hiện trong Đức Kitô Giêsu. Người khởi sự đời sống công khai sau khi để cho thánh Gioan Tẩy Giả dìm xuống nước sông Giođan (x. Mt 3,13). Sau khi phục sinh, Người trao sứ mạng cho các tông đồ: "Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em, để muôn dân trở nên môn đệ của Thầy" (x. Mt 28, 19-20; Mc 16,15-16) .

Để "chu toàn thánh ý Thiên Chúa"(Mt 3,15), Đức Giêsu tự nguyện chịu phép rửa của thánh Gioan, dành cho những người tội lỗi. Cử chỉ này cho thấy Đức Giêsu đã đi vào mầu nhiệm "tự hạ" (Pl 2,7). Chúa Thánh Thần xưa kia đã bay là là trên mặt nước trong cuộc sáng tạo thứ nhất nay ngự xuống trên Đức Kitô như khúc nhạc dạo đầu của bản giao hưởng sáng tạo mới, và Chúa Cha giới thiệu Đức Giêsu là "Con Chí Ái" của Người (Mt 3,16-17).

Trong cuộc Vượt Qua, Đức Kitô đã khơi nguồn bí tích Thánh Tẩy cho mọi người. Người nói về cuộc tử nạn sẽ phải chịu tại Giêrusalem như "một Phép Rửa" Người phải lãnh nhận (x. Mc 10,38; Lc 12,50). Máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Người bị đâm thâu trên thập giá (Ga 19,34) tiên trưng cho bí tích Thánh Tẩy và bí tích Thánh Thể là những bí tích ban sự sống mới (x.1Ga 5,6-8): từ giây phút ấy, chúng ta có thể "sinh ra nhờ nước và Thánh Thần" để được vào Nước Thiên Chúa (Ga 3,5).
"Khi bạn được rửa tội hãy suy nghĩ bí tích Thánh Tẩy xuất phát từ đâu, nếu không phải là từ Thánh Giá, từ cái chết của Đức Kitô. Tất cả mầu nhiệm là: Người đã chịu khổ hình vì bạn. Nơi Ngưòi, bạn được chuộc; nơi Người, bạn được cứu" (Thánh Ambrôsiô, De Sacramentis, "Bàn về các bí tích" 2,2,6) .

Bí tích Thánh Tẩy trong Hội Thánh

Baptismus in Ecclesia

Ngay trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Hội Thánh đã cử hành và trao ban bí tích Thánh Tẩy. Thật vậy, thánh Phêrô đã tuyên bố với đám đông đang sửng sốt vì lời ngài giảng: "Anh em hãy sám hối, và mỗi người phải chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân sủng là Thánh Thần" (Cv 2,38). Các tông đồ và các cộng sự trao ban bí tích Thánh Tẩy cho tất cả những ai tin vào Chúa Giêsu: người Do Thái, người kính sợ Thiên Chúa, người ngoại giáo (x. Cv 2,41; 8,12-13; 10,48; 16,15). Bí tích Thánh Tẩy luôn gắn liền với đức tin. Thánh Phaolô tuyên bố với viên cai ngục canh giữ ông ở Philipphê: “Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì ông và cả nhà sẽ được cứu độ”. Trình thuật kể tiếp: “Lập tức, ông ấy được chịu Phép Rửa cùng với tất cả người nhà” (Cv 16,31-33).

Theo thánh Phaolô tông đồ, nhờ bí tích Thánh Tẩy người tín hữu cùng chết với Đức Kitô, được mai táng và phục sinh với Người.
"Khi chúng ta được dìm vào nước Thánh Tẩy để nên một với Đức Kitô Giêsu, chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã đưọc sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới" (x. Rm 6,3-4; Cl 2,12).
Những người được rửa tội "mặc lấy Chúa Kitô" (Gl 3,27). Nhờ Thánh Thần, bí tích Thánh Tẩy là "dìm xuống nước để thanh luyện, thánh hóa và công chính hóa" (x. 1Cr 6,11; 12,13).

Như vậy, bí tích Thánh Tẩy là dìm xuống nước để "Lời Chúa là hạt giống bất diệt" đâm chối nẩy lộc xinh tươi (x. 1Pr 1,23; Ep 5,26). Thánh Augustinô nói về bí tích Thánh Tẩy: "Lời liên kết với yếu tố vật chất và trở thành một bí tích" (Thánh Augustinô, "Tin Mừng Gio-an" 80,3).