BÍ TÍCH RỬA TỘI ĐƯỢC CỬ HÀNH THẾ NÀO?

    Xem nhanh

 

Khai tâm Kitô giáo

Christiana initiatio

Ngay từ thời các tông đồ, người dự tòng phải trải qua con đường khai tâm gồm nhiều giai đoạn. Con đường này có thể ngắn hay dài, nhưng luôn hội đủ những điều cốt yếu sau: loan báo Lời Chúa, đón nhận Tin Mừng và hoán cải, tuyên xưng đức tin, rửa tội, ban Thánh Thần, lãnh nhận Thánh Thể.

Việc khai tâm này thay đổi nhiều qua các thời đại và tùy hoàn cảnh. Vào các thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh, việc khai tâm Kitô giáo được triển khai rất sâu rộng, với một giai đoạn dự tòng lâu dài gồm một số các nghi thức Phụng vụ chuẩn bị hướng đến việc cử hành các bí tích khai tâm Kitô giáo.

Nơi nào việc rửa tội cho trẻ em đã trở nên phổ biến, việc ban bí tích này trở thành một cử hành duy nhất thu gọn các giai đoạn khai tâm Kitô giáo. Theo bản chất, việc rửa tội trẻ em đòi hỏi sau đó phải có một giai đoạn khai tâm Kitô giáo, không những dạy về bí tích Thánh Tẩy, mà còn giúp triển nở ơn sủng bí tích Thánh Tẩy dựa theo sự tăng trưởng tự nhiên. Đó là giai đoạn dành cho giáo lý.

Trong Giáo Hội Latinh, Công đồng Vaticanô II đã "tái lập thời kỳ dự tòng dành cho người lớn, chia thành nhiều giai đoạn" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 64). Các nghi thức của thời kỳ này được trình bày trong quyển "Nghi thức gia nhập Kitô giáo dành cho người lớn" (1972).

Ngoài ra Công đồng còn cho phép các xứ truyền giáo "ngoài những yếu tố nhập đạo đã có trong truyền thống Kitô giáo, cũng được nhận những yếu tố nhập đạo khác vẫn thấy sử dụng nơi mỗi dân tộc, miễn là các yếu tố đó có thể thích ứng với nghi lễ Kitô giáo" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 65,37-40).

Ngày nay trong các nghi lễ Latinh và Đông Phương, việc khai tâm Kitô giáo dành cho người lớn bắt đầu từ khi họ gia nhập thời kỳ dự tòng và đạt tới cao điểm trong một cử hành liên tiếp ba bí tích: Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 14; CIC can 851, 865, 866). Trong các nghi lễ Đông Phương, việc khai tâm Kitô giáo dành cho trẻ em bắt đầu với bí tích Thánh Tẩy, liền sau đó là Thêm Sức và Thánh Thể; trong nghi lễ Latinh, việc khai tâm kéo dài trong nhiều năm học giáo lý và kết thúc với Thêm Sức và Thánh Thể là đỉnh cao (x. CIC can 851,2; 868).

Khai tâm về các mầu nhiệm được cử hành

Mystagogia celebrationis

Ý nghĩa và ân sủng của bí tích Thánh Tẩy được trình bày rõ ràng trong các nghi thức cử hành. Khi tham dự tích cực vào các cử chỉ và lời nói của các nghi thức, chúng ta sẽ hiểu được sự phong phú mà bí tích biểu thị và thực hiện trong người tân tòng.

Dấu Thánh Giá ở đầu nghi thức là dấu ấn cho thấy quyền sở hữu của Chúa Kitô trên người sắp chịu phép rửa và biểu thị ơn Chúa cứu chuộc chúng ta nhờ thánh giá.

Việc công bố Lời Chúa soi sáng các dự tòng và cộng đoàn bằng chân lý mặc khải, đồng thời gợi lên lời đáp trả bằng đức tin vốn gắn liền với bí tích Thánh Tẩy. Thực vậy, bí tích Thánh Tẩy đặc biệt là một "bí tích đức tin", vì đấy là cửa ngõ dẫn vào đời sống đức tin.

Vì bí tích giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và kẻ xúi giục là ma quỉ, nên vị chủ sự đọc một hay nhiều lần lời nguyện trừ tà trên người dự tòng. Họ được vị chủ sự xức dầu dự tòng hoặc đặt tay, và họ công khai từ bỏ Satan. Giờ đây họ có thể tuyên xưng đức tin của Hội Thánh mà họ sẽ được "ủy thác" qua bí tích Thánh Tẩy (x.Rm 6,17).

Nước rửa tội được thánh hiến bằng lời nguyện "xin ban Thánh Thần" ngay lúc cử hành hoặc trong đêm vọng Phục Sinh. Hội Thánh cầu xin Thiên Chúa nhờ Con của Người, ban quyền năng Thánh Thần xuống trên nước này, để những người sắp chịu phép rửa "được tái sinh nhờ nước và Thánh Thần" (Ga 3,5).

Tiếp đến là nghi thức chính yếu của bí tích: nghi thức dìm xuống nướcbiểu thị và thực hiện việc người dự tòng chết đối với tội lỗi và bước vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ nên giống Đức Kitô trong mầu nhiệm Vượt Qua. Nghi thức Thánh Tẩy được thực hiện một cách có ý nghĩa trước nhất, qua ba lần dìm người dự tòng trong nước rửa tội. Nhưng từ xa xưa, bí tích có thể được trao ban bằng cách đổ nước ba lần trên đầu của người dự tòng.

Trong Giáo Hội Latinh, thừa tác viên vừa đổ nước ba lần vừa đọc: "T... Cha rửa con, Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần". Trong phụng vụ Đông Phương, người dự tòng quay về hướng Đông và linh mục đọc: "T... tôi tớ của Thiên Chúa, được rửa tội Nhân Danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần". Vị chủ sự khẩn cầu từng ngôi, vừa dìm người dự tòng xuống nước rồi đưa lên.

Việc xức dầu được giám mục thánh hiến, biểu thị việc ban Thánh Thần cho người tân tòng. Họ trở nên một Kitô hữu, nghĩa là "được xức dầu" bằng Chúa Thánh Thần, được tháp nhập vào Đức Kitô, Đấng được xức dầu để trở thành tư tế, ngôn sứ và vương đế (Nghi thức Rửa tội cho trẻ em, 62).

Trong phụng vụ của các Giáo hội Đông Phương, việc xức dầu sau rửa tội là bí tích "xức dầu thánh" (Thêm Sức). Trong phụng vụ Rôma, việc này loan báo việc xức dầu thứ hai mà giám mục sẽ trao ban là bí tích Thêm Sức. Bí tích Thêm Sức "chuẩn nhận" và "hoàn tất" việc xức dầu khi rửa tội.

Áo trắng tượng trưng người tân tòng "mặc lấy Chúa Kitô" (Gl 3,27), nghĩa là được phục sinh với Người. Cây nến được thắp sáng bằng lửa nến phục sinh biểu thị Đức Kitô soi sáng người tân tòng. Trong Đức Kitô, họ là "ánh sáng thế gian" (Mt 5,14; x. Pl 2,15).
Bây giờ người tân tòng đã là con cái Thiên Chúa trong Chúa Con nên có thể xướng lên lời nguyện của con cái Thiên Chúa: "Lạy Cha chúng con..."

Rước lễ lần đầu. Được trở nên con Thiên Chúa và mặc lấy "áo cưới", người tân tòng được dự vào "tiệc cưới Con Chiên" và lãnh nhận của ăn dưỡng nuôi đời sống mới là Mình và Máu Chúa Kitô: các Giáo Hội Đông Phương cẩn thận bảo tồn sự thống nhất của việc khai tâm Kitô giáo nên trao ban Thánh Thể cho tất cả những người vừa được rửa tội và thêm sức, kể cả các trẻ nhỏ vì nhớ lại lời Chúa: "Hãy để trẻ nhỏ đến với Ta, đừng ngăn cản chúng" (Mc 10,14).

Giáo Hội Latinh chỉ cho phép các em đến tuổi khôn mới được rước lễ, nên diễn tả việc bí tích Thánh Tẩy hướng đến bí tích Thánh Thể bằng cách đưa trẻ mới rửa tội đến gần bàn thờ để nguyện kinh Lạy Cha.

Phép lành trọng thể kết thúc nghi thức bí tích Thánh Tẩy. Khi rửa tội cho trẻ sơ sinh, việc chúc phúc cho người mẹ giữ một vai trò đặc biệt.