BÀN TIỆC VƯỢT QUA

    Xem nhanh

Convivium Paschale


Thánh lễ vừa là lễ tưởng niệm hy tế để lưu truyền muôn đời hy tế thập giá, vừa là bàn tiệc thánh để thông hiệp Mình và Máu Chúa; hai ý nghĩa này đi đôi với nhau và không thể tách rời. Nhưng cử hành hy tế Thánh Thể hướng đến việc các tín hữu kết hợp với Chúa Kitô nhờ rước lễ. Rước lễ là đón nhận chính Chúa Kitô, Đấng đã tự hiến vì chúng ta.

Bàn thờ là nơi quy tụ cộng đoàn tín hữu để cử hành bí tích Thánh Thể. Bàn thờ trình bày hai khía cạnh của cùng một mầu nhiệm: bàn thờ hy tế và bàn tiệc của Chúa. Bàn thờ là biểu tượng của chính Chúa Kitô đang hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu. Người hiện diện như hy lễ dâng lên để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa và như của ăn thiêng liêng nuôi sống chúng ta.

Thánh Ambrôxiô dạy: "Bàn thờ của Chúa Kitô là gì, nếu không phải là chính Thân Mình Người? Bàn thờ tượng trưng thân Mình Chúa Kitô và Thân Mình Người được đặt trên bàn thờ" (Các bí tích 5,7;4,7). Phụng vụ làm nổi bật tính thống nhất giữa hy tế và hiệp thông trong nhiều lời nguyện; trong kinh tạ ơn, Hội Thánh Rôma cầu nguyện:

"Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng, chúng con nài xin Cha sai thiên thần đem của lễ này lên bàn thờ thiên quốc trước tôn nhan uy linh cao cả, để khi dự tiệc Mình và Máu Con Cha tại bàn thờ này, tất cả chúng con được đầy tràn ơn phúc bởi trời".

Hiệp Lễ: "Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn"

« Accipite et comedite omnes »: Communio

Chúa khẩn thiết kêu mời chúng ta đón rước Người trong bí tích Thánh Thể: "Thật, Tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình" (Ga 6,53).

Để đáp lại lời mời gọi của Chúa, chúng ta phải chuẩn bị cho giây phút cực trọng cực thánh này. Thánh Phaolô khuyên ta nên tra vấn lại lương tâm: "Bất cứ ai ăn hoặc uống chén của Chúa cách bất xứng, thì phạm đến Mình và Máu Chúa.

Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn bánh và uống chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình" (1Cr 11,27-29). Ai biết mình đang mắc tội trọng, phải lãnh nhận bí tích Giao Hòa trước khi đến rước lễ.

Trước bí tích cao trọng này, người tín hữu chỉ còn biết khiêm tốn và thâm tín lặp lại lời viên đại đội trưởng: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh” (Mt 8,8). Cùng một tinh thần đó, trong nghi thức phụng vụ của thánh Gioan Kim Khẩu, các tín hữu cầu nguyện:

"Lạy Con Thiên Chúa, hôm nay xin cho con được hiệp thông vào bàn tiệc huyền nhiệm của Chúa. Con không nói cho kẻ thù điều kín nhiệm của Chúa, con cũng không trao cho Chúa cái hôn của Giuđa. Nhưng như tên trộm lành, con kêu xin Chúa: Lạy Chúa, khi vào Nước Ngài xin nhớ đến con".

Để chuẩn bị đón nhận bí tích Thánh Thể cách xứng đáng, các tín hữu phải giữ chay theo quy định của Hội Thánh (x. CIC can 919). Thái độ bên ngoài (cử chỉ, cách ăn mặc) phải biểu lộ lòng tôn kính, sự trang trọng và niềm vui của giây phút được Chúa ngự đến trong tâm hồn.

1388.
Căn cứ vào ý nghĩa của bí tích Thánh Thể, các tín hữu rước lễ khi tham dự thánh lễ (Trong cùng một ngày, tín hữu có thể rước lễ hai lần, và chỉ hai lần mà thôi, Bộ Giáo Luật, điều 917), nếu hội đủ các điều kiện cần thiết: "Nên khuyến khích các tín hữu tham dự thánh lễ trọn vẹn hơn, qua việc lãnh nhận Mình Thánh Chúa ngay trong thánh lễ", sau khi linh mục rước lễ (CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 55).

Hội Thánh buộc các tín hữu phải tham dự thánh lễ vào các ngày Chúa nhật và lễ trọng (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Orientalium Ecclesiarum, 15) rước lễ mỗi năm ít là một lần vào mùa Phục Sinh, trừ khi có lý do chính đáng, có thể chu toàn vào mùa khác trong năm (x. CIC, can 920), trước đó phải chuẩn bị tâm hồn bằng bí tích Giao Hòa. Hội Thánh hết sức khuyến khích các tín hữu rước lễ vào các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng, hay thường xuyên hơn nữa, rước lễ hằng ngày.

Chúa Kitô hiện diện dưới mỗi hình Bánh hình Rượu, vì thế rước lễ dưới hình bánh mà thôi vẫn đem lại cho ta trọn vẹn hiệu quả ân sủng của bí tích Thánh Thể. Vì các lý do mục vụ, Nghi lễ Latinh quy định cách rước lễ dưới hình Bánh thôi là hình thức thông dụng nhất. "Xét về phương diện dấu chỉ, việc rước lễ dưới hai hình là hình thức đầy đủ hơn. Quả thật, dưới hình thức này, dấu chỉ của bữa tiệc Thánh thể được sáng tỏ hơn" (Quy chế tổng quát Sách Lễ Rôma, 240). Hình thức này rất thông dụng trong các nghi lễ Đông Phương.

Hiệu quả của việc rước lễ

Communionis fructus


Việc rước lễ tăng triển sự hiệp thông của chúng ta với Chúa Kitô. Hiệu quả chính yếu của việc rước lễ là được kết hiệp thâm sâu với Chúa Kitô. Chúa đã phán: "Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì luôn kết hiệp với Tôi, và Tôi luôn kết hiệp với người ấy". Đời sống trong Chúa Kitô có nền tảng nơi bí tích Thánh Thể: "Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy" (Ga 6,57).

Trong tiệc thánh của Chúa, khi lãnh nhận Mình của Chúa Con, các tín hữu loan báo cho nhau Tin Mừng: Thiên Chúa đã ban cho họ những hồng ân đầu tiên của sự sống, như xưa kia thiên thần báo cho bà Maria Mađalêna: "Chúa Kitô đã Phục Sinh". Ngày nay, Thiên Chúa cũng ban sự sống và sự phục sinh cho những ai rước lấy Chúa Kitô (x. Fanqith, Office syriaque d' Antioche, quyển 1, Hiệp lễ,237 a-b).

Như của ăn vật chất mang lại sự sống cho thân xác thế nào, việc rước lễ cũng đem lại sự sống kỳ diệu cho đời sống thiêng liêng như vậy. Khi các tín hữu rước lấy Mình của Đấng Phục Sinh, "Mình đã được sống động nhờ Thánh Thần và làm cho người ta được sống" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 5), đời sống ân sủng đã lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy được gìn giữ, phát triển và canh tân. Để đời sống ân sủng tăng triển, người Kitô hữu phải được bí tích thánh Thể là Bánh dành cho kẻ lữ hành trần thế, dưỡng nuôi cho đến giờ lâm tử; lúc ấy họ sẽ đón nhận như Của Ăn Đàng.

Việc rước lễ giúp chúng ta xa lánh tội lỗi. Chúng ta rước lấy Mình Chúa Kitô, "đã phó nộp vì chúng ta", và Máu "đã đổ ra cho mọi người được tha tội". Vì thế, bí tích Thánh Thể không thể kết hiệp chúng ta với Chúa Kitô, nếu không thanh tẩy chúng ta khỏi tội đã phạm và giúp chúng ta xa lánh tội lỗi.
"Mỗi lần chúng ta đón nhận Người, chúng ta loan truyền Chúa đã chịu chết". Chúng ta loan truyền Chúa đã chiụ chết, thì cũng loan truyền ơn tha tội. Mỗi lần Máu Người đổ ra là để tha tội, tôi phải rước lấy để tội tôi được tha. Tôi luôn phạm tội, nên tôi cần một phương dược cứu độ" (Thánh Ambrôxiô, Các bí tích 4,28).

Như của ăn vật chất phục hồi sức lực đã tiêu hao, bí tích Thánh Thể củng cố đức mến mà trong đời sống hằng ngày có xu hướng suy yếu đi. Đức mến sống động này có thể xóa đi các tội nhẹ (x. CĐ Trentô, DS 1638). Khi tự hiến cho chúng ta, Đức Kitô làm cho tình yêu chúng ta sống dậy, ban sức mạnh để chúng ta tự giải thoát khỏi những ràng buộc bất chính với thụ tạo và gắn bó chúng ta chặt chẽ với Người:

"Lạy Cha, vì yêu thương, Đức Kitô đã chết cho chúng con. Mỗi khi tưởng niệm cuộc tử nạn của Người trong thánh lễ, chúng con xin Cha cử Thánh Thần đến ban tình yêu cho chúng con. Chúng con khiêm tốn khẩn nguyện, nhờ tình yêu mà Đức Kitô đã chết vì chúng con, cho chúng con được lãnh nhận ơn Thánh Thần, để có thể xem thế gian như đã bị đóng đinh cho chúng con và chúng con cũng bị đóng đinh cho thế gian... Lạy Cha, vì tình yêu được lãnh nhận, xin cho chúng con chết đối với tội và chỉ sống cho Cha" (Thánh Fulgence de Ruspe, Fab.28, 16-19.)

1395 1855 1446.
Nhờ tình yêu mà bí tích Thánh Thể khơi dậy trong tâm hồn, chúng ta được gìn giữ khỏi phạm tội trọng. Càng tham dự vào sự sống Chúa Kitô, chúng ta càng sống mật thiết với Người; nhờ đó giảm bớt nguy cơ phạm tội trọng xa lìa Chúa. Nhưng bí tích Thánh Thể không được thiết lập để tha các tội trọng, đó là chức năng của bí tích Giao Hòa. Bí tích Thánh Thể dành cho những người hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh.

Sự duy nhất của Nhiệm Thể: Bí tích Thánh Thể làm nên Hội Thánh. Ai hiệp lễ, đều được liên kết chặt chẽ với Chúa Kitô. Nhờ đó, Chúa Kitô kết hiệp họ với các tín hữu khác thành một một thân thể duy nhất là Hội Thánh. Bí tích Thánh Tẩy tháp nhập ta vào Hội Thánh, bí tích Thánh Thể canh tân, củng cố và kiện toàn sự tháp nhập này.

Trong bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được mời gọi để tạo thành một thân thể duy nhất (x. 1Cr 12,13). Bí tích Thánh Thể thực hiện ơn gọi này: "Khi ta nâng chén tạ ơn mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể" (1Cr 10,16-17) :

"Nếu anh em là thân thể và chi thể của Chúa Kitô, thì chính anh em là bí tích đang đặt trên bàn thờ Chúa; anh em lãnh nhận bí tích là chính anh em. Khi lãnh nhận anh em thưa "AMEN" (vâng, đúng như thế!) và anh em xác quyết như thế. Anh em nghe: "Mình Thánh Chúa Kitô" và trả lời: "AMEN". Hãy thực sự trở thành chi thể của Chúa Kitô, để cho lời thưa AMEN của anh em là chân thực" (Thánh Augustinô, bài giảng 272).

Bí tích Thánh Thể đòi buộc chúng phải chăm sóc người nghèo. Để thực sự lãnh nhận Mình và Máu Đức Kitô đã phó nộp vì chúng ta, chúng ta phải nhận ra Người trong những người nghèo nàn nhất, những anh em của Người (x. Mt 25,40).
"Anh đã rước Máu Thánh Chúa, thế mà anh đã không nhận ra người anh em của mình. Anh đã hạ giá Bàn Tiệc Thánh, khi những người được Thiên Chúa coi là xứng đáng tham dự Tiệc Thánh, lại bị anh coi là không xứng đáng chia sẻ cơm áo với anh. Thiên Chúa đã giải thoát anh khỏi mọi tội lỗi và mời anh vào bàn tiệc, thế mà anh đã không tỏ ra nhân từ hơn chút nào" (Thánh Gioan Kim Khẩu, bài giảng về 1Cr 27,4).

Bí tích Thánh Thể và sự hiệp nhất các Kitô hữu. Trước mầu nhiệm cao cả này, thánh Augustinô đã thốt lên: "Ôi bí tích tình yêu! Dấu chỉ hiệp nhất! Mối dây bác ái!" (x. Tin Mừng Gioan 26,6,13; Hiến chế  Sacrosanctum Concilium, 47)

Càng đau khổ vì sự chia rẽ trong Hội Thánh vốn làm cho các Kitô hữu không thể tham dự Tiệc Thánh chung với nhau, chúng ta càng thấy Lời Chúa cầu nguyện cho các Kitô hữu được hiệp nhất trở nên khẩn thiết hơn.

Các Giáo Hội Đông Phương, dù không hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo, vẫn cử hành bí tích Thánh Thể một cách sốt sắng. Vì "các Giáo Hội ấy, mặc dù ly khai, vẫn có các bí tích đích thực nhờ sự kế nhiệm các tông đồ, nhất là chức linh mục và bí tích Thánh Thể, nên vẫn liên kết chặt chẽ với chúng ta. Do đó, một vài hình thức hiệp thông trong sự thánh (nghĩa là trong bí tích Thánh Thể), trong những trường hợp thuận tiện và với sự chấp thuận của giáo quyền, chẳng những là có thể thực hiện mà còn đáng khuyến khích nữa"(CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 15; x. Bộ Giáo Luật, điều 844,3).

Các cộng đoàn phát sinh từ cuộc Cải Cách, đã ly khai khỏi Giáo Hội Công giáo "không còn giữ được bản chất đích thực và nguyên vẹn của mầu nhiệm Thánh Thể, chủ yếu là vì thiếu bí tích Truyền Chức Thánh". Vì lý do này, Giáo hội Công giáo không thể cùng với họ cử hành bí tích Thánh Thể được. Nhưng khi các cộng đoàn này "tưởng niệm sự chết và sự sống lại của Chúa trong Tiệc Thánh, họ đã tuyên xưng rằng sự sống chỉ có nghĩa nhờ hiệp thông với Chúa Kitô và họ mong đợi ngày trở lại vinh quang của Người" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 22).

Theo phán đoán của giám mục giáo phận, khi có nhu cầu quan trọng, các thừa tác viên Công giáo được phép ban các bí tích Giao Hòa, Thánh Thể và Xức Dầu bệnh nhân cách hợp pháp cho những người Kitô hữu không hiệp thông hoàn toàn với Giáo Hội Công giáo, khi họ xin với điều kiện là họ tuyên xưng Đức Tin Công Giáo về các bí tích ấy và họ đã chuẩn bị hợp lệ (Bộ Giáo Luật, điều 844,4).