III. BA CẤP BẬC CỦA BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH

    Xem nhanh

Tres sacramenti Ordinis gradus 

 

"Thừa tác vụ do Thiên Chúa thiết lập trong Hội Thánh được thi hành bởi những người có chức vụ khác nhau mà từ xưa được gọi là: giám mục, linh mục và phó tế" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 28). Giáo lý Công Giáo được diễn tả trong Phụng Vụ, Huấn Quyền và cách thực hành liên tục trong Hội Thánh thừa nhận có hai cấp bậc tham dự như thừa tác viên vào chức tư tế của Đức Kitô: hàng giám mục và hàng linh mục. Hàng phó tế có nhiệm vụ giúp đỡ và phục vụ các giám mục và linh mục.

Vì thế từ "Sacerdos" (tư tế) hiện nay được dùng để chỉ các giám mục và các linh mục, nhưng không chỉ các phó tế. Tuy nhiên, giáo lý Công Giáo dạy rằng những cấp bậc tư tế thừa tác (giám mục và linh mục) và cấp bậc phục vụ (phó tế) cả ba đều được trao ban qua một hành vi bí tích được gọi "Ordinatio", nghĩa là qua bí tích Truyền Chức:
Chớ gì mọi người tôn trọng các phó tế như Đức Giêsu Kitô, tôn trọng giám mục như hình ảnh của Chúa Cha và tôn trọng các linh mục như nghị viện của Thiên Chúa và như công hội các tông đồ: không có những vị này, không thể nói về Hội Thánh (Thánh Ignatiô Antiôchia, Thơ gửi Tralianô, 3,1).

Giám mục - sự tròn đầy của bí tích Truyền Chức

Ordinatio episcopalis – plenitudo sacramenti Ordinis

"Giữa các tác vụ khác nhau được thi hành trong Hội Thánh từ buổi sơ khai, theo chứng tá của Truyền Thống, tác vụ chính yếu là tác vụ của những vị đã được bổ nhiệm lên giám mục; nhờ liên tục kế vị từ buổi ban đầu, các ngài vẫn có những mầm mống hạt giống tông đồ (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 20).

"Để chu toàn sứ mạng cao cả ấy, các tông đồ được Đức Kitô đổ tràn đầy Thánh Thần cách đặc biệt (x. Cv 1,8; 2,4; Ga 20,22-23). Và các ngài thông truyền các ơn thiêng ấy cho các cộng sự viên khi đặt tay trên họ (x. 1Tm 4,14; 2Tm 1,6-7). Và qua việc thánh hiến giám mục, ơn thiêng ấy được thông truyền cho đến chúng tôi (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 21).

Công đồng Vaticanô II dạy: "Khi được tấn phong, các giám mục nhận lãnh trọn vẹn bí tích Truyền Chức mà tập tục phụng vụ Hội Thánh và các thánh giáo phụ gọi là chức tư tế tối cao và nhận lãnh thực tại toàn vẹn của thánh vụ" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 21).

"Khi được tấn phong, giám mục không những có nhiệm vụ thánh hoá mà còn có nhiệm vụ giảng dạy và quản trị... Tuy nhiên... qua sự đặt tay và qua các lời thánh hiến, ơn Chúa Thánh Thần được thông ban và ấn tín thánh được in trên các giám mục, nên các ngài thi hành nhiệm vụ của chính Đức Kitô là Thầy, Mục tử và Thượng tế và hành động trong cương vị của Người" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 21). "Nhờ Thánh Thần mà các ngài đã lãnh nhận, các giám mục trở thành thầy dạy đức tin, Thượng tế, Mục tử thực thụ và chính thức" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Christus Dominus, 2).

"Người lãnh nhận bí tích Truyền Chức và hiệp thông phẩm trật với Thủ Lãnh cùng các phần tử trong cộng đoàn trở thành phần tử của giám mục đoàn". Một trong những cách diễn tả đặc tính và bản chất tập đoàn của hàng giám mục là từ xưa Hội Thánh muốn có nhiều giám mục cùng tấn phong một tân giám mục (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 22).

Để tấn phong hợp pháp một giám mục, ngày nay phải có ý kiến đặc biệt của giám mục Rôma, vì ngài là dây liên kết hữu hình cao nhất của sự hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương trong một Hội Thánh duy nhất và bảo đảm cho các Giáo Hội được tự do.

Vì là đại diện của Đức Kitô, mỗi giám mục có trách nhiệm mục vụ trong Giáo Hội địa phương được trao phó cho ngài, đồng thời ngài cũng phải cùng với các vị khác trong giám mục đoàn chăm lo cho toàn thể Hội Thánh: Dù mỗi giám mục là mục tử của đoàn chiên được giao phó, nhưng vì là người kế nhiệm hợp pháp của các tông đồ do Chúa thiết lập, nên ngài phải liên đới trách nhiệm với sứ mạng tông đồ của Hội Thánh (x. Piô XII, thông điệp "Hồng ân đức tin"; CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 23; CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Christus Dominus, 4;36;37; Sắc lệnh Ad gentes 5;6;38).

Những điều trên đây giải thích tại sao việc giám mục cử hành thánh lễ lại có ý nghĩa rất đặc biệt, vì diễn tả Hội Thánh quy tụ quanh bàn thờ, dưới sự chủ tọa của vị đại diện hữu hình của Đức Kitô, là Mục Tử Nhân lành và Thủ Lãnh của Hội Thánh (CĐ Vaticanô II, Hiến chế  Sacrosanctum Concilium 41; CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 26).


Việc truyền chức các linh mục - những cộng sự viên của các giám mục.

Ordinatio presbyterorum – cooperatorum Episcoporum


"Được Chúa Cha thánh hiến và sai đến thế gian (x. Ga 10,36), Đức Kitô nhờ các tông đồ, đã làm cho các giám mục, những vị kế nhiệm các tông đồ, có thể tham dự vào việc thánh hiến và vào sứ mạng của mình. Các giám mục lại giao trách nhiệm của tác vụ mình một cách hợp pháp cho nhiều phần tử trong Hội Thánh theo từng cấp bậc" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 28). "Người lại trao ban cho các linh mục chức vụ thừa hành này ở một cấp độ tuỳ thuộc, để một khi gia nhập hàng linh mục họ là những cộng sự viên của hàng giám mục để chu toàn một cách tốt đẹp sứ mạng tông đồ mà Đức Kitô trao phó" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 2).

"Chức vụ linh mục liên kết với chức giám mục, nên cũng được tham dự vào quyền bính mà chính Chúa Kitô đã dùng để kiến tạo, thánh hóa và cai quản Thân Thể Người. Vì vậy, chức linh mục dù giả thiết đã có những bí tích khai sinh đời sống Kitô giáo, nhưng lại được một bí tích riêng in ấn tín đặc biệt khi các ngài được Chúa Thánh Thần xức dầu. Như thế, các ngài nên giống Chúa Kitô Linh Mục, đến nỗi có quyền thay mặt Chúa Kitô là Đầu mà hành động" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 2).

"Linh mục, dù không có quyền thượng tế và tùy thuộc giám mục khi thi hành quyền bính, cũng hiệp nhất với giám mục trong tước vị tư tế. Nhờ bí tích Truyền Chức, linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Đức Kitô, thầy cả Thượng Phẩm vĩnh viễn (x. Dt 5,1-10; 7,24; 9,11-28), để rao giảng Tin Mừng, chăm sóc tín hữu và cử hành việc phụng tự Thiên Chúa với tư cách tư tế đích thực của Tân Ước" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 28).

Do bí tích Truyền Chức, các linh mục tham dự vào sứ mạng phổ quát Đức Kitô trao cho các tông đồ. "Ơn huệ thiêng liêng các ngài nhận lãnh trong bí tích Truyền Chức, chuẩn bị cho các ngài không phải cho một sứ mệnh giới hạn và thu hẹp nào đó, nhưng cho một sứ mệnh cứu rỗi rất rộng lớn và bao quát "đến tận cùng trái đất" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 10); "sẵn sàng đi rao giảng Tin Mừng ở bất cứ nơi nào" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Optatam totius, 20).

"Các ngài thực thi thánh vụ mình cách tuyệt hảo nhất là trong thánh lễ hoặc cộng đồng tạ ơn, trong đó, các ngài thay thế Đức Kitô công bố mầu nhiệm của Chúa, kết hợp những ước nguyện của tín hữu vào hy tế của thủ lãnh họ và trong hy tế thánh lễ, hiện tại hoá và áp dụng hy tế duy nhất của Tân Ước, là hy tế tinh tuyền đã một lần tự dâng hiến lên Chúa Cha, cho tới ngày Chúa trở lại" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 28). Toàn bộ thừa tác vụ tư tế của các ngài nhận được sức mạnh từ hy tế duy nhất này.

"Là cộng sự viên khôn ngoan, là phụ tá và là dụng cụ của hàng giám mục, linh mục được kêu gọi để phục vụ Dân Thiên Chúa. Các ngài hợp với giám mục mình tạo thành linh mục đoàn duy nhất với nhiều chức vụ khác nhau. Trong mỗi cộng đoàn tín hữu địa phương, linh mục là hiện thân của giám mục mà các ngài hằng liên kết với lòng tin tưởng và quảng đại, lãnh nhận phần chức vụ cùng chia sẽ nỗi lo lắng của giám mục và hằng ngày ân cần thi hành chức vụ ấy" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 28).

Các linh mục chỉ có thể thi hành phận vụ khi tùy thuộc vào giám mục và hiệp thông với giám mục. Lời hứa vâng phục giám mục khi chịu chức và cái hôn bình an của giám mục vào cuối nghi thức truyền chức, cho thấy giám mục nhận các linh mục như cộng sự viên, như con cái, như anh em, như bạn hữu; vì thế, linh mục phải đáp lại bằng lòng yêu mến và vâng phục.

"Khi gia nhập hàng linh mục nhờ bí tích Truyền Chức, tất cả các linh mục liên kết mật thiết với nhau bằng một tình huynh đệ do bí tích; nhưng đặc biệt trong một giáo phận, khi được chỉ định phục vụ dưới quyền giám mục của mình, các ngài hợp thành một linh mục đoàn duy nhất" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Presbyterorum ordinis, 8). Tính duy nhất của linh mục đoàn được biểu lộ qua một tập quán trong phụng vụ: sau giám mục, các linh mục đặt tay lên đầu tân linh mục trong lễ nghi phong chức.

Phó tế - "để phục vụ"

Ordinatio diaconorum – « ad ministerium »


"Ở bậc thấp hơn nữa của hàng giáo phẩm, có các phó tế, người đã được đặt lên, không phải để lãnh nhận chức vụ linh mục, nhưng để phục vụ" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 29; Sắc lệnh Christus Dominus, 15). Khi phong chức phó tế, chỉ mình giám mục đặt tay. Điều này cho thấy phó tế được liên kết đặc biệt với giám mục trong trách nhiệm "phục vụ" (Thánh Hippôlytô Rôma, Truyền thống tông đồ 8).

Các phó tế tham dự cách đặc biệt vào sứ mạng và ân sủng của Đức Kitô (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 41; Sắc lệnh Ad gentes, 16). Bí tích Truyền Chức in trong họ một ấn tín vĩnh viễn làm cho các ngài nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng trở thành "người phục vụ", nghĩa là tôi tớ của mọi người (x. Mc 10,45; Lc 22,27; Thánh Pôlycarpô, thư gửi tín hữu Philípphê).

Một trong các phận vụ phó tế là phụ giúp các giám mục và linh mục trong việc cử hành mầu nhiệm thánh, nhất là thánh lễ, trao Mình Thánh Chúa, chứng kiến và chúc lành cho đôi hôn phối, công bố và rao giảng Tin Mừng, chủ tọa lễ nghi an táng và đặc biệt là việc bác ái (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 29; Hiến chế  Sacrosanctum Concilium, 35; Sắc lệnh Ad gentes, 16 ).

Từ Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội La-tinh tái lập chức phó tế như "một bậc riêng và vĩnh viễn thuộc phẩm trật" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen gentium, 29). Còn Giáo Hội Đông Phương vẫn duy trì chức vụ này từ xưa. Chức phó tế vĩnh viễn có thể được ban cho người nam đã lập gia đình, đã góp phần quan trọng giúp Hội Thánh chu toàn sứ mạng.

Thật là thích hợp và hữu ích khi có những người chu toàn chức vụ phó tế của Hội Thánh cả trong đời sống mục vụ và phụng vụ cũng như trong công tác xã hội và bác ái, "được thêm mạnh mẽ nhờ việc đặt tay" lưu truyền từ thời các tông đồ và được kết hợp chặt chẽ với bàn thánh hơn, để họ chu toàn thừa tác vụ của mình một cách hữu hiệu hơn nhờ ơn bí tích của chức phó tế (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad gentes, 16).