ÂN SỦNG CỦA BÍ TÍCH RỬA TỘI

    Xem nhanh

 

Những yếu tố khả giác của nghi lễ cho thấy các hiệu quả khác nhau của bí tích Thánh Tẩy. Việc dìm người xuống nước tượng trưng cho sự chết và thanh luyện, nhưng cũng là biểu tượng cho sự tái sinh và đổi mới. Do vậy, hai hiệu quả chính của bí tích Thánh Tẩy là thanh luyện tội lỗi và tái sinh trong Chúa Thánh Thần (x. Cv 2,38; Gl 3,5).

Để tha thứ tội lỗi…

In remissionem peccatorum...

Nhờ bí tích Thánh Tẩy, mọi tội lỗi đều được tha: nguyên tội, mọi tội riêng cũng như mọi hình phạt do tội (CĐ Florentinô, DS 1316). Những người đã được tái sinh sẽ được vào Nước Thiên Chúa và không còn gì ngăn cản họ, dù là tội Ađam, tội riêng của họ, những hậu quả của tội, kể cả hậu quả trầm trọng nhất là xa lìa Thiên Chúa.

Tuy nhiên, người đã được rửa tội còn phải chịu một số hậu quả tạm thời của tội như: đau khổ, bệnh tật, chết chóc hay những bất toàn trong cuộc sống như tính tình yếu đuối... và một sự hướng chiều về tội mà Truyền Thống quen gọi là vật dục hay nói bóng bẩy là "cái nôi của tội". "Thiên Chúa để vật dục lại cho chúng ta chiến đấu.

Vật dục không có khả năng làm hại những ai không đồng tình mà còn can đảm chống lại nó nhờ ân sủng của Đức Kitô. Hơn nữa, "không đoạt giải nếu không thi đấu theo luật lệ" (2 Tm 2,ề 5) (x. CĐ Trentô, DS 1515).

"Một tao vật tạo mới"

« Nova creatura »

Bí tích Thánh Tẩy không chỉ rửa sạch mọi tội lỗi, mà còn làm cho người tân tòng trở nên "một thụ tạo mới" (2 Cr 5,17), thành nghĩa tử của Thiên Chúa (x. Gl 4,5-7), "được thông phần bản tính Thiên Chúa" (2 Pr 1,4), thành chi thể Đức Kitô (x.1Cr 6,15; 12,27) và đồng thừa tự với Người (Rm 8,17), thành đền thờ Chúa Thánh Thần (x.1Cr 6,19).

Chúa Ba Ngôi Chí Thánh ban cho người được rửa tội ơn thánh hóa, ơn công chính hóa để người đó:

 

- có khả năng tin tưởng, trông cậy và yêu mến Người nhờ các nhân đức đối thần;
- có thể sống và hành động dưới tác động của Chúa Thánh Thần nhờ các hồng ân;
- ngày càng hoàn thiện hơn nhờ các nhân đức luân lý.

Toàn bộ đời sống siêu nhiên của người Kitô hữu đều bắt nguồn từ bí tích Thánh Tẩy.

Tháp nhập vào Hội Thánh là Thân Thể Chúa Kitô

Ecclesiae, Christi corpori, incorporati

Bí tích Thánh Tẩy làm cho chúng ta thành chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô, "bởi thế, chúng ta là phần thân thể của nhau" (Ep 4,25). Bí tích Thánh Tẩy tháp nhập chúng ta vào Hội Thánh. Dân Thiên Chúa của Giao Ước Mới phát sinh từ giếng rửa tội. Dân này vượt trên mọi ranh giới tự nhiên hay nhân trần, quốc gia, văn hóa, chủng tộc và giới tính. "Tất cả chúng ta đều đã chịu Phép Rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể" (1 Cr 12,13).

Những người đã được rửa tội trở nên "những viên đá sống động... để xây nên ngôi đền thờ của Thánh Thần, xây dựng hàng tư tế thánh" (1 Pr 2,5). Nhờ bí tích Thánh Tẩy, họ tham dự vào chức tư tế của Đức Kitô, vào sứ mạng ngôn sứ và vương đế của Người. "Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hoàng tộc chuyên lo tế tự, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công vĩ đại của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối vào nơi đầy ánh sáng dịu huyền" (2 Pr 2,9). Bí tích Thánh Tẩy cho các tín hữu tham dự vào chức tư tế cộng đồng của Dân Chúa.

Người đã được rửa tội trở thành phần tử của Hội Thánh, họ "không còn thuộc về mình, nhưng thuộc về Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta" (1Cr 6,19). Do đó, họ được mời gọi để phục tùng nhau (x.Ep 5,21; 1Cr 16, 15-16) và phục vụ nhau (x.Ga 13,12-15) trong tình hiệp thông của Hội Thánh. Họ được mời gọi vâng lời và phục tùng các vị lãnh đạo của Hội Thánh (x. Dt 13, 17) với lòng kính trọng và quý mến (x.1Tx 5,12-13). Bí tích Thánh Tẩy đã trao cho người lãnh nhận những trách nhiệm và bổn phận, đồng thời cũng cho họ được hưởng những quyền lợi trong lòng Hội Thánh: được lãnh nhận các bí tích, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và được Hội Thánh nâng đỡ bằng các trợ giúp thiêng liêng (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 37; CIC can 208-223; CCEO can 675,2).

"Được tái sinh làm con Thiên Chúa, những người đã được rửa tội có bổn phận tuyên xưng trước mặt mọi người đức tin mà họ nhận lãnh từ Thiên Chúa qua Hội Thánh" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 11), tham dự vào hoạt động tông đồ và truyền giáo của Dân Thiên Chúa (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 17; Sắc lệnh Ad Gentes, 7,23).

Mối dây hiệp nhất các Kitô hữu

Sacramentale unitatis christianorum vinculum

Bí tích Thánh Tẩy đặt nền tảng cho sự hiệp thông giữa các Kitô hữu, ngay cả với những người chưa hoàn toàn hiệp thông với Hội Thánh Công Giáo: "Thật vậy, những người tin ở Chúa Kitô và đã được rửa tội đúng phép, vẫn hiệp thông với Hội Thánh Công giáo một cách nào đó, cho dầu không được hoàn hảo... Được công chính hóa nhờ đức tin khi chịu phép rửa tội, họ đã được tháp nhập vào Chúa Kitô, vì thế họ có quyền mang danh Kitô hữu và xứng đáng được con cái của Hội Thánh Công Giáo nhìn nhận là anh em trong Chúa" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 3). "Vậy phép Rửa Tội tạo nên mối dây hiệp nhất tất cả những kẻ đã được tái sinh" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Unitatis redintegratio, 22).

 

Dấu ấn thiêng liêng không thể tẩy xóa…

Signum spirituale indelebile...

Được tháp nhập vào Chúa Kitô nhờ bí tích Thánh Tẩy, người được rửa tội trở nên "đồng hình đồng dạng" với Chúa Kitô (x. Rm 8,29). Bí tích Thánh Tẩy ghi trên Kitô hữu một dấu ấn thiêng liêng không thể tẩy xóa để chỉ cho biết họ thuộc về Chúa Kitô. Không một tội lỗi nào xóa được dấu ấn này, cho dù tội lỗi ngăn cản bí tích Thánh Tẩy mang lại những hiệu quả cứu độ (CĐ Triđentinô, DS 1609-1619). Mỗi người chỉ nhận bí tích Thánh Tẩy một lần mà thôi.

Được tháp nhập vào Hội Thánh nhờ bí tích Thánh Tẩy, các tín hữu đã được ấn tích thánh hiến để họ thi hành việc phụng tự Kitô giáo. Ấn tín rửa tội vừa cho họ khả năng vừa đòi buộc họ phụng sự Thiên Chúa, bằng cách tham dự tích cực vào phụng vụ của Hội Thánh và thực thi chức vụ tư tế cộng đồng bằng đời sống thánh thiện và đức mến năng động để làm chứng cho Chúa (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 11,10).

"Ấn tín của Chúa" (x. Thánh Augustinô, thư 98,5) là dấu ấn Chúa Thánh Thần ghi trên chúng ta "để chờ ngày cứu chuộc" (Ep 4,30). "Thật vậy, bí tích Thánh Tẩy là ấn tín của sự sống muôn đời" (x. Thánh Irênê, Trình bày đức tin 3 ). Người tín hữu "được Thiên Chúa ghi dấu đức tin" (Kinh nguyện Thánh Thể I còn gọi là Lễ Quy Rôma: Sách Lễ Rôma, 454) phải "gìn giữ ấn tín" này cho đến cùng, nghĩa là trung thành với những đòi hỏi của bí tích Thánh Tẩy; họ có thể an giấc trong niềm tin của bí tích Thánh Tẩy, chờ ngày được hưởng Nhan Thánh Chúa và hy vọng sẽ được sống lại vinh quang.