AI CÓ THỂ LÃNH NHẬN BÍ TÍCH RỬA TỘI? AI CÓ THỂ BAN BÍ TÍCH RỬA TỘI?

    Xem nhanh


"Tất cả và chỉ những người chưa được rửa tội mới có khả năng lãnh bí tích Thánh Tẩy" (Bộ Giáo Luật, điều 864; x. Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 679).

Rửa tội cho người lớn

Baptismus adultorum

Thuở ban đầu, Hội Thánh chỉ rửa tội cho người lớn ở những nơi Tin Mừng vừa mới được loan báo. Trong trường hợp đó, thời kỳ dự tòng (chuẩn bị cho bí tích Thánh Tẩy) giữ một vị trí quan trọng. Được khai tâm về đức tin và đời sống Kitô giáo, người dự tòng được chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận hồng ân của Thiên Chúa trong bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể.

Thời kỳ dự tòng hoặc thời gian huấn luyện có mục đích giúp đương sự đáp lại lời mời cứu độ của Thiên Chúa và hiệp thông với cộng đoàn Hội Thánh, hoán cải và tiến đến một đức tin trưởng thành. "Đây chính là thời gian huấn luyện đời sống Kitô giáo đầy đủ... để nhờ đó, môn đệ liên kết với Chúa Kitô là Thầy mình. Các dự tòng được khai tâm về mầu nhiệm cứu rỗi, tập sống theo Phúc Âm, và qua các nghi lễ được cử hành theo từng giai đoạn, họ được đưa vào đời sống đức tin, phụng vụ và bác ái của dân Chúa" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 14; Nghi thức gia nhập Kitô giáo cho người lớn, 11,98,36).

"Những người dự tòng đã kết hợp với Hội Thánh, đã thuộc về gia đình của Chúa Kitô và có khi đã sống đời sống đức Tin, Cậy, Mến rồi" (CĐ Vaticanô II, Sắc lệnh Ad Gentes, 14). "Hội Thánh là Mẹ hiền yêu thương săn sóc họ như con cái mình" (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 14; x. CIC can 206; 788, 3).

Rửa tội cho trẻ em

Baptismus infantium

Được sinh ra với bản tính con người đã sa ngã và hoen ố do nguyên tội, trẻ em cũng cần được sinh ra trong đời sống mới nhờ bí tích Thánh Tẩy (CĐ Triđentinô, DS 1514), để thoát khỏi quyền lực tối tăm và được hưởng tự do của con cái Thiên Chúa mà mọi người được mời gọi (x. Cl 1,12-14).

Việc rửa tội trẻ em cho thấy Thiên Chúa ban ơn cứu độ hoàn toàn nhưng không. Nếu không cho các em lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy càng sớm càng tốt sau khi sinh, thì Hội Thánh và cha mẹ sẽ ngăn chặn các em lãnh nhận ơn vô giá là được trở nên con cái Thiên Chúa (x. CIC can 867; CCEO can 681; 686,1) .

Các bậc cha mẹ Kitô hữu phải ý thức rằng việc rửa tội cho con cái phù hợp với vai trò nuôi dưỡng sự sống mà Thiên Chúa ủy thác cho họ (CĐ Vaticanô II, Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 11,41; Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 48; CIC can 774,2.1136).

Việc rửa tội cho trẻ em là một truyền thống không biết có tự bao giờ. Hội Thánh minh nhiên xác nhận điều này ngay từ thế kỷ thứ hai. Nhưng rất có thể ngay từ đầu các tông đồ cũng đã rửa tội cho trẻ em, khi có những gia đình mà "cả nhà" đều chịu phép rửa (x. Cv 16,15.33; 18,8; 1Cr 1,16; Thánh bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Pastoralis actio, 4).

Đức tin và bí tích Thánh Tẩy

Fides et Baptismus

Bí tích Thánh Tẩy là bí tích đức tin (x. Mc 16,16). Không thể tách đức tin khỏi cộng đoàn tín hữu. Đức tin của chúng ta gắn liền với đức tin của Hội Thánh. Đức tin cần có để được rửa tội chưa phải là đức tin hoàn hảo và trưởng thành, nhưng là một khởi đầu cần được phát triển. Hội Thánh hỏi người dự tòng hoặc người đỡ đầu: "Con xin gì cùng Hội Thánh Chúa ?" Và họ trả lời: "Con xin đức tin".

Đức tin của những người đã được rửa tội, trẻ em hay người lớn, cần được tăng trưởng sau khi rửa tội. Chính vì thế, hằng năm trong đêm vọng Phục Sinh, Hội Thánh cho các tín hữu nhắc lại lời hứa rửa tội. Việc chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy chỉ dẫn tới ngưỡng cửa của đời sống mới. Bí tích Thánh Tẩy là nguồn mạch phát sinh đời sống mới trong Đức Kitô, từ đó phát sinh đời sống Kitô hữu.

Điều quan trọng là cha mẹ phải giúp đỡ để ơn sủng của bí tích Thánh Tẩy được phát triển. Đó cũng là vai trò của người đỡ đầu. Họ phải là người tín hữu tốt, có khả năng và sẵn sàng giúp đỡ người chịu phép rửa sống đạo (x. CIC can 872-874). Trách nhiệm của họ là một phận vụ đích thực của Hội Thánh (CĐ Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 67). Tất cả cộng đoàn Hội Thánh đều có một phần trách nhiệm trong việc phát triển và bảo tồn ân huệ nhận được trong bí tích Thánh Tẩy.

 

AI CÓ THỂ BAN BÍ TÍCH RỬA TỘI?

Quis baptizare potest?  

 

Thừa tác viên thông thường của bí tích Thánh Tẩy là giám mục, linh mục, riêng trong Giáo Hội Latinh cả phó tế nữa (Bộ Giáo Luật, điều 861, 1; Bộ Giáo Luật Đông phương, điều 677,1). Trong trường hợp khẩn thiết, mọi người - ngay cả những người chưa rửa tội nhưng có ý hướng đúng đắn - cũng có thể dùng công thức: nhân danh Chúa Ba Ngôi mà rửa tội (x. CIC 861,2). Ý hướng đúng đắn là muốn làm điều Hội Thánh làm khi rửa tội. Hội Thánh chấp nhận điều này, vì Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ (x. 1Tm 2,4) và bí tích Thánh Tẩy là phương thế cần thiết để được cứu độ (x. Mc 16,16).