Mỗi Người Đều Có Ơn Gọi Và Sứ Mệnh Trong Cuộc Đời - BẠN Quan Trọng Đối Với Thiên Chúa

    Xem nhanh

“Trước khi cho ngươi hình thành trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi” (Gr 1,5), “Vì trước mắt Ta, con thật quý giá” (Is 43,4).  

Linh mục và chủng sinh Việt Nam tại New Zealand

   Thiên Chúa có kế hoạch yêu thương của Người cho riêng mỗi một chúng ta, khám phá ơn gọi cá nhân của mỗi người là cách đáp trả lại lời mời gọi yêu thương đến từ Thiên Chúa. Theo Thánh Tôma (1225 -1274), mọi thứ tồn tại trên thế gian không phải do ngẫu nhiên, nhưng có mục đích của riêng nó và Thiên Chúa là lý do cho sự tồn tại của nó. Là con người, mỗi người đều có ơn gọi, một ý nghĩa cho cuộc sống, điều này có thể được hiểu là mục đích hay sứ mệnh Chúa ban cho mỗi người. Nói một cách dễ hiểu, ơn gọi là một mối tương quan liên vị với Thiên Chúa. Từ “ơn gọi” thường có ba ý nghĩa khác nhau.

 

(1) Ý nghĩa đầu tiên là ơn gọi làm người - Chúa gọi con người từ chỗ hư vô sang hiện hữu – từ ‘không’ mà thành ‘có,’ và cuối cùng từ ‘có’ đến ‘vĩnh cữu.’  Mỗi con người được sinh ra để sống hạnh phúc và họ được Thiên Chúa kêu gọi để trở nên tốt lành qua việc thực hành các nhân đức: như; khôn ngoan, công bằng, tiết độ và dũng cảm. Đây là ơn gọi chung cho tất cả mọi người, bất kể tôn giáo, văn hóa, thời đại hay tín ngưỡng của họ. Tất cả mọi người trên thế gian đều được mời gọi sống và làm người tốt.

 

(2) Ý nghĩa thứ hai của ơn gọi dành cho những người đã được rửa tội - Họ được gọi là Kitô hữu. Là Kitô hữu, bạn được mời gọi để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. “Thiên Chúa tuyển chọn ta trong Đức Kitô trước khi tạo thành vũ trụ, để ta được trở nên tinh tuyền thánh thiện” (Ep 1,4; xc. 1Cr 1,2). Ơn gọi này mời gọi tất cả những ai đã được rửa tội lớn lên trong sự thánh thiện bằng đời sống thường xuyên hiệp thông toàn diện với Thiên Chúa qua Đức Kitô. Điều này đòi hỏi ở họ ba nhân đức thần học là Đức tin, Đức Cậy và Đức Mến. Các Kitô hữu được kêu gọi đào sâu mối tương quan mật thiết của họ với Thiên Chúa và sống một cuộc sống thánh thiện và phục vụ người khác trong tình bác ái.

 

(3) Ý nghĩa thứ ba của ơn gọi và cũng là đặc trưng của Giáo Hội Công Giáo – Ý nghĩa này chủ yếu được phân ra hai hướng đi chính: (1) đời sống thánh hiến {linh mục giáo phận, các hội dòng, trinh nữ thánh hiến, học viện, tu hội đời sống tông đồ, độc thân}, (2) đời sống hôn nhân gia đình. Đây là những con đường sống cụ thể được Thiên Chúa lựa chọn những cá nhân khác nhau phục vụ Tin Mừng và Giáo Hội. Những ý nghĩa khác nhau của ơn gọi thôi thúc tâm hồn chúng ta đáp lại Lời Thiên Chúa theo các bậc sống khác nhau và các ý nghĩa này cho thấy những ưu tiên và hướng sống khác nhau mà các cá nhân có thể đi theo trong mối tương quan của họ với Thiên Chúa.

Nhận chức phó tế - Linh mục Sửu Nguyễn

Chẳng hạn, thiên chức linh mục và đời sống tu trì là những ơn gọi đòi hỏi một người phải từ bỏ chính mình để sẵn sàng thực hiện sứ mạng được Thiên Chúa ủy thác qua Giáo Hội. Những ơn gọi tu trì này đòi hỏi một người phải theo Chúa Giêsu Phục Sinh tới bất cứ nơi nào Ngài đi và bỏ lại mọi thứ ở phía sau. Đây là lý do tại sao các lời khấn Phúc Âm về khiết tịnh, vâng phục và khó nghèo giải phóng người nam hay người nữ khỏi những bổn phận trần thế để sẵn sàng thực hiện những ơn gọi này.

Còn đối với ơn gọi hôn nhân gia đình, đây cũng là một ơn gọi cao quý và thánh thiện, nó bao gồm sự hợp tác giữa một người nam và một người nữ, họ cam kết với nhau trước mặt Thiên Chúa và cộng đoàn là họ sẽ sống với nhau cho đến hết cuộc đời. Giáo Hội Công Giáo dạy rằng hôn nhân là mối liên kết thiêng liêng giữa người nam và người nữ, được Thiên Chúa tạo dựng và chúc phúc. Đó là một cam kết suốt đời có nghĩa duy nhất, trung thành và sinh hoa kết quả. Giáo hội coi hôn nhân như một Bí Tích, một dấu chỉ hữu hình của ân sủng Thiên Chúa và nhìn nhận nó như nền tảng của gia đình và xã hội.

Bí tích hôn phối

Hầu hết mọi người được kêu gọi sống ơn gọi hôn nhân, là Bí Tích và là cách sống theo kế hoạch của Thiên Chúa dành cho tình yêu gia đình. Tuy nhiên, một số người Công Giáo đã được rửa tội và được mời gọi theo một ơn gọi khác, chẳng hạn như thiên chức linh mục hoặc đời sống dâng hiến. Đó là việc dâng hiến trọn vẹn bản thân để phục vụ Thiên Chúa và Giáo Hội của Người. Mọi người thường đặt tên cho ơn gọi dâng hiến này là – ‘đi tu.’ Vậy ‘đi tu’ là ra đi để được Thánh hiến cho Thiên Chúa. Trong bài giảng ngày 9/4/2009 của Đức Thánh Cha Benedict 16 đã giải thích: “Thánh hiến là đưa ra khỏi thế gian và dâng cho Thiên Chúa hằng sống. Một sự vật hoặc một người được thánh hiến không còn thuộc về chúng ta và cũng không thuộc về chính mình nữa, nhưng được dìm sâu trong Thiên Chúa.” Như thế, ơn gọi không chỉ là một công việc hay sự nghiệp, mà nó chính là sự thúc đẩy liên tục của Chúa Thánh Thần chạm đến toàn bộ con người và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của chúng ta.

Bạn không nên nhầm lẫn giữa công việc và ơn gọi của mình. Ví dụ, mặc dù bạn có thể không bị buộc phải đi xưng tội của mình với người chủ tại nơi làm việc, nhưng một ơn gọi trong đức tin Kitô Giáo đòi hỏi bạn chấp nhận yêu cầu của Thiên Chúa về sự khiêm nhường và vâng lời, và điều này có thể tác động đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống của bạn. Do đó, công việc chỉ là một phần được xác định rõ ràng trong cuộc sống của một người, thường liên quan đến các kỹ năng và trách nhiệm cụ thể, chẳng hạn như kỹ năng máy tính, kế toán hoặc điều dưỡng. Nó thường là một phương tiện kiếm sống và có thể phù hợp hoặc không phù hợp với đam mê hoặc các giá trị của bạn. Ngược lại, ơn gọi là ơn gọi gắn kết toàn bộ con người, bao gồm các mối quan hệ, hành trình cá nhân và tâm linh của bạn. Đây là việc ý thức về mục đích và ý nghĩa vượt xa công việc hay sự nghiệp, vì nó bao gồm sự cam kết sâu sắc để hoàn thành sứ mệnh Thiên Chúa giao phó cho cuộc sống bạn. Ơn gọi thường được coi là lâu dài, trong khi đó công việc hoặc nghề nghiệp có thể thay đổi tùy hoàn cảnh. Ví dụ, trong ơn gọi hôn nhân gia đình, cha mẹ thường chấp nhận làm tất cả vì con cái vì đó là mục đích, sứ mệnh cao cả nhất mà Thiên Chúa mời gọi họ tham dự vào công trình yêu thương và sáng tạo của Người. Hoặc là, các nữ tu hay thầy dòng cũng có những công việc như, y tá, bác sĩ, giáo viên, nhà nghiên cứu, vv. Nhưng ơn gọi chính của họ là tham dự vào sứ mệnh của Chúa Ba Ngôi trong chương trình cứu chuộc nhân loại. Theo lời Đức Kito, “Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:21).

Cuối cùng, ơn gọi của bạn là tiếng gọi yêu thương của Thiên Chúa, và Người mời gọi bạn đáp lại tình yêu đó, nó mang lại ý nghĩa và mục đích cho cuộc đời bạn. Nó khác với một công việc hay sự nghiệp ở chỗ nó chạm đến toàn bộ con người và thể hiện toàn diện mọi khía cạnh của cuộc sống bạn. Có ba ý nghĩa khác nhau của ơn gọi, (a) sống tốt lành, (b) lớn lên trong sự hiệp thông thánh thiện với Thiên Chúa qua đời sống Kitô hữu và (c) ơn gọi cụ thể trong Giáo Hội Công Giáo. Dù là linh mục, đời sống tu trì hay hôn nhân, ơn gọi của một người là một cam kết lâu dài đòi hỏi toàn bộ nhân cách của bạn và đòi hỏi bạn vào cuộc hành trình suốt đời hướng tới sự thánh thiện. Khám phá ơn gọi cá nhân của mình là điều cần thiết vì đó là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng đã sai Con của Ngài tới mời gọi từng người trong chúng ta để thực hiện kế hoạch thiêng liêng của Ngài. Thánh Phaolo nhắn gửi chúng ta, “Gieo ít thì gặt ít; gieo nhiều thì gặt nhiều.” Mỗi người hãy cho tuỳ theo quyết định của lòng mình, không buồn phiền, cũng không miễn cưỡng, vì ai vui vẻ dâng hiến, thì được Thiên Chúa yêu Thương (2 Cr 9, 6-10). Còn Đức Kitô hứa với chúng ta, ‘Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy (Ga 12:24-26).

 

Lm. Tien Cao

Giám Đốc Ơn Gọi - Giáo Phận Christchurch