Xem nhanh
“Triều” và “Dòng” là những từ ngữ khác nhau được dùng để chỉ về hai lối sống khác nhau trong cộng đồng Giáo Hội.
Đa số các linh mục trên thế giới là các linh mục triều (secular priests), phục vụ trong các giáo xứ, ở giữa dân chúng hay “giữa thế gian” (theo tiếng Latin, thế giới là “saeculum”). Các linh mục này còn được gọi là các linh giáo phận (diocesan priests). Còn một số linh mục khác, họ là những phần tử của các dòng tu, thuộc những cộng đồng tu trì mà ngày nay gọi là các tu hội đời tận hiến (religious priests). Sự khác biệt chính yếu là các linh mục triều không tuyên giữ ba lời khấn bậc tu trì như các linh mục dòng, mặc dù các linh triều cũng hứa vâng lời Đức Giám mục và hứa sống trinh khiết độc thân nhưng không khấn giữ đức khó nghèo như các tu sĩ.
Linh mục triều (giáo phận) | Linh mục dòng | |
Cộng đoàn | Giáo phận | Nhà dòng |
Bề trên | Đức giám mục | Bề trên dòng |
Lời khấn | Không có lời khấn dòng | Có 3 lời khấn dòng |
Độc thân | Độc thân | Độc thân |
Khó nghèo | Được làm chủ, sử dụng của cải tiền bạc theo ý mình | Phải có phép bề trên |
Sống chung | Thường không có đời sống cộng đồng | Có đời sống cộng đồng – sống chung |
Linh đạo | Không có linh đạo riêng | Sống theo linh đạo của dòng |
Phạm vi hoạt động | Thường trong giáo phận | Bất cứ nơi nào được sai đến |
Công việc | Chủ yếu là phục vụ trong giáo xứ | Đa dạng, tùy đoàn sủng của dòng |
Ký hiệu sau danh xưng | Không có | Có ký hiệu là chữ tắt tên của dòng |
Các linh mục triều là các linh mục “nhập tịch” vào giáo phận, trực thuộc giáo phận, trực tiếp dưới quyền Đức Giám mục giáo phận, vâng lời và thi hành chức vụ linh mục, đảm nhận những công tác do Đức Giám mục chỉ định. Chủ yếu các linh mục triều là phục vụ trong các giáo xứ, thi hành việc mục vụ. Thông thường, các linh mục triều hoạt động trong địa hạt giáo phận của mình.
Trái lại, các linh mục dòng là các cha hội nhập vào các dòng tu, là tu sĩ, phần tử của các dòng tu, tuyên giữ lời khấn dòng (khiết tịnh, khó nghèo, và vâng lời bề trên), trực tiếp vâng lời bề trên dòng trong mọi sự việc và đảm nhận những công tác do bề trên chỉ định. Các công việc của các linh mục dòng tùy thuộc đoàn sủng mỗi dòng. Họ có thể thi hành những việc về phụng vụ, quản trị, mục vụ, truyền giáo, giáo dục, xã hội, y tế, nghệ thuật, truyền thông, lao động… Các linh mục dòng có thể được gửi đi hoạt động bất cứ nơi nào nhà dòng được phép hoạt động. Các cha dòng cũng được bề trên gửi đến các giáo phận để phục vụ như các cha triều và trong khi phục vụ chúng ta cũng khó phân biệt họ với linh mục triều.
Ngoài ra, trong thực tế, ta còn thấy sau chữ ký hay danh xưng của các linh mục dòng còn có thói quen viết thêm chữ tắt tên của dòng mình như: S.J. (Societas Jesus – Dòng Tên), O.P. (Ordo Predicatorum – Dòng Đa Minh), O.F.M. (Ordo Fratrum Minorum – Dòng Thánh Phanxicô), CSsR (Congregatio Sanctissimi Redemptoris – Dòng Chúa Cứu Thế), CMC (Congregatio Matris Corredemptricis – Dòng Đồng Công), M.S. (Missionarus Salettensis – Dòng LaSalette), C.F.C.(Congregatio Fratrum Christianorum – Dòng Sư Huynh Lasan), O.H. (Ordo Hospitalis – Dòng Bệnh Viện – Gioan Thiên Chúa), S.D.B. (Società Salesiana di San Giovanni Bosco – Dòng Salesian Don Bosco), O.S.B (Ordo Sancti Benedicti – Dòng Biển Đức), S.V.D. (Societas Verbi Divini – Dòng Ngôi Lời), …
Ơn gọi linh mục
Nếu là người nam đang phân định ơn gọi, bạn cứ mạnh dạn tìm hiểu để thấy Thiên Chúa muốn mình bước vào con đường nào. Ơn gọi nào cũng cao quý. Ước gì chút phân biệt trên đây giúp bạn mạnh dạn dấn thân theo Chúa. Thánh Charles de Foucauld chia sẻ rằng: “Không ai chọn cho mình một ơn gọi, ta phải đón nhận ơn gọi và cố gắng để nhận ra ơn gọi. Ta phải lắng nghe tiếng Chúa gọi để nhận ra một dấu hiệu của ý Chúa. Và một khi đã nhận ra ý Chúa, cần phải làm theo luôn luôn mặc dầu có thế nào và phải trả giá đắt bao nhiêu.”[4] Trong khi đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng nhắn với người trẻ chúng ta: “Hôm nay Thiên Chúa tiếp tục mời gọi tha nhân theo Ngài. Chúng ta không nên chờ tới khi hoàn hảo rồi mới quảng đại thưa tiếng xin vâng. Đừng sợ hãi về những giới hạn và tội lỗi của chúng ta, nhưng thay vào đó, hãy mở tâm hồn trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Hãy lắng nghe tiếng gọi này, hãy phân định sứ mạng của từng người trong Giáo Hội và thế giới, và sau cùng hãy sống tiếng gọi ấy trong ngày hôm nay mà Thiên Chúa trao cho chúng ta.” (Ngày Thế Giới Ơn Gọi 2018).
Có hai con đường chính mà người muốn đi tu có thể bước nào: Tu triều hoặc tu dòng.[5] Nếu ai muốn làm linh mục, thuộc về giáo phận, thì chọn vào chủng viện để học làm linh mục (chỉ dành cho nam). Nếu ai muốn nên người tu sĩ, cả nam lẫn nữ, đều có thể chọn một nhà Dòng nào đó để bước theo Chúa Giêsu trong khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Chúng ta nói “người ấy muốn”, nhưng trên hết, Thiên Chúa muốn người ấy trước. Do đó, ơn gọi luôn đến từ trên cao, vang vọng tiếng mời người ấy đi theo Đức Giêsu. Khi người nào nghe được tiếng ấy, nếu họ đủ can đảm và yêu mến, đời tu sẽ mở ra với họ.
Chúng ta thấy Giáo hội và Xã hội lúc nào cũng cần người tu sĩ, cần linh mục dòng và triều. Họ là chứng nhân sống động của Thiên Chúa và Nước Trời. Không có người đi tu, nghĩa là, Giáo hội đang chết dần, chết mòn. Khi đó, người ta xa cách với ơn cứu độ. Không thể tưởng tượng được nếu thế giới không còn linh mục, thiếu vắng người tu sĩ. Dĩ nhiên, vai trò của hôn nhân gia đình vẫn quá quan trọng, đồng thời, ơn gọi cũng không thể thiếu vắng trong mọi thời. Tắt một lời, Giáo Hội khẳng định rằng: “Giáo Hội không thể nào từ bỏ đời thánh hiến được, bởi vì nó biểu hiện cách hùng hồn bản chất Hiền Thê thâm sâu của Giáo Hội.” (Tông Huấn Vita Consecrata, số 105).
Do đó, ước gì mỗi người tiếp tục xin Thiên Chúa sai những thợ tốt lành ra gặt lúa về (x. Mt 9,32–38). Cầu nguyện cho nhiều người trẻ dám can đảm bước vào ơn gọi đặc biệt này: nên tu sĩ hoặc làm linh mục triều. Để với những điều đặc biệt trên, cuộc đời người tu sĩ hoặc linh mục triều luôn hạnh phúc bình an, luôn vui tươi dấn bước. Hy vọng tu triều và tu dòng vẫn còn đặc biệt hấp dẫn nhiều người trẻ, phải không bạn?